Lễ cơm mới của người Thái Lan Anh -   06 Tháng Mười Một 2013 | 15:22:19 (VOV5) - Hai bên đường vào xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, là những thửa ruộng vàng óng trải dài. Mùa này người Thái ở Mường Phăng nhà nào cũng sắp sanh chuẩn bị cúng lễ cơm mới, một nét đẹp truyền thống từ bao đời nay vẫn được người Thái giữ gìn. Nghe nội dung chi tiết tại đây: Nhà ông Quàng Văn Tun ở bản Bua, xã Mường Phăng hôm nay làm lễ cơm mới. Ông Tun làm gần 10 mâm cỗ mời anh em, con cháu trong dòng họ đến để chia vui cùng gia đình trong vụ mùa mới. Tay cầm chén rượu, ông Tun nói lời cảm ơn mọi người đã đến mừng lễ cơm mới với gia đình: "Tôi rất cảm ơn các bác, các anh đến vui cùng gia đình. Hai nữa tôi xin mời các bác nâng chén chúc sức khỏe, anh em toàn thể mọi người". Tất cả mọi người có mặt ở đây đều đến cụng ly rượu và dành cho gia chủ những lời chúc tốt đẹp nhất. Ông Lò Văn Bun, hàng xóm của gia đình, cho biết lễ cơm mới có ý nghĩa với từng gia đình người Thái ở Mường Phăng nên dù bận đến mấy cũng phải sắp xếp đến để mừng cho nhà ông Tun. "Hôm nay gia đình anh Tun làm, tổ chức trước. Tôi được anh mời tới dự bữa cơm mới. Tôi đến đây chúc chén rượu cho anh Tun và gia đình anh Tun một năm nay mắn, thóc đầy nhà, đầy bồ. Khách đến nhà ăn cơm mới không đem gì đến mà chúc nhau là chính, cùng vui, cùng mừng cho gia đình được mùa màng". Người dân tộc Thái nơi đây quan niệm, để có một mùa vụ bội thu, thì sự phù hộ của đất trời, tổ tiên là rất quan trọng. Vì vậy, trước khi thu hoạch lúa, các gia đình đều làm lễ cúng cơm mới với ý nguyện bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên, trời đất. Anh Đường Văn Liên cho biết: "Từng nhà tổ chức một. Nhà em có làm nhưng em đã làm cách đây 2 hôm rồi. Em cũng làm mâm cỗ như này. Đặc trưng của người Thái có thịt gà, chuẩn bị đủ thức ăn cho mọi người. Còn cúng thì dành một con gà trống để thờ tổ tiên mình. Người Thái phải sắm đầy đủ từ các loại củ như sắn, khoai, hoa quả như bưởi, mía… mình mời tổ tiên về mừng cơm mới. Mời tổ tiên, họ hàng đến mừng cơm mới đến nhà, họ sẽ biết và đến cùng nhau". Lễ cơm mới các thành viên quây quần bên nhau. Đây sẽ là dịp để ông bà, cha mẹ dạy bảo con cháu biết quý trọng sức lao động, đạo lý, lối sống đúng mực ở đời. Vì thế, dù công việc bận rộn đến đâu, con cháu vẫn cố gắng sắp xếp thời gian về xum vầy cùng gia đình trong ngày cơm mới. Anh Lò văn Dũng, cháu của ông Tun, cho biết: "Cũng như mọi gia đình trên đất Mường Phăng, năm nào đến vụ mùa cũng làm lễ tổ chức ăn cơm mới. Thời ông thời cụ cứ truyền lại như vậy và chúng tôi phát huy nên giờ làm vẫn không có gì khác. Phong tục này rất vui và hay, một phần là để người dân gìn giữ và phát huy truyền thống, một phần để người dân tổ chức ăn cơm mới là họ thấy mình được mùa. Ai không tổ chức là không được mùa. Mường Phăng nghề chính là nông nghiệp lúa nước nên việc làm ruộng làm nương hết sức quan trọng". Cái cách người Thái bày tỏ lòng thành kính với tổ tiên cũng rất đặc biệt. Ngoài những lễ vật như lợn, gà, các loại hoa quả, trên mâm lễ dâng lên tổ tiên còn có bát cơm mới mang đặc trưng của của người Thái. Ông Lò Văn Hanh, anh họ của ông Tun cho hay: "Lễ cúng vừa có cơm mới, cơm cũ và cơm nhuộm màu. Cơm để cúng lúa mới gặt khi còn non, mới chín 2/3 thôi mình gặt về, tuốt ra cho vào chõ hấp chín cả thóc. Đem ra phơi nắng để cho khô lúc đó mới đem đi sát. Về vo qua để ráo nước mới cho vào đồ. Cho nên nó vừa dẻo, vừa thơm". Rồi ngày chọn làm cơm mới cũng không ấn định. Tùy từng gia đình, từng dòng họ nên mỗi gia đình làm một ngày khác nhau. Nhưng có một điểm chung là người Thái chọn ngày làm cơm mới là đều hướng về ông bà tổ tiên của mình. Lò Văn Biên, bí thư xã Mường Phăng, cho biết: "Người Thái 10 ngày cúng 1 lần. Nhà nào họ to thì 5 ngày cúng 1 lần. Ăn cơm mới thì trong tháng 30 ngày thì có 3 ngày thì mình chọn ngày nào cũng được. Thường thường dân tộc Thái một năm chỉ làm một lần. Chuẩn bị thu hoạch làm lễ cơm mới, lấy lúa hơi non để làm cơm cúng. Làm thế này để tổ tiên được ăn cơm mới trước mình". Lễ cơm mới được người Thái coi trọng và gìn giữ từ này sang đời khác bởi nó vừa phản ánh tín ngưỡng tâm linh, vừa biểu hiện nét văn hóa truyền thống đặc trưng, mang tính nhân văn sâu sắc và khắc sâu ý nghĩa xã hội. Bởi lẽ, đây cũng là dịp để anh em trong gia đình, thông gia, làng xóm hội ngộ, chung vui, chia sẻ với nhau công việc làm ăn, xây dựng gia đình và thắt chặt thêm tình đoàn kết thôn bản hướng về một cuộc sống đủ đầy./. Lan Anh Xem/nghe nhiều Cần có thêm chính sách để rộng đường huy động nguồn lực kiều bào (VOV5) - Tiếng nói và những đề đạt của kiều bào thông qua Mặt trận được chuyển tới quốc hội giải quyết như việc thông qua các luật đất đai, nhà ở, quốc tịch có liên quan đến kiều bào. Tin liên quan Chiếc khăn Piêu của người phụ nữ Thái đen Trang phục của phụ nữ dân tộc Thái Nhà sàn của người Thái đen Phản hồi Gửi đi Các tin/bài khác Người Phù Lá tổ chức quét ma làng Trang phục truyền thống dân tộc Thu Lao Lễ thổi tai của người Tây Nguyên Lễ cúng Rừng của đồng bào Nùng ở Xín Mần (Hà Giang)