(VOV5) - Gươl như một biểu tượng thiêng liêng và rất gần gũi trong đời sống và tinh thần của người Cơ Tu.
Nói đến dân tộc Cơ Tu phải nhắc đến Gươl. Gươl không chỉ là ngôi nhà có kiến trúc độc đáo, là sản phẩm văn hóa đặc sắc mà còn mang sắc thái đặc thù lãnh thổ rõ rệt của cộng đồng người Cơ Tu. Gươl như một biểu tượng thiêng liêng và rất gần gũi trong đời sống và tinh thần của người Cơ Tu.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong số 54 dân tộc Việt Nam, dân tộc Cơ Tu là dân tộc thiểu số sinh sống ở khu vực miền Trung Việt Nam, dọc theo dãy núi Trường Sơn, trong đó chủ yếu là ở 2 tỉnh: Thừa Thiên Huế và Quảng Nam.
“Gươl” trong tiếng Cơ Tu có nghĩa là cộng đồng. Khi lập làng, dựng nhà, người Cơ Tu đều chọn đất để dựng Gươl đầu tiên. Gươl của người Cơ Tu là công trình biểu tượng cho cả buôn làng. Nhìn vào hình ảnh nhà Gươl to hay nhỏ, có thể biết được uy quyền và sức mạnh của làng đó.
Gươl của thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Anh |
Ông Bríu Pố, già làng thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam kể: "Làng nào cũng đều có Gươl. Người ta chỉ cần nhìn Gươl nào to, điêu khắc đẹp là biết làng đó như thế nào rồi. Gươl mang ý nghĩa đối với cả làng, kể cả về mặt tâm linh. Hướng nhà không quan trọng, cứ hướng nào mắt nhìn được xa hơn thì đặt cửa ở đó. Trong Gươl điêu khắc càng nhiều thứ, càng nhiều loài động vật, càng nhiều hình ảnh thì càng hay.
Muốn điêu khắc gì thì tùy, nhưng mấy con vật sau là phải có. Thứ nhất là đầu con trâu vì người Cơ Tu cho là con trâu rất linh thiêng. Đó là con vật 4 chân, còn con vật 2 chân không thể thiếu đó là con gà trống, thường để trên 2 đỉnh nóc Gươl. Người Cơ Tu cho rằng các con vật 2 chân thì con gà trống là linh thiêng nhất. Còn với loài vật không có chân, người Cơ Tu thường điêu khắc con trăn. Theo người Cơ Tu, con trăn là loài động vật rất khỏe, hiền lành, hình tượng trăn mang ý nghĩa giáo dục đối với dân làng. Mặt nạ cũng không thể thiếu được vì người Cơ Tu cho rằng mặt nạ có tác dụng xua đuổi ma quỷ, mặt nạ điêu khắc càng xấu thì ma quỷ càng sợ."
Cổng làng truyền thống Cơ Tu Tây Giang. Ảnh: Ngọc Anh |
Ngày nay, khi du lịch cộng đồng phát triển, Gươl đã trở thành điểm tham quan du lịch và có thể làm nơi lưu trú cho du khách. Du khách đến đây có thể trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa người Cơ Tu, như: nghề dệt thổ cẩm, đan lát, chế tác và trình diễn nhạc cụ, trình diễn chiêng, múa “Tung tung Da dá”, hát lý. Gươl cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng, như lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu, Lễ mừng được mùa...
Anh Bhling Phát, Trưởng thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Gươl là nơi tụ tập bà con dân làng có tổ chức lễ hội hoặc hội họp bàn những sự việc quan trọng của thôn, bản. Công việc gì liên quan đến cộng đồng thì phải bàn ở Gươl. Thiết kế về mặt kiến trúc, Gươl nhìn từ trên cao xuống như một cái mái rùa. Mái Gươl làm bằng vật liệu gắn liền với tự nhiên trên núi rừng, đó là lá mây, lá cọ, lá dừa nước. Vật liệu xây dựng Gươl chủ yếu là gỗ. Điêu khắc phù điêu trong Gươl thường là những con vật có trong tự nhiên, để tuyên truyền cho con cháu biết tầm quan trọng bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ thiên nhiên."
Theo quan niệm của người Cơ Tu, Gươl là chốn linh thiêng, nơi cư ngụ của thần linh, ông bà, tổ tiên. Khi đến Gươl, mọi người không được ẩu đả, cãi vã mà phải đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau.
Gươl ở làng truyền thống Cơ Tu, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Ngọc Anh |
Anh Pơloong Plenh, người dân huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Khi bước chân vào làng của đồng bào Cơ Tu thì ấn tượng đầu tiên là Gươl. Gươl là nơi thể hiện tính đoàn kết cộng đồng làng. Nơi cộng đồng dân làng sinh hoạt. Các lễ hội lớn nhỏ của làng đều diễn ra tại Gươl. Đối với đồng bào Cơ Tu, làng mà không có Gươl thì làng đó không phải làng của Cơ Tu."
Các gam màu đen trắng chủ đạo được tô vẽ trong Gươl. Bên trong Gươl có các biểu tượng Mặt Trời, Mặt Trăng hay hình ảnh múa cồng chiêng... Trong Gươl thường trưng bày các loại nhạc cụ, công cụ lao động sản xuất. Điểm độc đáo trong kiến trúc truyền thống Gươl là nhà được chống bởi duy nhất một cây cột.
Ông Bríu Pố, già làng thôn Pơr’ning, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: "Thường thì đồng bào dân tộc nào cũng có nhà cộng đồng có nhiều cột nhưng tôi thấy dân tộc Cơ Tu ở Gươl có điều rất đặc biệt là chỉ có 1 cái cột ở giữa nhà. Cột giữa nhà thứ nhất đó là để dân làng nhảy múa xung quanh. Thứ hai, ý nghĩa quan trọng nhất là thể hiện biểu tượng của sức mạnh đoàn kết của dân làng. Người Cơ Tu cho rằng muôn nhà, muôn người trong làng, mọi người đoàn kết như một, như cái cột, thì làng không bao giờ bị tan rã hay bị diệt vong. Già làng thường nhắn nhủ với dân làng là “ơi buôn làng ơi, buôn làng mình phải đoàn kết”.
Gươl là nét độc đáo của người Cơ Tu, được ví như bảo tàng văn hóa của người Cơ Tu. Gươl có vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống, tâm linh của người Cơ Tu. Với người Cơ Tu, Gươl là tất cả, giữ được Gươl, là giữ được buôn làng.