(VOV5) - Lễ hội cầu mưa của đồng bào dân tộc Lô Lô với những nghi thức đặc sắc, độc đáo, được lưu truyền từ đời này tới đời khác.
Lễ hội cầu mưa là một trong những nghi lễ quan trọng, linh thiêng của đồng bào dân tộc Lô Lô (tỉnh Cao Bằng). Lễ hội gắn với phong tục tập quán, lao động sản xuất được người dân lưu giữ và bảo tồn bao đời nay.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Đồng bào dân tộc Lô Lô tin rằng mọi hoạt động trong đời sống hằng ngày đều do một lực lượng siêu nhiên chi phối, đó là các vị thần linh. Một trong các vị thần đó là thần mưa, do đó, các nghi lễ đến nay vẫn được người Lô Lô lưu giữ, trong đó có lễ cầu mưa. Người Lô Lô thành tâm nguyện ước trong năm có nhiều hạt mưa rơi xuống tưới cho cây cối tốt tươi, cho dân bản được mùa, con người mạnh khỏe, vật nuôi đầy chuồng, cuộc sống no ấm.
Ông Chi Văn Sơn, ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Cúng cầu mưa mang ý nghĩa mong mùa màng bội thu. Trong năm, lễ cầu mưa diễn ra vào tháng 3 âm lịch, cầu cho mưa thuận gió hòa."
Mang lễ vật đến nơi làm lễ cầu mưa. Ảnh: caobang.vn.gov |
Lễ hội cầu mưa diễn ra trong 1 ngày nhưng người ta phải chuẩn bị trước đó cả tháng trời với nhiều công việc. Trước khi tổ chức lễ, dân làng họp bàn thống nhất chọn ngày tốt, tìm thầy mo, chuẩn bị trang phục, lễ vật, cỗ cúng… Mỗi người, mỗi nhà đều đóng góp mua lễ vật, phụ giúp thầy mo các công việc trong quá trình làm lễ. Nơi thực hiện nghi lễ thường là một khu rừng mà từ xưa dân làng đã chọn dành riêng để làm lễ cúng. Đồng bào Lô Lô quan niệm rừng là nơi trú ngụ của thần linh, nơi giữ nguồn nước cho người dân, bản làng.
Lễ cầu mưa được chia làm hai phần, có thể gọi là phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi lễ tiến hành với sự tham gia của dân bản, nghi thức cúng này được tiến hành hai lần. Những lễ vật sống dâng cúng như chó, gà, lợn được dắt đến nơi hành lễ, buộc quanh bàn lễ và người tế lễ cầu xin phép dâng lễ. Sau đó, chúng sẽ được các trai tráng trong xóm mang đi làm thịt, xong lại dâng lên cúng lần nữa.
Thầy cúng làm lễ cầu mưa. |
Thầy mo là chủ lễ thực hiện mọi nghi thức cúng lễ. Khi đến ngày hành lễ, đội ngũ những người hành lễ sẽ được cử đến ăn sáng ở nhà thầy mo. Từ nhà thầy mo, đoàn sẽ di chuyển đến khu rừng thiêng để làm lễ. Con trâu được dắt đi trước, tiếp đến là mâm đồ lễ do 4 người khiêng 4 góc cùng các con vật lễ, đồ lễ. Tiếp sau là thầy mo chính, rồi 2 thầy mo phụ, đoàn nghi thức và sau cùng là dân làng. Sau khi khấn xong, thầy mo đốt giấy bản ở 4 góc bàn, vẩy rượu ra 4 phương tạ ơn trời đất. Đồ tế lễ có 2 con vật không thể thiếu là con trâu và con chó. Ngoài ra đồ lễ còn có gà, xôi ngũ sắc, rượu ngô, giấy bản…
Thầy mo Nông Văn Thăng, ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Lễ vật có 1 con trâu, 1 con chó, 3 con gà. Chó để đuổi ma đi. Cúng 2 con gà, con gà con nhỏ được chôn. Con gà con này để xua đuổi ma tà. Dân tộc Lô Lô năm nào cũng tổ chức lễ cầu mưa, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng cây trồng mới tốt. Làm lễ cầu mưa để dân làng cả năm hạnh phúc, không bị ốm yếu, mùa màng bội thu. Lễ tổ chức vào ngày Thìn (con Rồng). Tổ chức cả xóm, mỗi hộ dân đóng góp tiền. Nếu làng nào có quỹ càng tốt còn sắp đến lễ thì đóng góp".
Sau khi thầy mo cúng xong, lúc này mỗi gia đình sẽ cử 1 thành viên tới mâm ăn trước cùng thầy mo. Điều kiêng kỵ lúc này là khi ăn mọi người tuyệt đối không được nói chuyện mà phải ăn theo sự chỉ dẫn của thầy mo chính. Khi thủ tục ăn đã xong, thầy mo chính đứng dậy hô một câu thần chú và mọi người trong mâm cùng nhau rời khỏi vị trí ngồi của mình đến các mâm cỗ của làng đã được chuẩn bị sẵn từ trước đó. Khi lễ cúng kết thúc sẽ chuyển sang phần hội, dân bản tập trung quây quần ăn uống, trò chuyện, múa hát xung quanh bàn lễ.
Bà Nông Thị Liên ở huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng, kể: "Tổ chức cả làng dân làng tập trung ra nhà văn hóa ăn cả khách, đại biểu tập trung ăn uống với nhau. Lễ cúng như vậy để mong trời mưa. Dân có nước mưa để làm mạ, để cấy lúa".
Trong lễ hội cầu mưa một nghi thức rất quan trọng được thực hiện chính là nghi thức chôn gà con. Đây là nghi thức được xác định là buổi lễ có thành công hay không, bởi người Lô Lô cho rằng sau khi tiến hành nghi thức này, gà được chôn xuống đất sau 3 ngày mà thầy mo quay lại hố chôn không bị thủng hay bị sụt lún thì nghi lễ cúng tế đã được thần linh chứng giám. Bản làng sẽ được các vị thần linh phù hộ, che chở, mùa màng tươi tốt cho năm đó. Còn nếu không sẽ phải thực hiện lại nghi thức này.
Lễ hội cầu mưa của đồng bào dân tộc Lô Lô với những nghi thức đặc sắc, độc đáo, được lưu truyền từ đời này tới đời khác. Với mỗi người dân Lô Lô, lễ cầu mưa luôn là ngày được mong chờ để gặp gỡ, chia sẻ, giao lưu và gắn kết cộng đồng