(VOV5) - Ở phạm vi cộng đồng, lễ tạ ơn thần linh của người Bana sẽ mang tầm vóc quy mô lớn hơn với sự chung tay góp sức của tất cả mọi nhà, mọi người.
Cứ độ cuối năm, đến với buôn làng của người Bana ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, sẽ bắt gặp hình ảnh mọi người đang quây quần bên các ché rượu tại nhà Rông. Họ cùng mừng vui gửi những mong muốn tốt đẹp cho bản làng, cho mỗi người dân. Đó chính là nghi lễ cảm tạ thần linh của đồng bào Bana nơi đây.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Theo phong tục, lễ tạ ơn thần linh của người Bana được tổ chức theo 2 cách, hoặc mang tính cộng đồng với sự tham dự của cả buôn làng hoặc với quy mô hẹp cho từng cá nhân.
Ông Đinh Ply ở huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai, cho rằng người Bana thông thường có nghi lễ cảm tạ thần lĩnh đã che chở cho bản thân mỗi người khi họ bắt đầu thực hiện 1 việc gì đó. Khi công việc hoàn tất mà không hao tổn cho chủ thể thì người Bana sẽ làm lễ tạ ơn trong phạm vi gia đình.
Nghi lễ này khá đơn giản chỉ là cúng bái cảm tạ với lễ vật dâng cúng là chút rượu cùng hoa quả, nếu có thịt gà, lợn thì càng tốt, nhưng không bắt buộc.
Cứ độ cuối năm, đến với buôn làng của người Bana ở mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, sẽ bắt gặp hình ảnh mọi người đang quây quần bên các ché rượu tại nhà Rông. Ảnh minh họa: N.Đang |
Ông Đinh Ply cho biết: "Giống như việc phải đi làm việc gì đó từ nhà đến địa điểm nào đó. Họ là đi đến nơi về đến chốn, khi nào đi xong thì về làm lễ tạ ơn thần linh ở vùng đó vì đã phù hộ cho gặp may mắn, công việc hanh thông."
Ở phạm vi cộng đồng, lễ tạ ơn thần linh của người Bana sẽ mang tầm vóc quy mô lớn hơn với sự chung tay góp sức của tất cả mọi nhà, mọi người. Để chuẩn bị cho ngày lễ, trước đó khoảng 1 tháng, moi người trong buôn họp bàn với nhau cùng phân công nhiệm vụ. Những việc nặng nhọc như dọn dẹp, sửa sang nhà Rông cũng như các công việc chuẩn bị lễ vật gà, lợn, đều được đàn ông trong buôn gánh vác. Phụ nữ thì làm những công việc nhẹ nhàng hơn như chuẩn bị đồ ăn, vật phẩm dâng cúng thần linh.
Về ngày tổ chức, già làng sẽ bàn bạc với các hộ gia đình và những người có uy tín để đi đến thống nhất định ngày làm lễ: "Để cúng tạ ơn, mình phải thống nhất với bà con, dân làng, họ bàn xong mới tổ chức họp dân làng ấn định ngày đó sẽ tổ chức. Mình phải sắp xếp ngày nào phù hợp và thuận lợi nhất cho bà con rannhr dỗi nhất thì mình lấy ngày đó . Tuy nhiên mình phải bàn bạc dự định với gia đình với dân làng trước thì họ mới có thể sắp xếp được thời gian lúc đó họ sẽ ở nhà tập trung cùng nhau mỗi người mỗi việc."
Trong quá trình họp bàn, lễ vật dâng cúng thần linh được đồng bào đặc biệt quan tâm. Theo thông lệ hàng năm sẽ là gà, lợn hoặc dê. Tuy nhiên, nếu trước đó buôn làng đã làm lễ cầu an thì sau 1 thời gian nhất định sẽ tổ chức lễ tạ ơn với lễ vật trịnh trọng nhất đó là dâng cúng trâu. Cùng với đó, tất cả lễ vật sẽ được đóng góp theo điều kiện của mỗi hộ gia đình. Đây là những vật phẩm sẵn có của mỗi hộ gia đình.
Khi hội đồng già làng, các gia đình đã đi đến thống nhất ngày lễ thì mọi người phân chia công việc, chuẩn bị rượu, thịt… để đến ngày lễ đã định cùng nhau đến nhà Rông tổ chức.
Lễ tạ ơn được đồng bào Bana tiến hàng vào tháng 12 hằng năm, khi mọi việc trên nương rãy đã hoàn tất, lúa ngô đã được cất giữ cẩn thận trong kho. Vào sáng ngày lễ, già làng thay mặt buôn, làng khấn bái thần linh, mời gọi các giàng về dự lễ. Thay mặt buôn làng, già làng đứng giữa nhà Rông ngay trước mâm lễ vật, bắt đầu bài khấn mời các giàng về tham dự lễ. Theo ông Đinh Tinh, huyện K'Bang, tỉnh Gia Lai, lễ tạ ơn thần linh là việc cảm tạ thần linh, cảm ơn các Giàng đã chở che cho buôn làng trong suốt năm qua, đã bảo vệ cho người dân khỏi ốm đau, bệnh tật, để mọi điêu tốt lành luôn đến, những điều giữ tai ương mau qua: "Mình cúng Giàng cầu cho buôn làng không ai bị đau ốm. Ai ốm đau gì cũng đều cúng Giàng để nhanh khoe. Hay có việc gì quan trọng trong gia đình, trong buôn làng thì cũng đều cúng Giàng."
Lễ tạ ơn thần lĩnh của đồng bào Bana được diễn ra vào buổi sáng, phần lễ kéo dài khoảng 1 tiếng với đầy đủ các nghi lễ khán bái thần linh, gửi gắm những ý nguyện về sự bình an, hạnh phúc và ấn no cho buôn làng.
Theo cùng lời cúng là tiếng cồng, tiếng chiêng. Bởi theo quan niệm của người Bana, chỉ có cây nêu cùng tiếng cồng chiêng mới mời gọi được các vị thần. Đó là phương tiện để con người kết nối với thần linh, gửi gắm những mong muốn, ước nguyện.