(VOV5) -Đối với nhiều người Êđê, ché không đơn thuần chỉ là vật dụng, mà còn mang tính thiêng, là phương tiện giao lưu, gắn kết cộng đồng, dòng tộc.
Êđê là dân tộc ít người sinh sống miền Trung Tây Nguyên có vốn văn hóa truyền thống gắn liền với lịch sử phát triển của nền văn minh nương rẫy. Trong đời sống tâm linh, người Êđê theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh, nên có nhiều nghi lễ cúng liên quan đến nông nghiệp. Trong quá trình thực hành các lễ nghi, một hiện vật không thể thiếu đó là những chiếc vò được làm bằng các loại gốm, gọi là ché. Ché dùng để ủ rượu, ché đựng rượu để cúng thần linh.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ lâu đời, với các dân tộc Tây Nguyên nói chung và người Ê đê nói riêng, ché rượu cần là một loại tài sản quý. Người ta sắm ché chẳng những để ủ rượu cần mà để dành như vật gia bảo, có thể làm sính lễ trong cưới hỏi, đền bù khi xử phạt, làm quà biếu tặng bạn bè, người thân, thông gia. Trong mỗi ngồi nhà dài với kiểu kiến trúc đặc trưng của người Ê đê bên cạnh bếp lửa, nồi đồng, cây nêu,các loại cồng chiêng thì một vật dụng trang trí nổi bật và không thế thiếu là những ché rượu cần. Nếu như cồng chiêng được coi như là vật linh thiêng nhất, có giá trị nhất của mỗi gia đình và cộng đồng, thì ché thể hiện sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc…
Một số ché được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: Hoài Thu - Ảnh TTXVN |
Chị H’Bé, hướng dẫn viên của Bảo tàng ở tỉnh Đắc Lắc, cho biết: Có nhưng chiếc ché trước kia phải đổi ít nhất từ 7 tới 10 con trâu mới được một chiếc ché. Để biết một gia đình nghèo khổ hay giàu có thì người ta xem trong gia đình đó có nhiều chiêng, nhiều ché hay là không? hay gia đình đó có nhiều trâu bò hay là không? Nếu gia đình đó có voi nữa thì càng thể hiện sự giầu có.
Trong ngôi nhà dài của gia đình ông Y Bhiâo Mlô (aê Hiêm), ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk có nhiều loại ché quý, với kích cỡ khác nhau được xếp ngay ngắn. Có chiếc để trống, có chiếc đang dùng để ủ rượu cần.
Ông Y Bhiâo Mlô cho biết, đây là những chiếc ché của gia đình còn lưu giữ và mua lại được từ người dân ở các buôn; mỗi chiếc có giá từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng (đổi ngang giá trị một con bò). Trước đây, ở các buôn làng, ché quý còn khá nhiều, tuy nhiên hiện nay, với sự mai một của các lễ nghi truyền thống và tình trạng buôn bán cổ vật ở một số nơi, những chiếc ché quý ngày càng trở nên hiếm hơn, nhiều khi muốn mua cũng không có.
Du khách tham quan triển lãm, nghiên cứu về ché. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN |
Ông Y Bhiâo Mlô, cho biết: Trong nhà tôi thì cũng được 4-5 loại ché với khoảng hơn 20 chiếc, trong đó có nhiều cái mới mua lại. Những ché quý, ché cổ như ché Tang thì mới mua sắm lại đây thôi. Còn những ché ngày xưa từ thời cha mẹ để lại thì không may bị cháy hết từ hồi năm 1973. Bây giờ hiếm lắm, có muốn mua cũng không có mà mua đâu. Như giờ mà thấy ai bán thì chúng tôi sẵn sàng mua về liền bởi vì cần lắm, muốn gìn giữ lại tài sản quý của dân tộc mình, rồi còn sử dụng trong các nghi lễ cúng nữa, không thể bỏ những lễ tục, lễ cúng này được, với lại còn phải gìn giữ cho con cháu sau này để chúng nó còn có cái mà tiếp tục ủ rượu cần, sử dụng như bây giờ chúng tôi đang dùng.
Người Êđê phân biệt ché thành bốn loại chính là: ché Tuk, ché Tang, ché Ba, ché Bô. Theo quan nhiệm của đồng bào, những chiếc ché càng cổ thì càng quý, đồng thời là chiếc ché thiêng. Ché được cho là có siêu nhiên nào đó ẩn tàng nên hóa thiêng. Ché đựng rượu không thể thiếu trong mọi nghi lễ, từ mừng lúa mới, cầu sức khỏe, cầu mùa, đón một sinh linh gia nhập cộng đồng cho đến khi kết thúc một kiếp người…
Có nhưng chiếc ché trước kia phải đổi ít nhất từ 7 tới 10 con trâu mới được một chiếc ché. |
Đây còn là một trong những đồ vật đầu tiên dâng lên cúng Yang ( Trời). Bởi vậy tập tục chung của cư dân Tây Nguyên là, sau khi mua ché về hoặc trước khi bán ché đi đều làm lễ cúng. Khi đưa một chiếc ché quý về nhà, họ cũng phải tổ chức cúng nhập gia cho ché. Lễ cúng mang ý nghĩa gia chủ muốn thông báo cho họ hàng, bà con trong buôn làng được biết và đến chia vui cùng gia đình đã mua được một chiếc ché quý, với mong muốn nhập gia cho ché, để từ đây ché chính thức được coi như một thành viên trong gia đình, được quan tâm, đối xử như con người và chung sống lâu dài, mạnh khỏe, vui vẻ, đầm ấm, hòa thuận với gia đình. Cũng như vậy, khi không còn sử dụng mà bán hay cho ché đi, họ làm lễ cúng chia tay, tiễn biệt, khi không may làm bể ché thì phải cúng tạ lỗi với thần linh và chủ ché.
Trong những dịp thực hành các nghi lễ cúng thần linh, hay những dịp lễ hội, nhiều ché rượu cần được bày biện ra là thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà, của dòng tộc hay buôn làng. Có lẽ bởi vậy, đối với nhiều người Êđê, ché không đơn thuần chỉ là vật dụng, mà còn mang tính thiêng, là phương tiện giao lưu, gắn kết cộng đồng, dòng tộc.