(VOV5) - Yêu ngựa và gắn bó với ngựa, người Mông đã có một môn thể thao đầy quả cảm: đua ngựa. Trong ngày hội “Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc” vừa diễn ra tại Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, du khách đã được chứng kiến những khúc cua đến thót tim của những kỵ sĩ người Mông ở huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai. Sau hiệu lệnh xuất phát của trọng tài, những nài ngựa rạp mình, thúc lưng để chú ngựa phóng vọt lên trên đối thủ trong tiếng reo hò cổ vũ của cả ngàn khán giả có mặt.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
8 đôi ngựa chia làm 8 lượt, mỗi lượt 1 cặp tranh tài. Các kỵ sĩ người Mông đầu đội mũ nhựa, đi giầy vải, không đồ bảo hộ, không yên ngựa, tay nắm chắc dây cương tung vó trên đường đua bụi mù đất. Chốc chốc, có những chú ngựa “bất kham” chưa kịp quen, thậm chí phi ra ngoài đường đua khiến nài ngựa cực kỳ vất vả để điều khiển. Thậm chí, có những lúc họ bị ngã ngựa ở khúc cua khiến khán giả được phen hú vía. Anh Vàng Văn Quyết ở thôn Na Áng B, xã Na Hối, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai, vừa xong lượt đua thứ nhất, cho biết:Từ nhỏ được đi lại với ngựa, va chạm với ngựa, mình cứ trèo lên ngựa là vững. Mình giữ tư thế để cân bằng làm sao mình không lật ra khỏi ngựa. Khi nào nó rẽ là mình biết, mình hiểu, khi nào nó tạt, đi đâu thì mình hiểu cái ý của nó mình điều khiển trên lưng.
|
Còn anh Vàng Văn Cương nói: Mình muốn ngồi vững được trên lưng con ngựa thì phải hiểu được tính cách của con ngựa. Mình cứ thường xuyên vuốt ve nó, thường xuyên cưỡi nó, có tật nào xấu mình có thể xử lý được ngay trong đường đua.
Về cách cầm dây cương và chọn ngựa để đua, anh Vàng Văn Quyết cho biết thêm: Dây cương mình chỉnh như mình lái xe, nó không như ý muốn như xe máy nhưng mình vẫn phải chỉnh làm sao nó theo như ý muốn mình. Mình chọn con ngựa nào mà mình nhìn thấy thân thiện, gần gũi được với nó hơn, mình có thể nuôi nó tốt hơn. Khuôn mặt nhìn sáng sủa, chân tay nó thẳng đứng. 4 móng vuốt của nó phải chụm, ngực nở lực lưỡng, mới có sức chạy được.
Trước cuộc đua, các nài ngựa người Mông phải tập luyện mất một năm. Lúc đầu, nài ngựa cưỡi để làm quen với ngựa rồi mới bắt đầu chạy nhẹ nhàng, dần dần mới có tốc độ. Ngày xưa đua ngựa truyền thống trong các bản thì đua theo đường núi còn bây giờ là đường bê tông nên nài ngựa bắt buộc phải đóng móng cho ngựa để lúc ngựa bước lên, chạy, dậm lên đường không đau chân thì ngựa mới chạy.
Ngoài chế độ luyện tập, để có thể giành chiến thắng, ngựa cũng phải được chăm sóc kỹ càng. Cứ nhìn cách anh Vàng Văn Cương vuốt ve chú ngựa yêu quý của mình mới hiểu tại sao anh lại cưỡi ngựa dễ dàng đến thế: Mình cho nó ăn uống điều độ thôi. Cỏ thì thái ra, một ngày ước lượng phải 50 cân và 5 lạng ngô bột nấu lên để cho nó ăn từng bữa một. Lúc nghỉ ngơi thì mình quay ra vuốt ve nó, chăm sóc nó để nó hiền với mình hơn, để nó bớt cái sự hung hãn của nó đi.
Đua ngựa của đồng bào Mông xuất phát từ thói quen sinh hoạt hằng ngày là dùng ngựa làm phương tiện vận chuyển, đi lại. Vì đường núi gập ghềnh nên buộc phải cho ngựa đi rất chậm. Khi không có hàng hóa, các chàng trai thách nhau, xem ngựa ai chạy nhanh hơn, khỏe hơn. Dần dần, sinh ra việc đua ngựa trong các bản làng khi đã xong việc ruộng, nương. Phần thưởng chỉ là tiếng reo hò cổ vũ của bà con dân bản, và người chiến thắng được tiếng là có ngựa hay.
Trò chơi có tính dân gian và dũng mãnh này đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của người Mông. Vẫn là các chàng trai người Mông thật thà, vẫn những chú ngựa do chính họ nuôi dưỡng, hàng ngày thồ lúa, thồ ngô từ nương về nhà, nhưng khi vào cuộc đua đã mang đến cho khán giả những màn biểu diễn thật hấp dẫn, ngoạn mục, để lại trong lòng mỗi du khách ấn tượng khó phai./.