(VOV5) – Do sống gần gũi với núi rừng, nên hầu hết những nhạc cụ của người Bana đều được làm từ các vật liệu có sắn trong tự nhiên như: đá, gỗ, tre, nứa, lá, vỏ quả bầu khô...Những nhạc cụ này, tuy chế tác còn thô sơ, nhưng lại rất độc đáo về hình thức và âm thanh thể hiện. Vì thế mà âm nhạc dân gian của người Bana độc đáo, mang bản sắc riêng của dân tộc.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Cách đây hàng trăm năm, người Bana đã làm ra những nhạc cụ thể hiện sự giao hòa, chinh phục của con người đối với thiên nhiên hùng vĩ. Đến nay, đồng bào vẫn tạo tác và giữ gìn được nhiều nhạc cụ cổ truyền đặc sắc, chủng loại đa dạng và gắn với nhiều cách thức biểu diễn như gõ, thổi, búng, gảy, kéo, vỗ... Các loại nhạc cụ của người Bana gồm cả bộ dây, bộ hơi và bộ gõ. Trong các loại nhạc cụ của người Bana, tiêu biểu nhất phải kể đến là bộ gõ: “ Chinh Goong” (cồng chiêng) và trống.
|
Cồng chiêng là nhạc cụ được làm bằng đồng thau, hình tròn có đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm. Một dàn cồng chiêng của người Bana thường có 3 chiếc cồng lớn hơn, ở giữa có núm và khoảng 10 chiếc chiêng rẹt nhỏ hơn. Khi diễn tấu, người Bana dùng dùi gỗ quấn vải mềm để đánh. Cồng càng to thì tiếng càng trầm, còn những chiêng càng nhỏ thì tiếng càng cao. Mỗi bài cồng chiêng gồm nhiều bè, mỗi cá nhân sử dụng một cái cồng hoặc chiêng.Trong các dịp lễ hội, âm vang tiếng cồng chiêng luôn rộn ràng, nhịp nhàng và tinh tế. Âm nhạc cồng chiêng của người Bana đã góp phần làm phong phú không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên,là một trong nhưng thành tố để Uỷ ban văn hoá khoa học và giáo dục của Liên hiếp quốc ( UNESCO ) công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Trong đời sống âm nhạc của mình, người Bana còn sử dụng và sáng tạo nhiều loại đàn độc đáo như: đàn t’rưng, các loại đàn dây như: Ting Ning, K'ni hay các loại đàn thổi ống như: K'long Put, Đing Jơng, Đing Hor... Những loại nhạc cụ truyền thống này vẫn được lưu truyền đến ngày nay. Anh Đào Minh Ngọc, hướng dẫn viên Bảo tàng dân tộc tỉnh Đắc Lắc, cho biết: Những nhạc cụ này thường được sử dụng vào dịp vui chơi, lễ hội văn hoá, những đêm hát đối đáp giao duyên nam nữ. Có những loại đàn chỉ dành trong buổi tụ họp gia đình bạn bè hay trong những đêm người già hát cho người trẻ nghe. Đây cũng là dịp để lớp người đi trước truyền lại cho thế hệ sau cách làm đàn cũng như lưu giữ cách chơi đàn độc đáo của người Bana.
Trong cuộc sống của người Bana, đàn t’'rưng là loại nhạc cụ gõ phổ biến. Đàn t'rưng làm bằng các ống tre, lồ ô hay nứa, có kích cỡ khác nhau, được kết nối bằng dây mây với cách xếp ống to và dài ở phía trên, rồi đi dần xuống là những ống ngắn và nhỏ hơn. Mỗi đầu ống đều bịt kín do còn đầu kia được gọt vát một phần ống để tạo âm theo chuỗi âm thanh. Khi dùng dùi gõ vào các ống sẽ tạo thành âm thanh cao thấp khác nhau. Âm sắc của đàn t'rưng hơi đục, tiếng không vang to, vang xa, nhưng khá đặc biệt. Nghe tiếng đàn t'rưng có cảm giác như tiếng suối róc rách, tiếng thác đổ, tiếng xào xạc của rừng tre nứa khi gió thổi. Ông A Ngơh, người dân tộc Bana ở tỉnh Đắc Lắc, cho biết: Đàn t’rưng không bao giờ chơi trong nhà. Chỉ có đàn Klông pút mới chơi trong nhà. Đàn t’rưng có âm thanh rất mộc mạc. Cái gốc của đàn t’rưng trước đây chỉ có 7-8 ống thôi, còn đàn cải tiến có nhiều ống, bởi vậy đàn t’rưng bây giờ có thể chơi bài nào cũng được.
Trong các loại nhạc cụ của người Bana, đàn Tinh Ninh ( hay còn gọi là đàn goong) được coi là cây đàn độc đáo nhất. Đàn goong là một đoạn ống tre lồ ồ, hai đầu ống đều có mấu kín. Phía chân đàn có mắc một đầu dây, phần đầu dây còn lại quấn vào những trục lên dây bằng gỗ, cắm xuyên qua ống ở phía đầu đàn. Mỗi cây đàn goong thường có 10 đến 18 dây.Trước đây, người Bana dùng dây tơ se vuốt sáp ong để làm dây đàn goong. Để tạo thêm độ vang cho cây đàn, một số nghệ nhân đã nghĩ ra cách gắn thêm nửa quả bầu khô rỗng ruột ở dưới. Tiếng đàn Goong thánh thót, nhưng không rộn rã như đàn T’rưng, mà như thủ thỉ, tâm tình. Các chàng trai Bana thường chỉ đánh đàn goong vào ban đêm, khi con trai con gái hẹn hò.
Trong quá trình lao động sản xuất, chinh phục thiên nhiên, từ xa xưa, người Bana còn sáng tạo nhiều loại nhạc cụ độc đáo khác như đàn:Pơ-Chet” ( còn gọi đàn suối), đàn“ Reng reo”(đàn gió). Đây là hệ thống đàn làm từ tre, nứa, lợi dụng sức nước, sức gió để tạo ra âm thanh. Ngoài ra, người Bana còn chơi các loại nhạc cụ hơi như: Đing But (K'long Put ), Đing Jơng, Đing Hor (đàn thổi ống),Hool( sáo ).
Đến với các buôn của người Bana vào lễ hội xuân, trong không gian rộng lớn của núi rừng, bạn sẽ có dịp được chiêm ngưỡng những nhạc cụ độc đáo của người Bana. Âm nhạc dân gian của người Bana , không khí của những lễ hội không chỉ thể hiện bản sắc dân tộc, mà còn cho thấy tâm hồn trẻ trung, tình yêu nhiệt thành của người Bana đối với âm nhạc, đối với cuộc đời./.