Lễ cưới truyền thống của dân tộc M’Nông

(VOV5) - Người M’Nông có nhiều phong tục, lễ hội văn hoá truyền thống đặc sắc, trong đó các nghi lễ cưới hỏi được đồng bào rất coi trọng. Lễ cưới truyền thống của dân tộc M’nông là  hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian mang đậm bản sắc riêng của cư dân vùng đất cao nguyên.

Lễ cưới truyền thống của dân tộc M’Nông - ảnh 1
(Ảnh: Langbian.net)


Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Những mùa lễ hội đánh cồng chiêng, lễ cầu mưa, cầu mùa, mừng lúa mới, những đêm hát giao duyên…là cơ hội tuyệt vời để các chàng trai, cô gái M’Nông tìm đến với nhau. Sau khi đã chọn được cô gái vừa ý, chàng trai thưa với cha mẹ nhờ ông cậu trong gia đình hoặc ông mối trong dòng họ đi đến nhà gái để ngỏ lời cho con trai mình. Là một trong 5 dân tộc ít người ở Việt Nam vẫn duy trì chế độ mẫu hệ, nên phụ nữ M’Nông thường chủ động hơn trong việc hôn nhân. Chị Nguyễn Thị Ngọc, chuyên viên nghiên cứu văn hoá dân tộc ở Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết: Theo quan niệm của đồng bào M’Nông việc tìm được chàng rể quý như mang lại sự thịnh vượng, giàu có cho cả gia đình: “Theo chế độ mẫu hệ của người M’Nông, người con trai sẽ về nhà vợ ở rể, do vậy bên nhà trai được thách cưới và lễ vật thách cưới trước đây có thể là một con trâu và một số lễ vật khác và nhà gái phải đáp ứng đủ những yêu cầu điều kiện mà nhà trai đưa ra”.  

Tập quán cưới xin của người M’Nông cũng có các bước nghi lễ tương tự như của người Kinh. Trước hết là lễ dạm ngõ. Lễ này thường được thực hiện vào buổi tối (khoảng 20-21 giờ), bởi theo phong tục nếu bị nhà gái từ chối thì lúc đó trời tối nhà trai sẽ không bị mất mặt với bon ( buôn) làng. Nhà trai phải mang lễ vật gồm một cái nia, một tô gạo trắng, một con gà, một chuỗi cườm đeo cổ và một chiếc váy. Đến nhà gái, ông cậu hoặc ông mối thay mặt chàng trai hỏi cô gái làm vợ. Trước khi nhận lễ của nhà trai, cha mẹ cô gái hỏi con gái, nếu cô gái đồng ý thì mới nhận. Hai bên cùng phải đọc lại gia phả, nếu không trùng họ thì mới đi đến kết hôn. Lúc này cha mẹ cô gái mang một ché rượu lớn để làm lễ nhận lời hứa hôn. Ông mối cũng thay mặt nhà trai bàn bạc với nhà gái về lễ dạm hỏi.

Khoảng một năm sau, đến ngày đã định, nhà trai cử một người già có uy tín cùng một số trai tráng khỏe mạnh mang lễ vật đến nhà gái làm lễ dạm hỏi. Trong lễ này, gia đình nhà trai chuẩn bị hai ống nứa đựng măng chua, một chuỗi cườm, một vòng đồng. Đến nhà gái, nhà trai đặt mọi lễ vật lên cái nia và xin phép nhà gái hỏi vợ cho con trai mình. Bà mối bên nhà trai đeo chuỗi cườm cho cô gái và đeo một vòng đồng vào cổ tay chàng trai. Với nghi thức này, hai gia đình đã công nhận cho đôi trai gái trở thành vợ chồng. Nhà gái làm lễ báo với thần linh, tổ tiên ông bà rằng họ là người trong một nhà, như “chim đã có đôi”, như “bếp lửa đã có nồi”, không thể chia lìa nhau được. Sau đó hai gia đình cùng uống rượu cần và bàn lễ cưới cho đôi bạn trẻ. Lễ cưới thường được tổ chức bên nhà gái khoảng một tuần sau lễ dạm hỏi. Để chuẩn bị cho lễ cưới, nhà gái chuẩn bị 100 gùi gạo giã trắng như bông, 100 ché rượu, mổ một con bò để đãi khách. Chuẩn bị 50 cái tô, 50 cái chén, 50 chuỗi cườm để làm quà tặng cho cha mẹ và dòng họ chú rể. Ông A Ma Phong người dân tộc M’Nông cho biết: “Hồi xưa chi phí cho đám cưới cũng không có gì lớn, nhưng thời gian kéo dài. Gia đình mổ bò, heo, gà, đãi cả hai họ, rồi đãi cả làng luôn. Dân làng tổ chức lễ cưới với nhiều nghi lễ chúc mừng, tổ chức uống rựơu cần, các màn  múa hát, đánh cồng chiêng mừng cô dâu chú rể kéo dài tới 2-3 ngày. Phong tục của người M’Nông  là vậy”.

Hôn lễ được mở đầu bằng việc nhà gái đem biếu nhà trai mỗi người một bát gạo đầy, tượng trưng ý nguyện cầu mong cuộc sống họ luôn luôn no đủ. Mỗi bát gạo tương đương một ché rượu mà nhà trai tặng nhà gái. Trong lễ cưới, ông mối đóng luôn vai trò người chủ hôn. Ông dẫn đôi uyên ương đến bên cột nhà chính. Hai người làm chứng đại diện cho hai họ cầm chiếc khăn buộc vào cột nhà. Chủ  lễ cầm tay đôi vợ chồng trẻ nắm vào chiếc khăn, ý nói tình cảm hai người đã được buộc chặt, luôn gắn bó bên nhau. Sau đó chủ lễ dặn dò chú rể, cô dâu về đạo vợ chồng và trách nhiệm của mỗi người đối với cha mẹ, gia đình họ hàng. Sau nghi thức này, ông mối đưa cần rượu để hai vợ chồng trẻ uống đầu tiên mở màn cho lễ uống rượu mừng ngày cưới.

Những người đến dự đám cưới đều mang theo rượu, gạo nếp, thực phẩm... góp vào ngày vui của gia chủ. Sau lễ cưới còn có lễ rước rể vào ngày hôm sau. Cưới xong đôi vợ chồng trẻ phải ở trong nhà bảy ngày, không được ra khỏi nhà tránh gặp mặt người lạ. Hết thời gian kiêng cử, họ trở về nhà trai bảy ngày, sau đó về bên nhà gái ở trọn đời.

Lễ cưới của dân tộc M’nông là một phong tục đẹp, giàu tính nhân văn, giàu bản sắc dân tộc và được bà con người M’ Nông trân trọng giữ gìn ./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác