(VOV5) - Lễ hội Ariêu ping là lễ hội lớn, nên mọi gia đình trong làng đều chuẩn bị lễ vật cúng, lương thực, thực phẩm để thết đãi khách quý đến dự lễ hội.
Người Pa kô có rất nhiều lễ hội, nhưng Ariêu ping (lễ cải táng) được xem là lễ hội lớn nhất của người Pa kô. Lễ hội Ariêu ping mang đậm nét văn hóa tâm linh đặc sắc của đồng bào Pa kô, thể hiện sự tôn kính, hiếu nghĩa của người đang sống với những người đã khuất. Hình thức tổ chức lễ hội còn thể hiện sự đoàn kết gắn bó huyết thống trong cộng đồng dân cư, cùng chung tay xây dựng bản làng no ấm, phồn vinh và hạnh phúc.
Người dân trong trang phục truyền thống và những điệu múa đặc trưng quanh bãi đất Pa Roong. (Ảnh: dantri)
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo phong tục truyền thồng từ xa xưa, lễ hội Ariêu ping (lễ cải táng) của đồng bào Pa kô được tổ chức với mục đích đem lại sự bình yên, siêu thoát cho những người đã khuất, mang lại cho dân làng một cuộc sống ổn định, không ốm đau, bệnh tật.. Vào dịp lễ hội Ariêu ping, người Pa kô huy động cả cộng đồng thực hiện việc cải táng người chết, xây sửa, trang trí lại lăng mộ tổ tiên và coi đây là công việc chung của cả cộng đồng. Già làng dân tộc Pa kô Hồ Văn Hạnh ở thôn Lê Triêng, xã Hồng Trung, huyện A Lưới tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi đồng bào dân tộc Pa kôvẫn duy trì lễ hội A riêu ping, cho biết: “ Phong tục quan trọng nhất của người Pa kô có đặc điểm khác với các dân tộc khác và mang nét đặc trưng riêng của dân tộc Pa kô chính là phong tục cải táng gọi là lễ hội Ariêu ping. Đây là phong tục duy nhất chỉ có ở những nơi đồng bào Pa kô sinh sống. Vào ngày lễ hội, cả làng cùng thực hiện lễ cải táng, xây lại lăng mộ cho các bậc tổ tiên, người đã khuất, chứ không làm riêng theo dòng họ hay gia đình.”
Chỉ những già làng, trưởng bản mới được sử dụng tù và truyền thống. (Ảnh: dantri) |
Lễ hội Ariêu Ping thường được tổ chức 5-7 năm một lần, tùy theo điều kiện kinh tế của từng vùng và lễ hội thường diễn ra từ 2-3 ngày. Đây là lễ hội lớn, nên mọi gia đình trong làng đều chuẩn bị lễ vật cúng, lương thực, thực phẩm để thết đãi khách quý đến dự lễ hội. Ngày đầu tiên của lễ hội, người dân trong làng tụ họp cùng nhau làm một ngôi nhà ngay giữa trung tâm, nơi tổ chức lễ hội. Ngôi nhà này có tên gọi là Ân Trạp, là nơi để tro cốt của người đã khuất và những đồ cúng tế. Các nghi lễ trong lễ hội Ariêu ping diễn ra rất quy củ. Lễ chính được bắt đầu vào ngày thứ hai khi các Ra Gioóc (khách ở các bản xung quanh) trong bộ quần áo truyền thống cùng các loại nhạc cụ như tù và, cồng chiêng, trống... nhảy múa từ đầu bản hướng về phía trung tâm hát hò vui nhộn. Trong đoàn, nhiều người mang trang phục đặc biệt tượng trưng cho những gì tinh túy nhất của Đất và Trời với những thông điệp và ý nghĩa riêng. Đoàn người đi thành vòng tròn xung quanh bãi đất Pa Roong để thực hiện nghi lễ. Những cây nêu sẽ được những họ tộc có người đã khuất dựng lên để buộc trâu, bò, dê, lợn xung quanh phỏng theo nghi lễ tế thần. Tâm điểm của lễ hội, già làng đọc lời khấn mời tổ tiên ở thế giới bên kia về chứng giám lòng thành kính của con cháu và dân làng. Lời khấn có đoạn: “ Hôm nay, chúng tôi là con cháu và dân làng Lê Triêng theo tục lệ ngày xưa, tổ chức lễ Ariêu ping. Chúng tôi mời cả khách gần xa đến dự lễ. Lễ hội này là lễ hội đông vui, nên mời các vị tổ tiên về dự chung vui với con cháu trong ngày hội lớn. Chúng tôi sẽ tu sửa, làm mới nhà cửa mới cho các vị và mong các bậc tổ tiên phù hộ cho con cháu đang sống trên trần gian có sức khỏe, làm ăn ngày càng phát đạt…”
Ngày thứ hai diễn ra lễ hội là liên hoan văn hóa cồng chiêng và các môn thể thao truyền thống. Dân làng lại tụ tập quanh các trường thi đấu, những thanh niên khỏe mạnh tham gia cuộc thi đẩy gậy, những người khéo léo thì tham gia cuộc thi bắn nỏ trong tiếng reo hò cổ vũ. Trong các ngày diễn ra lễ hội, tiếng trống, tiếng cồng chiêng vang lên không ngừng nghỉ, số thanh niên trong làng thay phiên nhau đánh trống, hò reo suốt cả ngày đêm.
Đến ngày cuối là ngày thể hiện nét tâm linh của đồng bào, bởi hôm đó mọi người đưa tiễn hương hồn tổ tiên về nơi an nghỉ cuối cùng.Trong khi các hoạt động khác diễn ra thì tiếng cồng chiêng, tiếng trống ở nhà viếng Ân Trạp vẫn không ngừng vang lên. Những người thân ở xa, hoặc bà con làng xóm sẽ vào thắp hương, cúng viếng. Trước đó, một số người được giao công việc vào rừng ma cất bốc tro cốt của những người đã khuất đựng trong các hộp nhỏ rồi đưa về để ngày cuối của lễ hội sẽ được cải táng ở các nhà mồ mà dân làng chuẩn bị sẵn. Bà Hoàng Thi Liên, cán bộ nghiên cứu dân tộc, cho biết: “Ariêu ping là một lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Pakô. Lễ hội sau khi được khôi phục đã loại bỏ những hủ tục lạc hậu, giữ lại những nét đẹp văn hóa, là dịp để đồng bào Pakô thể hiện sự tri ân với dòng họ, tổ tiên cũng như tăng cường khối đoàn kết trong cộng đồng dân cư”.
Điều có ý nghĩa đặc biệt trong lễ hội Ariêu Ping, đây còn là dịp để người dân cùng ngồi lại, bàn bạc và tìm cách giải quyết các vấn đề vướng mắc cả về phong tục tập quán lẫn đời sống. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, nhiều hoạt động văn hóa truyền thống cũng được lồng ghép như giao lưu cồng chiêng, bắn nỏ, đẩy gậy... góp phần ''đánh thức'' những giá trị văn hóa đang mai một dần.