Lễ hội Tạ ơn rừng của người Cơ Tu

(VOV5) - Sống giữa núi rừng Trường Sơn, từ bao đời nay đồng bào Cơ Tu nơi đây sinh sống và canh tác chủ yếu bằng nghề nương rẫy.

Lễ hội Tạ ơn rừng là một nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh miền Trung Quảng Nam, được tổ chức vào những ngày đầu năm mới hàng năm. Người Cơ Tu quan niệm, ngoài việc khai năm cầu may, lễ Tạ ơn rừng còn là lời hứa của đồng bào trong việc nâng cao ý thức về quản lý và bảo vệ rừng, đồng thời gắn kết cộng đồng. 

Giữa không gian bao la của núi rừng, trai gái trong làng quay vòng tay nhịp nhàng, thanh âm của tiếng cồng chiêng và các loại nhạc cụ truyền thống ngân vang như một lời cầu nguyện mà người Cơ Tu gửi tới đấng thần linh, tổ tiên. Người Cơ Ty tin rằng, Giàng cũng như các vị thần đã cho họ sức mạnh để vượt qua, gắn bó với núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Rừng như là vị thần thiêng liêng của làng, của cộng đồng dân tộc Cơ Tu. Già làng Clâu Blao, ở xã Tr’hy, cho biết đồng bào Cơ Tu từ bao đời nay luôn biết thương yêu núi rừng.

Lễ hội Tạ ơn rừng của người Cơ Tu - ảnh 1 Già làn tổ chức lễ cúng “Tạ ơn rừng”. Ảnh Dântri

Mẹ rừng giữ nguồn sống cho đồng bào nên trách nhiệm của mỗi người dân nơi đây là phải biết gìn giữ vốn quý của rừng. “Từ thời xưa, bà con chúng tôi luôn luôn bảo vệ rừng. Thứ nhất là bảo vệ rừng để làm nhà cửa. Thứ hai là để lấy củi. Thứ 3 là để cho bóng mát, gần cây cối to là nó mát con người, không ai phá rừng già đầu nguồn.”

Từ xa xưa, người Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức lễ “tạ ơn rừng”, tạ ơn núi, sông, suối, cây cối, hoa màu, tạ ơn thần linh, Giàng. Với tâm niệm, có rừng, có Giàng là có con người và muôn loài động thực vật sinh sống. Bất cứ ai lấy thứ gì từ rừng cũng phải xin đấng thần linh, phải họp bàn với dân làng và làm lễ cúng cẩn thận. Để bảo vệ những cánh rừng nguyên sinh, dân bản A Ró, xã Lăng, huyện Tây Giang đề ra quy ước, hễ ai muốn lấy gỗ trong rừng làm nhà phải được sự đồng ý của dân làng. Nếu khai thác cây nào thì Hội đồng già làng tính toán, đốn hạ những cây gỗ để sao không ảnh hưởng đến rừng già. Người nào vi phạm sẽ bị làng phạt vạ, nghiêm khắc hơn là cấm vào rừng.

Lễ hội Tạ ơn rừng của người Cơ Tu - ảnh 2Đồng bào Cơtu tổ chức mua hát trong lễ hội “Tạ ơn rừng”. Ảnh Dân trí

Anh Bling Ngành ở bản Aró, xã Lăng, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Hộ gia đình có máy cưa cũng đã nhận biết về công tác quản lý bảo vệ rừng, tự ý đem và giao nộp cho công an giữ. Cái quý giá nhất của nhân dân ở đây là dựa rừng, bảo vệ rừng.”

Từ năm 2011 đến nay, huyện Tây Giang trên diện tích vùng lõi rừng 450 héc ta vẫn còn nguyên vẹn 725 cây pơ mu được công nhận là cây Di sản Việt Nam. Có những cây được đặt tên như: cây Đình Làng, đường kính gần 4 mét, cao hơn 20 mét, cùng hàng trăm cây pơ mu vài trăm tuổi như cây pơ mu Voi,  Gấu, Rồng, cây Ngũ Hổ, cây Tê Giác, cây Mẹ, cây Trường Sinh...

Theo ông Bhriu Liếc, Bí thư Huyện ủy Tây Giang, tỉnh Quảng Nam có được cánh rừng này là nhờ quá trình giữ gìn rừng của bao thế hệ đồng bào Cơ Tu. “Trách nhiệm giữ rừng của người Cơ Tu không phải của cá nhân ai hết cả, đó là cộng đồng. Điều này bắt đầu từ văn hóa. Hai văn hóa quan trọng nhất ở đây là văn hóa làng và văn hóa giữ rừng. Cho nên giữ được văn hóa làng thì rừng không mất, còn nếu làm mất văn hóa làng thì mất văn hóa rừng, lúc đó thì họ sẽ phá.”

Không chỉ bảo vệ rừng, đồng bào Cơ Tu nơi đây còn biết phát huy giá trị của rừng để làm giàu. Những mô hình trồng thảo dược như táo mèo, đẳng sâm, ba kích, sa nhân tím, thảo quả… được đồng bào Cơ Tu nhân rộng dưới tán rừng nguyên sinh. Nhiều gia đình ở huyện miền núi cao Tây Giang trở thành triệu phú nhờ trồng dược liệu.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, cho biết chính quyền địa phương đang tiến hành giao rừng cho cộng đồng quản lý. Đây là cách làm thiết thực để xã hội hóa công tác bảo vệ, phát triển rừng. “Tỉnh tiếp tục đề nghị huyện Tây Giang có những cách làm năng động, sáng tạo hơn nữa để bảo vệ, phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế cho đồng bào, để giảm tỷ lệ nghèo của huyện Tây Giang hiện nay xuống ở mức thấp nhất có thể. Bên cạnh đó, duy trì và phát huy thêm các giá trị văn hóa khác, khai thác thêm các giá trị về thiên nhiên hiện có ở Tây Giang để làm sao tất cả có thể tập hợp lại thành một điểm sáng về du lịch để thu hút du khách không những trong nước và nước ngoài đến với Tây Giang.”

Sống giữa núi rừng Trường Sơn, từ bao đời nay đồng bào Cơ Tu nơi đây sinh sống và canh tác chủ yếu bằng nghề nương rẫy. Nhưng có điều thú vị là họ vẫn gìn giữ được các khu rừng già, rừng đầu nguồn. Đối với họ, rừng núi là tài nguyên vô giá, giúp người Cơ Tu tồn tại và phát triển. Vì thế, Lễ hội khai năm tạ ơn rừng được tổ chức vào đầu năm mới là dịp để thể hiện lòng biết ơn “Mẹ” rừng năm qua phù hộ, độ trì dân làng khỏe mạnh, cuộc sống sung túc.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác