(VOV5) - Nhiều doanh nghiệp đã kết nối với các Tổ hợp tác và làng nghề của đồng bào để xây dựng lộ trình xuất khẩu các sản phẩm của các làng nghề ra nước ngoài.
Nghệ thuật vẽ sáp ong trên vải là nét đẹp truyền thống, được tiếp nối qua nhiều thế hệ người Mông và Dao Tiền. Bằng đôi bàn tay khéo léo và trí tưởng tượng phong phú, những phụ nữ bản địa đã dùng sáp ong để sáng tạo ra những tấm vải, những bộ trang phục với hoa văn tinh xảo, màu sắc sặc sỡ, đẹp mắt…
Để lưu giữ và lan toả bản sắc văn hoá riêng có, các nghệ nhân người Mông, người Dao mong muốn tìm hướng đi bền vững cho nghề thủ công truyền thống này.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Theo đồng bào dân tộc Dao Tiền, kỹ thuật vẽ sáp ong trên trang phục đã có từ rất lâu và người Dao Tiền luôn duy trì tập tục này để tạo ra những bộ trang phục mặc thường ngày. Đặc biệt, nguyên liệu chính tạo nên những hoa văn độc đáo trên trang phục của người Dao Tiền cũng được gìn giữ và bảo vệ từ bao đời nay.
Nghệ nhân Sùng Y Thanh, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hoà Bình cùng con gái vẽ sáp ong trên vải. Ảnh: VOV |
Nghệ nhân Bàn Thị Liên, xã Hoài Khao, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, cho biết: "Làng tôi có một hang ong, những tổ ong ấy bà con luôn gìn giữ từ xưa đến nay, để lấy sáp, tạo ra những bộ trang phục cho người phụ nữ Dao Tiền. Mình chuẩn bị vải, mài vải rồi đun sáp ong để in trên vải. Kỹ thuật vẽ là mình lấy khuôn tre chấm xuống in lên vải hình tứ giác, hình tròn, hoạ tiết, hoa văn thì in trên váy, còn áo là thêu thủ công. Xong thì mình bắt đầu nhuộm, khi nào ưng ý thì mới đun nước sôi nhúng vải xuống cho sáp tan chảy rồi mới lấy về khâu thành váy."
Công chúng trải nghiệm vẽ sáp ong trên vải. Ảnh: VOV |
Với đồng bào dân tộc Mông, ngoài việc se lanh, dệt vải bằng khung cửi, nhuộm chàm, thêu chỉ màu tạo hoa văn nổi, khâu vẽ sáp ong để tạo hoa văn rất kỳ công và đòi hỏi nhiều kỹ năng thuần thục. Khi vẽ phải giữ sao cho lượng sáp luôn chảy đều cho đến hết mới chấm bút vào sáp để tiếp tục nét vẽ. Vẽ xong hoa văn thì đem miếng vải cho vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay để sáp ong bong hết ra, chỉ để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Sau đó, vải được nhuộm chàm và đem phơi khô mới tiếp tục các công đoạn khác, như thêu chỉ màu và khâu thành bộ quần áo hoàn chỉnh.
Nghệ nhân Sùng Y Thanh, xã Pà Cò, huyện Mai Châu, Hoà Bình, cho biết: "Người Mông dùng bút làm bằng đồng vàng, mới giữ được nhiệt sáp ong và vẽ được lên vải. Vẽ từng chi tiết một, mình vẽ thì có thể căn theo các đường viền vải. Khi đã biết nhiệt của sáp ong và nhiệt nóng của bút thì có thể vẽ được."
Các trang phục được vẽ sáp ong thủ công. Ảnh: VOV |
Hào hứng tham gia sự kiện “Sáp ong- sắc chàm” do Bảo tàng phụ nữ Việt Nam tổ chức đầu tháng 11 vừa qua, công chúng, không những được chiêm ngưỡng các nghệ nhân người Mông và Dao Tiền trực tiếp thực hiện vẽ sáp ong truyền thống, mà còn được học hỏi và tự tay tạo nên những sản phẩm của riêng mình.
Tham gia chương trình, một số bạn trẻ cho biết: "Em rất yêu văn hóa các dân tộc Việt Nam, không chỉ riêng văn hóa của người Mông mà truyền thống của tất cả các dân tộc em đều rất đam mê. Em mong rằng trong tương lai và hiện tại mọi người sẽ giữ gìn, không làm mai một bản sắc."
"Em rất ấn tượng, vì đây là một triển lãm về sáp ong- sáp chàm của đồng bào dân tộc Mông và Dao. Khi được xem người ta vẽ sáp ong lên áo, em cảm thấy đây là công việc rất tỉ mỉ, phải làm từng tí một, vừa làm vừa hình dung. Vẽ sáp ong lên vải là nét văn hóa độc đáo của người dân tộc."
Hiện nay, bên cạnh việc lưu giữ nghệ thuật vẽ sáp ong, đồng bào Mông và Dao Tiền đã thành lập các Tổ hợp tác và Làng nghề để tạo nên các sản phẩm có tính ứng dụng cao, nâng cao giá trị cho sản phẩm thủ công truyền thống. Đồng thời, tăng cường kết nối với các đơn vị kinh doanh, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm.
Ông Cao Tuấn Ninh, Chủ nhiệm cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, và Nghệ nhân Sầm Thị Tình, chia sẻ: "Chúng tôi có sự kết nối và có sự chia sẻ trong cộng đồng. Hiện tại, ở Việt Nam có rất nhiều cộng đồng khác nhau, ví dụ như cộng đồng dân tộc Dao, dân tộc Thái, dân tộc Mông rất phát triển và đấy cũng là sự gắn kết. Chúng tôi liên kết lại và mong muốn tổ chức và thành lập cộng đồng các dân tộc Việt Nam, thông qua đó thì có sự giúp đỡ những hoàn cảnh gặp khó khăn, thương mại hóa sản phẩm, hoàn thiện các hành lang pháp lý, chứng chỉ để có thể bán được sản phẩm giá cao hơn và nhiều người biết đến hơn."
"Bản thân tôi cũng là người dân tộc thiểu số nên tôi thấu hiểu và mong muốn các cấp chính quyền, các tổ chức có những chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số để có thể duy trì và phát triển văn hóa, nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số trên khắp mọi miền Tổ quốc." Ông Cao Tuấn Ninh nói.
Để lưu giữ vẻ đẹp truyền thống này, cùng với việc giữ gìn và truyền dạy kỹ thuật vẽ sáp ong, chính quyền các địa phương cùng đồng bào Mông, Dao Tiền đã, đang chung tay phát triển, tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp đã kết nối với các Tổ hợp tác và làng nghề của đồng bào để xây dựng lộ trình xuất khẩu các sản phẩm của các làng nghề ra nước ngoài.