(VOV5) - Múa bao gồm những động tác, như: giã gạo, đập chày, chuyển tay chày, gõ cối…
Đối với đồng bào dân tộc Thái ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình điệu múa keng loóng là một phần không thể thiếu trong đời sống của họ, đặc biệt trong các dịp lễ hội.
Hiện nay, tại các bản làng dân tộc Thái làm du lịch cộng đồng, đồng bào thường sử dụng keng loóng để tạo ra những âm thanh vui nhộn thay cho lời chào du khách. Keng loóng đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân nơi đây.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Loóng theo tiếng Thái có nghĩa là cái máng hay cái cối dài. Người ta chọn cây gỗ to và thẳng để làm loóng. Ông Hà Văn Xèm, dân tộc Thái ở xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, kể: "Loóng làm bằng gỗ, loại gỗ tốt, đánh kêu nhất là cây gỗ lát, loại gỗ này kêu âm vang, âm xa. Keng là cái gậy hay cái chày, dùng để đánh vào 2 miệng loóng. Keng Loóng ý nghĩa xuất phát từ lâu, trước đây làm lúa trên đồi, trên nương, người ta đi hái bông, lúa về thì người ta cho vào loóng để giã. Giã để thành thóc, rồi giã thành gạo. Cái loóng dùng cho việc giã thóc, gạo."
Người dân xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình múa keng long. Ảnh: Ngọc Anh |
Trong sản xuất nông nghiệp và các nghi lễ, tín ngưỡng, phong tục của đồng bào Thái đều sử dụng đến loóng. Khi giã gạo, chị em thường khua thêm vài nhịp chày vào thành luống hay gõ các chày với nhau, tạo nên những âm thanh nghe vui tai, xua tan mọi nhọc nhằn, vất vả trong những ngày tháng lao động trên nương, rẫy. Trải qua thời gian, dần dần người ta gõ thành bài, thành nhịp điệu rồi hình thành điệu múa keng loóng, một sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật của cộng đồng người Thái ở huyện Mai Châu.
Dụng cụ để biểu diễn múa keng long. Ảnh: Ngọc Anh |
Bà Hà Thị Bích, dân tộc Thái, ở xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, cho biết: "Keng loóng người Thái huyện Mai Châu chúng tôi trước đây thường dùng để đập lúa, rơm, nay được biểu diễn trong lễ ăn cơm mới, các ngày hội, ngày lễ…
Trường hợp Nhật thực, Nguyệt thực cũng có tiết mục keng loóng hoặc trong lễ tang. Nhạc cụ phụ họa thêm có thể là trống chiêng trong trường hợp làm lễ hội. Người ta đứng hai bên loóng rồi dùng cây tre để đập, gõ vào loóng. Thanh gỗ, thanh tre gọi là cái chày đập hai bên loóng."
Múa bao gồm những động tác, như: giã gạo, đập chày, chuyển tay chày, gõ cối… Kèm theo những tiếng động vang ra từ điệu múa là tiếng trống, tiếng chiêng, mỗ và tiếng chày đập vào nhau, chày đập vào cối, đôi khi còn có tiếng hú reo của người múa. Nhiều chàng trai, cô gái cũng nhờ giao lưu múa keng loóng mà đã nên duyên, thành vợ, thành chồng.
Bà con xã Nà Phòn biểu diễn múa sạp chào mừng du khách.
Ảnh: Ngọc Anh |
Số lượng người múa keng loóng phụ thuộc vào loóng dài, ngắn, hoặc tùy từng thời điểm, hoạt cảnh của sự kiện.
Bà Hà Thị Tâm, người dân tộc Thái, ở xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, kể: "Múa keng loóng người Thái thường có 8 người, mỗi bên loóng có 4 người. Trong đó, có 2 người ở đầu nhỏ loóng múa bắt nhịp. Biểu diễn múa, dân làng cầu mong được mùa. Khi đón khách đến, đội văn nghệ làng biểu diễn cho khách du lịch xem và họ rất thích. Khách du lịch cùng múa keng loóng, nhảy sạp."
Keng loóng có nhiều điệu, như: mừng cơm mới, chọi gà, Nhật thực, Nguyệt thực, đám cưới... Trong các lễ hội hoặc dịp Tết, khi múa keng loóng, đồng bào Thái kết hợp với cồng, chiêng, trống, sạp tạo âm hưởng rất riêng để tăng không khí vui tươi, náo nức.
Xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình nhìn từ trên cao.
Ảnh: Ngọc Anh |
Bà Hà Thị Nhất, người dân tộc Thái, ở xã Nà Phòn, huyện Mai Châu, kể: "Điệu múa keng loóng gắn bó với đồng bào dân tộc Thái. Mọi người khi múa điệu múa này ai cũng thấy không khí vui tươi, nhộn nhịp, phấn khởi. Cứ vào dịp như: ngày đại đoàn kết toàn dân, ngày ăn cơm mới, ngày tết, ngày lễ, ngày hội, ngày vui thì tổ chức múa.
Trước đây thứ Bảy, Chủ nhật mới múa, nhưng giờ du lịch phát triển nên ngày nào ở đây cũng múa cho du khách xem. Đội văn nghệ của bản còn múa những điệu múa truyền thống của dân tộc Thái cho du khách xem. Bà con còn dạy du khách múa, nhảy sạp, múa quạt… khách du lịch ai cũng thích xem. Bản sắc văn hóa người Thái phải giữ gìn. Ngày xưa, nếu Ông Trăng tối thì các cụ gọi bà con dậy múa keng loóng đi để cứu Ông Trăng cho sáng lên, để mọi người được bình an, làm ăn phát đạt."
Keng loóng là một trong những sinh hoạt văn hóa dân gian nổi bật của cộng đồng người Thái ở huyện Mai Châu, gắn bó với đời sống của bà con từ lâu đời. Mới đây, ngày 10/11/2023, keng loóng của người Thái ở huyện Mai Châu đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.