(VOV5) - Tỉnh Hà Giang có khoảng 20 lễ hội truyền thống, trong đó hầu hết là lễ hội dân gian còn lưu giữ được những phong tục, tập quán đặc trưng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn.
Hà Giang có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 90% dân số, trong đó chủ yếu là dân tộc Mông, Tày, Dao... Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán rất riêng, tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo cho mảnh đất này. Từ lâu, tỉnh Hà Giang đã triển khai nhiều kế hoạch bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bảo các dân tộc trên địa bàn.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tỉnh Hà Giang có khoảng 20 lễ hội truyền thống, trong đó hầu hết là lễ hội dân gian còn lưu giữ được những phong tục, tập quán đặc trưng của các dân tộc sinh sống trên địa bàn. Nếu như đồng bào dân tộc Mông có lễ hội Gầu Tào, người Nùng, người Pu Péo có Lễ cúng Thần rừng, người Dao có lễ Cấp sắc, thì người Pà Thẻn có lễ hội Nhảy lửa, người Lô Lô có lễ cúng Tổ tiên, người La Chí có lễ Mừng cơm mới; người Tày có lễ hội Lồng Tồng…
Các lễ hội truyền thống diễn ra quanh năm, ngoài phần nghi lễ còn có các hoạt động văn hóa, văn nghệ, dân ca, dân vũ, các trò chơi dân gian, đem đến một không gian đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống, tạo điểm nhấn thu hút khách thập phương. Ngoài ra, đồng bào các dân tộc trên địa bàn còn lưu giữ được ngôn ngữ, chữ viết, kho tàng tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, lễ hội truyền thống, trang phục, công cụ lao động, nhạc cụ…
Lễ hội Gầu Tào của người Mông xã Nậm Dịch, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang. Ảnh: bvhttdl.gov.vn |
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang cho biết: "Tỉnh Hà Giang trong nhiều năm qua đã đưa ra nhiều giải pháp để bảo tồn các giá trị văn hóa, di sản của đồng bào các dân tộc. Ví dụ như chúng tôi đã bảo tồn lễ hội nhảy Lửa, lễ hội Cấp Sắc, Lễ hội Bàn Vương của đồng bào dân tộc Dao; lễ cùng Thần Rừng của đồng bào Bố Y và Nùng; Lễ hội Cầu Mùa của dân tộc Lô Lô… Chúng tôi cũng bảo tồn các làng nghề truyền thống như bảo tồn làng nghề dệt lanh thổ cẩm của đồng bào dân tộc Mông, Dao…Chúng tôi cũng tham mưu cho tỉnh ra các Nghị quyết bảo tồn các giá trị văn hóa các dân tộc trên khu vực Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn gắn với việc phát triển du lịch đến năm 2025 và tầm nhìn 2030."
Tỉnh Hà Giang có 19 dân tộc cùng sinh sống và bà con các dân tộc đã chủ động, tích cực gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình để truyền lại cho thế hệ sau. Tại huyện Quang Bình, UBND huyện tổ chức các lớp học nghề truyền thống như dệt tơ tăm, dệt thổ cẩm cho các em học sinh và mời các nghệ nhân giỏi về truyền dạy các làn điệu dân ca, các nhạc cụ dân gian cho con em các dân tộc... Trong năm nay, huyện đã ban hành kế hoạch về Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang. |
Ông Nguyễn Trung Dũng, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quang Bình, cho biết: "Những năm qua huyện cũng phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Pà thẻn trên địa bàn; kế hoạch bảo tồn, khôi phục, phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Mông trên địa bàn huyện Quang Bình, giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030. Theo Đề án bảo tồn văn hóa của Tỉnh Hà Giang, huyện đã chọn thôn Chì, xã Xuân Giang, để thí điểm thực hiện. Hiện phòng Văn hóa và thông tin đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo huyện xây dựng kế hoạch tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, đối tượng ưu tiên; thống nhất và ký cam kết với các hộ dân nằm trong diện được hỗ trợ của Đề án. Chúng tôi phấn đấu triển khai, thực hiện đề án này hiệu quả nhất nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa độc đáo của các dân tộc trên địa bản.
Tỉnh Hà Giang chủ trương gắn kết chặt chẽ các chương trình, kế hoạch giữa bảo tồn văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc đã có nhiều thành tựu đáng kể. Các lễ hội truyền thống, giá trị phi vật thể, phong tục tập quán của các dân tộc được phục hồi, phát triển và ngày càng được nhiều người biết đến, trở nên gần gũi với công chúng trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, du lịch phát triển, nhất là du lịch cộng đồng đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa cho nhân dân, đồng thời tạo động lực cho công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa cho phát triển du lịch.
Bà Triệu Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Giang, cho biết: Hà Giang đã triển khai xây dựng mô hình làng văn hóa du lịch cộng đồng và đến nay đã có 16 làng văn hóa du lịch cộng đồng phục vụ du khách đến thăm quan du lịch: "Chúng tôi đã tổ chức các sự kiện, liên kết với nhiều tổ chức, tập đoàn để quảng bá văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Hà Giang trên nền tảng số, thông qua các mạng xã hội để du khách, người nghe, xem các chương trình, hoạt động du lịch, tiếp cận được các giá trị văn hóa của tỉnh Hà Giang. Sau khi dịch COVID-19 được khống chế, du khách quốc tế và trong nước có thể tiếp cận được điểm đến Hà Giang qua các hoạt động này. Chúng tôi cũng tham mưu cho tỉnh để du khách đến với Hà Giang có những phương án để đón du khách đến với Hà Giang an toàn, thân thiện và hấp dẫn."
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc gắn với việc khai thác tiềm năng về du lịch trên địa bàn, tỉnh Hà Giang đã đầu tư, tôn tạo di tích, danh lam thắng cảnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đồng thời, mở các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý làm nhiệm vụ bảo tồn di sản văn hóa để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch bền vững.