(VOV5) - Một đặc điểm nữa là trang phục phụ nữ Cao Lan ở huyện Ba Chẽ có khác so với người Cao Lan ở Yên Bái, Tuyên Quang, đồng thời có nhiều nét tương đồng với người Cao Lan ở Bắc Giang.
Cao Lan là một trong hai nhóm của dân tộc Sán Chay (gồm Cao Lan và Sán Chỉ) sinh sống tại nhiều tỉnh như: Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh.Tại Quảng Ninh, đồng bào Cao Lan vẫn giữ gìn bộ trang phục của dân tộc mình để mỗi dịp tết đến, xuân về hay lễ hội… họ lại khoác lên mình bộ trang phục này để đi trẩy hội, ca múa.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tại Quảng Ninh, người Cao Lan sống rải rác ở một số thôn bản của huyện Ba Chẽ và tập trung nhiều nhất là ở thôn Khe Pụt Trong, thuộc xã Thanh Sơn và thôn Bắc Tập, thuộc xã Đạp Thanh. Với người Cao Lan ở huyện Ba Chẽ, trong các cuộc hát đối đáp giao duyên vào những ngày hội hoặc lễ tết, họ luôn mặc bộ trang phục truyền thống. Điểm nổi bật nhất trong bộ trang phục phụ nữ Cao Lan là chiếc áo, thân áo được thiết kế dài được nối bởi 2 màu bên trên màu nâu, bên dưới màu chàm. Nếu đi chơi làng, chơi hội thì được nối thân trên màu đỏ, bên dưới màu chàm.
Trang phục của phụ nữ Cao Lan. Ảnh VOV.VN |
Chiếc áo thoạt nhìn đơn giản nhưng lại được cắt nối khá cầu kỳ. Cổ áo gần giống với chiếc áo tân thời, áo mở nẹp chéo trước ngực và kéo sang cài khuy bên sườn phải, hai bên nách xẻ tà, vạt áo dài đến ngang bắp chân của người mặc. Chị Vi Thị Tuyến, Phòng văn hóa huyện Ba Chẽ, cho biết: "Đồng bào Cao Lan có trang phục rất là độc đáo về hoa văn có hình cỏ cây hoa lá có hình mặt trời, hình con người phản ánh về lễ tiết sản xuất nông nghiệp gắn với đời sống hàng ngày của người ta. Trước hoa văn ở chỗ vạt áo có hình vuông và có cả hình ngôi sao. Ngôi sao như câu hát là ngôi sao trên trời em đẹp nhất. Hình vuông tôi nghĩ tượng trưng cho đất. Trời đất giao thoa với nhau".
Một đặc điểm nữa là trang phục phụ nữ Cao Lan ở huyện Ba Chẽ có khác so với người Cao Lan ở Yên Bái, Tuyên Quang, đồng thời có nhiều nét tương đồng với người Cao Lan ở Bắc Giang. Nghệ nhân Lục Văn Bình, xã Thanh Sơn, một trang phục hoàn chỉnh của người phụ nữ Cao Lan gồm một áo dài bên ngoài, một cái yếm ở bên trong, váy cũng được dệt bằng vải chàm, ở chân cuốn sà cạp với quai xà cạp dệt thổ cẩm, trên đầu có đội khăn. Bộ trang phục của người Cao Lan thì tất cả các hoa văn đều tượng trưng cho tất cả một số linh vật. Ở đàng sau thì có hoa văn con gà, con ngựa, có các hoa văn tượng trưng cho mùa màng bội thu thể hiện trên hoa văn trang phục của người phụ nữ. Áo thì là áo dài. Ngoài áo thiếu nữ mặc váy không phải mặc quần 2 ống. Áo ngoài choàng thắt đai, có 2 đai, một là màu xanh, hai là màu vàng hay màu nâu, nhưng thường thường là đai sẽ nổi tạo thành một hoa văn.
Trong trang phục hằng ngày của đồng bào Cao Lan, phụ nữ mắc áo được may từ loại vải nhuộm chàm thẫm, dài quá đầu gối, tay chẽn hơi rộng ngang. Dưới gấu áo đáp liền nhau những miếng vải trắng, hình vuông. Do chiếc áo ko sử dụng cúc nên khi mặc người phụ nữ Cao Lan sử dụng 2 dải vải màu, thường là màu xanh và đỏ, để làm thắt lưng bên ngoài. Hai bên cổ áo may đáp vải trắng, đen xen kẽ, trong đó vải đen có thêu các hoa văn theo truyền thống của người Cao Lan.
Theo phong tục người Cao Lan ở Ba Chẽ, đối với người con gái khi lấy chồng phải có cái yếm và đôi dải yếm. Họ cho rằng, khi lấy chồng mà không có đôi dải yếm này thì được coi là người phụ nữ tái giá, vì vậy đôi dải yếm này rất quan trọng. Chính vì thế, bình thường người phụ nữ có thể không cần mặc yếm, mà chỉ cần mặc áo bên trong, nhưng cô dâu mới về nhà chồng bắt buộc phải có dải yếm. Người ta nhìn vào dải yếm của cô dâu thì họ sẽ biết được cô dâu như thế nào. Cô dâu nào không có dải yếm thì họ cho là người phụ nữ tái giá.
Nghệ nhân Lục Văn Bình cho biết thêm: "Tế nhị nhất là trong ngực của thiếu nữ có cái yếm bọc hẳn lên, tức là ngực không hở tý nào. Riêng cái yếm biểu tượng như một trái tim nhưng không phải trái tim như bình thường, là hình vuông nhưng người ta dựng lên cái góc nhưng trùm lên cằm.