(VOV5) - Món cá chua là một món ăn truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc Giẻ Triêng trên vùng đất Tây Nguyên nói chung. Với tộc người Giẻ Triêng tại nhánh tỉnh Quảng Nam, món cá chua là một món ăn chính, đặc biệt không thể thiếu trong dịp lễ hội. Món cá chua của người Giẻ Triêng đã trở thành hương vị riêng có, mang đậm dấu ăn văn hóa dân tộc bản địa..
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những món ăn khác thường được chế biến đơn giản để ăn liền, thì món cá chua của người Giẻ Triêng được chế biến khá kỳ công và cẩn thận bởi món ăn truyền thống này không phải chỉ là món ăn chính mà còn có thể dùng trong thời gian dài, dùng để mời khách quý, dùng để biếu tặng. Đây cũng là món ăn không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của làng. Vì vậy cách làm và việc lựa chọn cá cũng khá công phú. Cá được chọn chú yếu là loại cá Niên, xương mềm. Anh An Ghin, thôn Lao Đu, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, cho biết cá sau khi bắt về phải được chế biến ngay. Những thành viên khác trong gia đình đều tham gia vào công đoạn này bởi như vậy vừa nhanh vừa đảm bảo thịt cá còn tươi khi được bỏ vào hũ. Anh An Ghin cho biết:Để làm món cá chua được ngon thì là phải chọn những con cá Niên to và tươi. Trong quá trình làm cá thì làm khi cá còn tươi chứ không được để cá ươn. Vì như thế món cá chua mới thơm và ngon được.
Cá Niên sau khi bỏ ruột, cá được rửa thêm lần nữa, sau đó xẻ dọc sống lưng để thật ráo rồi ướp gia vị. Cá lớn được làm trước để đặt phía dưới hũ, cá nhỏ để trên. Cách làm cá chua cũng có những cách đặc trưng riêng. Để chế biến được hũ cá chua ngon, phải tuân theo quy trình và bí quyết pha trộn gia vị của người làm. Một nét độc đáo trong món cá chua là không dùng dầu mỡ và rất chú trọng trong việc điều phối các vị chua, cay, mặn. Những vị này được ướp riêng cho từng con một. Như vậy từ sau 15 đến 20 ngày sẽ làm thịt cá dai, không mỡ, có mùi thơm của thịt cá, có thêm vị chua cay khiến người ăn cảm thấy vừa miệng, không ngán. Anh An Ghin cho biết thêm:Món này của dân chúng tôi để dành vào những ngày lễ lớn đón tiếp bạn bè gần xa đến thì chúng tôi đãi món cá chua là món đặc sản của dân chúng tôi. Đối với chúng tôi, món cá chua là dân mình rất quý vì món này là món truyền thống của ông già từ thời xưa đến giờ để lại và giờ dân mình làm theo. Món đó là món của dân tộc chúng tôi.
Phương pháp chế biến món cá chua của người Giẻ Triêng hoàn toàn dựa vào kinh nghiệm để lại và được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Cũng chính điều này đã khiến cho món cá chua của người Giẻ Triêng không thể lẫn với bất kỳ với một dân tộc nào khác. Món ăn dân dã này đã gắn liền với cuộc sống của đồng bào Giẻ Triêng . Khi lên nương họ mang theo cá chua ăn kèm với cơm vừa tiện lợi, vừa đảm bảo sức khỏe. Ở các địa phương khác trong huyện, cá chua thường được ướp bằng bột gạo hoặc cơm nhưng bà con Giẻ Triêng thôn Lao Đu lại chọn bột bắp để thấm vào thân cá kèm thêm muối mình chính, ớt bột phải là ớt trồng trên dẫy mới có thể đậm đà và giữ hũ cá được lâu.
|
Những món ăn truyền thống của dân tộc Giẻ Triêng ở làng Đắk Răng. Ảnh: Ngochoi.kontum.gov.vn |
Để có được hũ cá chua ngon thì cá thường được muối trong hũ đất nung, lượng cá trung bình từ 1-1,5kg mỗi hũ. Việc đậy nắp hũ sau khi hoàn thành cũng được tính toán. nếu gia đình nào có việc kiêng cữ thì không dùng lá chuối làm nắp đậy mà phải dùng lá môn, 1 loại lá chỉ có ở địa phương. Sau khi hoàn thành, hũ cá chua sẽ được để vào góc bên cạnh bếp lửa. Như vậy thời gian dùng được sẽ nhanh hơn và côn trùng không thể xâm hại. Khi có khách thì mang ra mời thể hiện sự hiếu khách của đồng bào vùng cao.
Để cá chua ngon hơn, khu mang ra dùng, bà con cho thêm một loại lá riêng đặc trưng của vùng để cá thơm và hấp dẫn hơn. Thưởng thức món cá chua trong những lúc xum vầy có ý nghĩa tinh thần rất lớn. Đó không chỉ là hưởng thụ thành quả lao động mà còn là sự tiếp nối truyền thống văn hóa ẩm thực của tổ tiên để lại. Chị Y Bươm, người dân huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam, chia sẻ: Đối với cộng đồng ngưởi Giẻ Triêng thôn Lao Đu, món cá chua là món ăn không thể thiếu, để làm nên món cá chua này đòi hỏi người dân phải tỉ mỉ, cẩn thận từ khâu lựa chọn thực phẩm đến cách chế biến và phải đặt cái hồn, cái tinh thần tập thể vào trong món ăn mới có thể mang lại đặc trưng riêng. Cũng chính từ món cá chua này, đã gắn kết cộng đồng lại với nhau, đoàn kết trong lao động sản xuất, chia sẻ những thành quả trong lao động, qua đó động viên nhau vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Mỗi một cộng đồng dân cư khác nhau đều có cách ăn cách uống và các món ăn khác nhau. Nó phản ánh thực tế sinh động và tập quán sinh hoạt của người dân tộc đó. Cá chua của người Giẻ Triêng có sự kết hợp hài hòa sản vật của núi rừng và sông được xem là một món ăn truyền thống luôn gắn liền với những bữa ăn, những ngày lên nương lên rẫy hay trong các lễ hội của làng. Những ai đã từng lên vùng đất Lao Đu, khi vào nhà của người Giẻ Triêng đều dễ dàng nhận thấy gia đình nào cũng có sẵn vài chum cá chua để dùng dần. Làng Lao Đu cũng là nơi có thương hiệu làm cá chua ngon nhất huyện nhưng người dân ở đây không bao giờ bán sản phẩm họ làm ra. Nếu có nhiều, họ cũng chia sẻ với bà con dân làng và một phần dành đãi khách quý trong những dịp gia đình có việc quan trọng.