(VOV5) - Tiếng hát giao duyên hòa cùng tiếng sáo, tiếng khèn Mông trong mùa lễ hội dường như làm mọi người quên hết bao mệt nhọc sau một năm lao động vất vả.
Đồng bào Mông ở tỉnh Hà Giang có kho tàng văn hóa truyền thống rất đa dạng, phong phú. Trong đó, độc đáo nhất phải nhắc đến là nghệ thuật hát ống. Vào những dịp Lễ, hội, Tết, những lời ca, làn điệu của hát Ống được đồng bào Mông cất vang giữa vùng núi đá hùng vĩ nơi cực Bắc Tổ quốc.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Hát ống là hình thức hát giao duyên, hát đối đáp, mỗi câu hát đều thể hiện tài ứng khẩu rất tài tình, thông minh và dí dỏm của người hát. Mỗi người một đầu ống, hát qua hát lại nhiều lần giữa đôi nam nữ, đôi nữ, đôi nam hay là từng tốp với nhau. Già, trẻ, trai gái đều có thể tham gia hát ống trong các lễ hội. Khi hát, một đầu dùng ống để hát tựa như chiếc micro, đầu bên kia đặt ống lên tai để nghe, rồi đổi lại. Cứ thế, sợi chỉ lanh mỏng rung lên truyền đi những âm thanh giai điệu ngọt ngào, say đắm lòng người. Tiếng hát giao duyên hòa cùng tiếng sáo, tiếng khèn Mông trong mùa lễ hội dường như làm mọi người quên hết bao mệt nhọc sau một năm lao động vất vả. Hát ống thường được tổ chức tại các lễ hội hay những dịp mở chợ phiên vùng cao. Nhiều cặp trai gái cũng từ hát ống này mà có cơ hội tìm hiểu và nên duyên vợ chồng.
Hát ống là hình thức hát giao duyên, đối đáp thể hiện tình cảm. Ảnh: VOV |
Bà Hầu Thị Chấu, ở thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tuy năm nay gần 70 tuổi, nhưng Tết năm nào khi xã tổ chức lễ hội, bà cũng đều tham gia Hội thi hát ống, chia sẻ: "Tôi rất thích những điệu hát ống của dân tộc mình, mỗi câu hát ống thể hiện những ý nghĩa sâu sắc về đời sống, về tình yêu thương, tình người, tình yêu đôi lứa... tuy giờ đã có tuổi rồi, nhưng tôi vẫn rất thích hát, khi được hát tôi thấy như mình trẻ ra, tinh thần vui vẻ. Hiện nay giới trẻ không còn nhiều người biết đến nghệ thuật hát ống. Tôi muốn hát để lớp trẻ thấy được cái hay và ý nghĩa của nghệ thuật hát ống. Để lớp trẻ có thể tiếp tục gìn giữ nghệ thuật này không để mai một."
Hát ống được đồng bào Mông ở Hà Giang gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Những vật dụng thô sơ thường ngày, như: ống mai, ống vầu, sợi chỉ lanh mỏng… trở thành phương tiện giao lưu tình cảm vô cùng thú vị. Về cách làm ống hát, ông Vàng Chẩn Giáo, ở thôn Mỏ Sài, xã Thanh Vân, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, chia sẻ: "Để làm ống hát thì rất đơn giản thôi. Cắt hai ống mai hoặc ống vầu ngắn khoảng 20 cm, đường kính 10 cm, để hở 2 đầu. Khi mổ gà Tết, bà con sẽ để dành cái diều gà, rửa sạch rồi căng ra bịt kín một đầu ống, sau đó dùng một sợi chỉ lanh thắt nút xuyên qua màng diều gà đã để khô.
Già, trẻ, gái, trai đồng bào Mông đều có thế tham gia hát ống. Ảnh: VOV |
Ống hát đầu còn lại làm tương tự rồi nối với nhau, sợi chỉ lanh có tác dụng truyền âm. "Đời sống kinh tế-xã hội ngày một phát triển, với sự giao thoa giữa các nền văn hóa, nhưng nghệ thuật hát ống vẫn được đồng bào Mông ở Hà Giang lưu truyền, gìn giữ, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.
Đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc Hà Giang trong những ngày đầu xuân, được trải nghiệm văn hóa truyền thống của đồng bào Mông, hòa vào giai điệu du dương của nghệ thuật hát ống chắc chắn sẽ để lại kỷ niệm khó quên trong hành trình du xuân của mỗi du khách gần xa.