(VOV5)- Lễ hội Nàng Hai, hay còn gọi là Mẹ Trăng, của người Tày ở Cao Bằng là một trong những lễ hội dân gian truyền thống, mang đậm tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ. Lễ hội này được sáng tạo từ chính cuộc sống sinh hoạt và lao động sản xuất của người nông dân miền núi.
Lễ hội Nàng Hai của đồng bào Tày ở Cao Bằng được bắt đầu vào tháng Giêng và kéo dài đến trung tuần tháng Ba. Theo tín ngưỡng dân gian dân tộc Tày, trên cung trăng có Mẹ Trăng và mười hai nàng tiên, là các con gái của Mẹ. Mẹ cùng các nàng hằng năm chăm lo bảo vệ mùa màng cho dân chúng ở trần gian. Hội Nàng Hai được tổ chức với ý nghĩa tượng trưng các mẹ các nàng ở dưới trần gian hành trình lên trời đón Mẹ Trăng và các nàng tiên xuống thăm trần gian và giúp trần gian trong công việc làm ăn để sinh sống.
Lễ Nàng Hai diễn ra theo 3 phần: lễ đón Hai, lễ cầu Hai và lễ tiến Hai. Trước khi diễn ra Lễ, đồng bào Tày phải chuẩn bị đầy đủ các lễ vật, bày trí không gian thờ trong nhà sàn, miếu thổ công và lán Hai. Cạnh nhà ở của đồng bào Tày có miếu thổ công. Trên các cột của miếu thổ công có dán giấy đỏ viết chữ Nho với nội dung: thần thổ công ở đây, người thịnh vật cũng thịnh và bình an. Phía trước nhà ở, đồng bào dựng lán Hai, lợp mái, trải chiếu, trang trí cây cỏ hoa lá… Bà Lưu Thị Mai Liên, người Tày ở Cao Bằng, cho biết: "Thổ công thì phải tế một con lợn sữa sống, đã thịt rồi nhưng chưa chế biến gì. Ngoài ra còn có một con gà, có xôi cẩm. Ngày xưa lễ cúng kéo dài cả tháng nhưng bây giờ làm thu gọn lại chỉ còn 3 ngày. Các hộ gia đình, mỗi người một bát xôi, hộ nào cũng phải có. Còn thuyền là biểu tượng cho việc từ trên đi xuống thì còn phải vượt biển, qua sông mới đến được. "
|
Làm lễ tại miếu thờ thổ công.- Ảnh: Trịnh Văn Bộ - Báo Ảnh Việt Nam vnanet.vn |
Trong lễ, thầy cúng mặc áo đỏ, đội mũ màu đỏ, tay cầm tính tẩu, chân lắc xúc xắc khấn mà như hát bài cúng bằng tiếng Tày ngay trước bàn thờ tổ tiên. Sau ông là 14 cô gái tay cầm chiếc quạt giấy. Trong đó, hai cô gái gần thầy cúng nhất ngồi xếp chân vòng tròn, tay đặt lên hai đầu gối nghiêm trang hướng mắt lên bàn thờ, hai chiếc quạt giấy xòe ra đặt trước mặt. Theo tục lệ của người Tày, đây là hai cô gái trinh trắng tượng trưng cho Nàng Hai. 12 cô gái còn lại mặc áo chàm đen đi giầy vải thô, xếp ngay ngắn thành 2 hàng đứng liền ngay sau đó. Bên cạnh họ là một phụ nữ cao tuổi có trách nhiệm chỉ dẫn 14 cô gái thực hiện nghi lễ mời, đón Nàng Hai. Bà dẫn phải là người hát giỏi, gia đình hạnh phúc, ấm êm, thạo phong tục tập quán của người Tày.
Mở đầu phần lễ, thầy cúng đọc bài khấn, sau đó, 2 cô gái tay cầm quạt xoay vòng trong tư thế ngồi như lên đồng rồi cất tiếng hát. Đây chính là phần nghi thức để mời Nàng xuống trần gian. Tiến sỹ Nguyễn Thị Yên, Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian, giải thích: “Lễ hội Nàng Hai tương tự như một lễ hội lồng tồng nhưng nó lại dưới hình thức saman. Hình thức saman là nhập đồng. Các nàng trăng nhập vào 12 cô gái và các cô gái này hát những bài hát, rồi đi lên Mường trời, lên gặp các mẹ trăng để xin giống, xin cây, cầu phúc, cầu thọ, cầu duyên... tất cả đều thể hiện trong bài hát. Cả làng cả bản tham gia."
Sau nghi thức mời Nàng Hai xuống trần gian diễn ra trong nhà, thầy cúng dẫn nàng hai và 12 người con của Mẹ Trăng ra miếu thổ công của làng để trình báo với Thành Hoàng làng, cầu khấn xin được đón Mẹ Trăng xuống trần gian. Xong xuôi, bà dẫn cùng với các cô gái ra lán tế ngoài trời, nơi bà dẫn và ông pụt làm lễ cúng Mẹ Trăng. Thầy pụt khấn trước, bà dẫn hát sau, rồi 12 người con Mẹ Trăng đồng thanh hát theo bà dẫn.
Mời mẹ trăng xuống trần gian là một hành trình gian nan, vất vả. Phải hát mời đến lần thứ ba Mẹ Trăng mới đồng ý nhận lời mời xuống trần để giúp dân cầu mùa, cầu phúc.
Khi lễ cầu mùa, cầu phúc kết thúc cũng là lúc 12 cô gái con của Mẹ Trăng dỡ lều, chia tay dân làng. Lời hát quyến luyến với những điệu hát dặn dò, hẹn ước năm sau. Cuối cùng, pụt, bà dẫn, mẹ trăng và bà con dân bản vừa đi vừa hát, tiến ra bờ sông, thả thuyền bè tượng trưng sức mạnh vượt biển của Mẹ Trăng. Đứng trên bờ, Mẹ Trăng vừa xé quạt, vừa tung bỏng về phía mọi người. Ai bắt được quạt đều reo hò ầm ĩ. Bà Lưu Thị Mai Liên giải thích: "Làm như vậy là để lộc lại cho dân làng, cho mọi người. Ai bắt được nhiều thì là người đó có nhiều lộc."
Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người Tày phụ thuộc nhiều vào tự nhiên nên bà con luôn ước vọng một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình êm ấm. Lễ hội Nàng Hai là một trong những lễ hội cổ truyền của đồng bào Tày, thể hiện ước vọng của đồng bào vào lực lượng siêu nhiên với trí tưởng tượng phong phú, hình thức diễn xướng lễ độc đáo, đặc sắc./.