(VOV5) - Lễ cầu mưa là lễ truyền thống nhằm nhắc nhở con cháu đời sau hiểu thêm về những văn hóa nghi lễ đặc sắc của dân tộc mình, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc của đồng bào sống tại Tây Nguyên.
Tháng 4 hằng năm là cao điểm mùa khô, đồng bào dân tộc Êđê ở buôn Ky, phường Thành Nhất, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, lại náo nức tổ chức Lễ cầu mưa. Đây là lễ hội truyền thống, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, mang ý nghĩa đặc biệt về tâm linh, với ước nguyện được yàng (trời) cho mưa thuận gió hòa, cây cỏ xanh tốt, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, mọi người trong buôn làng đoàn kết, hạnh phúc.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Từ sáng sớm, khoảng sân trước Nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Ky đông đúc người dân về dự hội. Các chàng trai phụ giúp nghệ nhân sắp xếp lại dàn cồng chiêng, dọn dẹp bàn ghế. Các cô gái uyển chuyển trong trang phục truyền thống cùng tham gia chuẩn bị lễ cúng…
Dưới gốc cây cổ thụ nằm giữa buôn, người dân đã chuẩn bị hai chòi Pưk với những vật dụng để làm lễ cầu mưa. Chòi Pưk (Sang Yang) gồm hai tầng, tầng trên (tầng trời) để thờ ông trời và bà trời (Ây Điê và Aduôn Điê); tầng dưới là kho lúa tượng trưng cho sự no đủ.
Tiến hành nghi lễ gieo những hạt lúa đầu tiên. Ảnh: VOV |
Dưới chân chòi đặt thần Ác (Yang Liê), người xui khiến chim thú vào phá rẫy, làm mất mùa màng khiến dân làng phải sống trong cảnh đói nghèo. Cạnh đó là những lễ vật cúng yàng như rượu cần, gà, dụng cụ bằng tre, nứa cùng các tượng gỗ nhỏ tạc hình các con thú như voi, nhím, hổ…
Trước chòi Pưk, khi âm thanh của dàn chiêng nổi lên, thầy cúng mở đầu nghi thức cúng với lời khấn cầu yàng (trời, đất, thần mưa) đổ nước xuống để người có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn được no đủ, cũng như xua đuổi thú dữ, xua cái ác tránh xa buôn làng. Sau khi dâng lễ, thầy cúng bước chân vạch thành những ô vuông tượng trưng cho những thửa ruộng, rồi tiến hành nghi thức trồng tỉa.
Uống rượu cần là một hoạt động không thể thiếu trong các ngày lễ của người Êđê. Ảnh: VOV |
Ông đi phía trước, hai tay cầm 2 cây đã vót nhọn đầu chọc xuống đất, theo sau là những phụ nữ Êđê gieo hạt lúa vào hốc đất. Chị H’By La Byă, ở buôn Ky, chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên em tham gia lễ cúng cầu mưa nên em chưa biết nhiều, nhưng mà em cảm thấy rất vui khi mà được vinh dự tham gia lễ này. Lễ cúng cầu mưa có nhiều nét đẹp riêng của người Êđê."
Tiếp theo, thầy cúng cầm bát rượu pha tiết heo vẩy vào các gùi lúa, công cụ lao động và vẩy xuống đất rẫy để mời các thần cùng dùng rượu với dân làng, rồi tiếp tục nâng chén rượu, kính cẩn mời ông trời, bà trời, mời các thúng lúa trong chòi và đi xung quanh rẫy vẩy rượu vào mời các bẫy, những dụng cụ đuổi chim tượng trưng. Kết thúc lễ cùng, mọi người cùng reo hò, thể hiện sự đồng tình và quyết tâm bước vào mùa rẫy mới.
Dự lễ cầu mưa, bà H’Luếch Hđớk, 65 tuổi, chia sẻ: "Tôi rất xúc động và cảm xúc thật nhiều. Mình thấy tổ chức lại lễ theo truyền thống của dân tộc Êđê là mỗi năm tổ chức một lần trước khi tỉa bắp tỉa lúa, rất ý nghĩa. Nhớ lại ngày xưa lúc tôi còn nhỏ vẫn tham dự lễ, giờ lớn lên lại thấy lễ như vậy nữa thì mình rất vui."
Theo già làng Y Bang Byă, ở buôn Ky, phường Thành Nhất, Thành phố Buôn Ma Thuột, trước kia, lễ cúng cầu mưa thường được người Êđê thực hiện vào tháng 4 - thời gian cao điểm mùa khô, sau khi đã đốt dọn rẫy, chờ mưa xuống là gieo hạt. Khi cuộc sống đổi thay, buôn làng dần đô thị hóa, nương rẫy ngày xưa đã thành vườn hồ tiêu cà phê… việc tổ chức lễ cúng dần mai một. Nhưng những năm gần đây, với sự hỗ trợ của Nhà nước và ngành văn hóa, buôn làng đã khôi phục các lễ hội truyền thống, lưu truyền những nét đẹp văn hóa, hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn: "Đúng là để bảo tồn phong tục của dân tộc mình là cả vấn đề khó khăn đối với buôn Ky, nhưng được sự quan tâm hỗ trợ của phường Thành Nhất, đã hỗ trợ một số kinh phí để thôn buôn tổ chức lễ cúng cầu mưa. Cúng cầu mưa có ý nghĩa là cầu cho mùa mưa năm nay thuận lợi đạt được mùa màng may mắn, cuộc sống của người dân ngày càng tốt đẹp hơn và đem lại cơm no, áo ấm cho bà con buôn làng mình cũng như buôn làng Tây Nguyên."
Khi nghi thức chọc lỗ, gieo hạt và tưới nước kết thúc những nghi thức của lễ cầu mưa, bà con Êđê và du khách tham dự cùng uống rượu cần, thưởng thức lễ vật và múa xoang trong nhịp cồng chiêng rộn rã.
Lễ cầu mưa là lễ truyền thống nhằm nhắc nhở con cháu đời sau hiểu thêm về những văn hóa nghi lễ đặc sắc của dân tộc mình, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc của đồng bào sống tại Tây Nguyên.