Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Lạng Sơn

(VOV5) -  Hội Lồng Tồng hay còn gọi là hội cầu mùa được người Tày ở Lạng Sơn đón chờ nhất trong năm.

Lạng Sơn còn gọi là xứ Lạng, một tỉnh ở vùng Đông Bắc Việt Nam, nơi hàng năm diễn ra khoảng hơn 200 lễ hội Lồng Tồng truyền thống của người Tày. Lễ hội diễn ra từ ngày mùng 4 Tết đến 30 tháng Giêng để mở đầu cho một mùa gieo trồng mới. Khoảng thời gian này, lễ hội Lồng Tồng được tổ chức rộn rã ở mỗi làng, xã có người Tày sinh sống.

Lễ hội Lồng Tồng của người Tày ở Lạng Sơn - ảnh 1
Thi giã gạo - gói bánh, một trò chơi dân gian trong ngày hội xuân tại xã Quỳnh Sơn (Bắc Sơn) - Ảnh: báo Lạng Sơn

Nghe nội dung chi tiết tại đây:




Hội Lồng Tồng hay còn gọi là hội cầu mùa được người Tày ở Lạng Sơn đón chờ nhất trong năm. Ai đã từng dự hội Lồng Tồng hẳn sẽ không thể quên không khí vui say lòng người. Người dân trong bản từ già trẻ, lớn bé mặc những bộ quần áo đẹp nhất cùng tụ tập, cùng vui chơi trên khoảng đất rộng trong làng. Ông Hoàng Mí Làn, chủ tịch xã Thanh Hòa, huyện Yên Lãng, cho biết:Đối với người Tày Lạng Sơn thì lễ hội lồng tồng là lễ hội báo cáo thành quả của năm qua với thần nông, đồng thời xin thần nông ban những gì tốt đẹp cho ngành nông nghiệp, cầu cho năm tới mưa thuận gió hòa, khí hậu mát mẻ, súc vật sinh sôi, con người khỏe mạnh. Qua lễ hội xuân khẳng định tinh thần dân tộc, tình đoàn kết của cộng đồng dân cư”.

Vào ngày hội, người dân xã Thanh Hòa đều tham gia làm lễ. Nhà nào cũng có mâm cỗ cúng thịnh soạn để làm lễ vật cúng thần đất, thần núi, Thần Nông và Thành hoàng. Lễ vật thường có xôi nếp, rượu trắng và các loại bánh như khẩu sli, bánh dày, chè lam... nhưng không thể thiếu gà trống thiến luộc, thịt lợn quay, xôi, bánh chưng, bánh khảo, bánh bỏng. Mỗi sản vật được dâng lên cúng trời đất, Thần Nông đều mang một ý nghĩa thể hiện được sự giao hoà của trời đất, là thành quả lao động của những bàn tay cần cù, chịu khó, chắt chiu làm lụng, thể hiện sự cảm tạ trời đất, các vị tiền nhân, thánh thần luôn phù hộ, che chở cho nhân dân được thuận lợi và bội thu trong sản xuất, an khang trong đời sống. Hội Lồng Tồng được tổ chức ở ngoài trời, trên một thửa ruộng lớn, thuận lợi nhất. Ông Hoàng Mí Lán cho biết: “Vào ngày lễ mình làm đường cày tượng trưng cho năm mới, đất được lật lên để đất làm việc của mìnht cho một năm mới. Phải chọn người trong năm vừa qua đại diện cho những người biết cách làm ăn về lĩnh vực nông nghiệp. Với một diện tích như thế nhưng năng suất nhiều hơn người khác,còn số ngày công thì ít hơn. Đạt được điều trên thì người đó sẽ được đại diện cầm đường cày mới”.

Sau nghi thức đường cày khai hội là cuộc vui ném còn. Những chiếc còn xinh xắn rực rỡ sắc màu với những tua vải dài được ném vút lên không trung, hướng lên ngọn nêu. Trai gái xúm lại bên những chiếc còn. Những đôi mắt, những bàn tay đang chờ đợi chiếc còn trao gửi tình cảm của người mình thương yêu. Bởi vậy, ngày hội Lồng Tồng còn là dịp để trai gái trao duyên hẹn ước. Ông Lương Quốc Trịnh, xã Thanh Hòa cho biết: “Thanh niên của dân tộc thì mong đến ngày hội để được gặp nhau, hẹn hò đến ngày hội. Chúng tôi mặc trang phục truyền thống hát hò, nói chuyện với nhau. Người có gia đình thì đến gặp người bạn cũ ngày xưa yêu nhưng không lấy được, gặp nhau để vui mà”.

Người dân trong xã vui vẻ hòa mình say sưa vào các trò chơi như rước cờ, đi cà kheo, chọi gà, đánh đu, kéo co. Rộn ràng nhất phải kể đến màn múa sư tử. Ông Mí Làn cho biết trong lễ hội Lồng Tồng không có múa sư tử thì chưa phải là lễ hội Lồng Tồng: “Lễ hội lồng tồng phải có màn múa sư tử. Con sư tử biểu hiện cho sức mạnh của một đấng siêu nhiên. Con sư tử múa là để cầu lộc, cầu tài, cầu chúc sức khỏe, tẩy trừ sâu bệnh, đem đến những điều tốt lành và đuổi đi những điều xấu xa”.

Lễ hội Lồng Tồng được tổ chức vào mùa xuân, mùa của khát vọng, chờ mong. Xuân này, đến với Lạng Sơn, du khách sẽ được hòa mình vào những trò chơi dân gian đặc sắc của lễ hội Lồng Tồng và thưởng ngoạn phong cảnh núi non trùng điệp, những bản làng mù sương, nơi sinh sống của người Tày ở Lạng Sơn. Lễ hội Lồng Tồng đem lại cho những người khách phương xa bao trải nghiệm khó quên và hẳn ai cũng tự hẹn lòng, mùa xuân năm sau lại tìm về dự hội Lồng Tồng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác