(VOV5) - Dân tộc Lô Lô (còn gọi là Mùn Di, Di, Màn Di, La La, Ô Man, Lu Lộc Màn) cư trú chủ yếu ở tỉnh Hà Giang và tỉnh Cao Bằng (phía Bắc Việt Nam). Tuy là một trong những dân tộc có dân số ít nhất của Việt Nam, sống xen kẽ lâu đời với các dân tộc khác nhưng đến nay người Lô Lô vẫn giữ nguyên vẹn những giá trị truyền thống của dân tộc.
|
Ngôi nhà truyền thống của đồng bào Lô Lô |
Nghe nội dung bài viết tại đây:
Lô Lô là một trong những dân tộc có mặt sớm và có công khai khẩn mảnh đất Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Người Lô Lô ở Hà Giang có hai nhánh là Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa. Đồng bào Lô Lô Đen tập trung ở xã Lũng Cú, còn nhóm đồng bào Lô Lô Hoa đông hơn sống tại các xã Lũng Táo, Sủng Là, huyện Đồng Văn và huyện Mèo Vạc. Tuy có tên gọi khác nhưng đồng bào dân tộc Lô Lô Đen và Lô Lô Hoa chỉ khác nhau về trang phục, còn tiếng nói, phong tục tập quán thì không có gì khác biệt.
|
Những bức tường xếp bằng đá bao quanh ngôi nhà của người Lô Lô |
Đồng bào dân tộc Lô Lô cư trú thành xóm riêng với những ngôi nhà dựa lưng vào vách núi, nhìn ra thung lũng hoặc cánh đồng. Cũng như nhiều dân tộc sinh sống trên cao nguyên đá Đồng Văn, người Lô Lô cũng làm nhà trình tường hoặc nhà sàn, với tường rào được xếp bằng đá cao hơn một mét. Ông Lò Sỹ Páo, dân tộc Lô Lô, cho biết: Nhìn từ ngoài vào, ngôi nhà của người Lô Lô không khác mấy so với nhà trình tường của các dân tộc khác nhưng khi quan sát cách thức bố trí, sử dụng không gian trong nhà thì mới thấy sự khác biệt. Theo ông Páo: "Nhà phải có 3 gian. Một gian ở giữa với hai gian hai bên. Gian bên phải là chỗ ở của ông bà, bố mẹ, gian giữa dành cho tiếp khách và đám cưới, đám ma. Gian trái là chỗ ở của con trai, con dâu, con rể. Trên gác thì dành cho khách khi ở lại và để ngô, sắn".
Gian giữa trong ngôi nhà của đồng bào Lô Lô là gian rộng nhất và bàn thờ tổ tiên được đặt sát vách nhà đối diện với với cửa chính. Trên bàn thờ có những hình nhân được làm bằng những miếng gỗ hoặc mo tre, tượng trưng cho các thế hệ tổ tiên được thờ. Đặc biệt, người Lô Lô còn thờ cúng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Lò Sỹ Páo cho biết: "Dịp Lễ, Tết, chúng tôi đều thắp hương tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Dân tộc Lô Lô ciu Chủ tịch Hồ Chí Minh là ông cụ tổ của gia đình, con hơn cả ông bà ba đời của mình. Không có Chủ tịch Hồ Chí Minh thì không có ngày nay".
|
Góc bàn thờ của đồng bào dân tộc Lô Lô |
Người Lô Lô sinh sống hòa đồng, đoàn kết với các dân tộc xung quanh nhưng đời sống vẫn mang đậm bản sắc của dân tộc mình. Thanh niên nam, nữ Lô Lô được tự do tìm hiểu để đi đến hôn nhân. Khi đôi nam nữ quyết định đi đến hôn nhân, nhà trai phải nhờ bốn người làm mối, gồm: hai đôi nam nữ. Họ quan niệm, nếu người làm mối là hai cặp vợ chồng thì cuộc sống sẽ gặp nhiều may mắn và hạnh phúc. Người Lô Lô thường mang lễ vật cưới hỏi đến nhà người em trai của mẹ cô dâu (ông cậu) chứ không mang đến bố mẹ cô dâu. Người Lô Lô rất coi trọng vai trò ông cậu, bởi ông là người quyết định việc hôn nhân, việc phân chia tài sản.
Khi bố mẹ qua đời, phải ít nhất 1 năm con cái mới được xây dựng gia đình. Người Lô Lô cúng tổ tiên, ông bà vào các dịp như rằm tháng 7, tết năm mới. Một trong những điểm nhấn trong văn hoá của người Lô Lô đó là bộ trống đồng cổ mà dân tộc này sử dụng trong các dịp cúng thổ thần, tổ tiên và trong đám tang. Người Lô Lô xem trống đồng là một báu vật thiêng liêng mà cha ông truyền lại, là biểu tượng sức sống của dân tộc, nối cõi thường với tâm linh.
Người Lô Lô có nhiều lễ hội đặc sắc như lễ hội nhảy cây; lễ hội hái ngô được tổ chức vào dịp tết cổ truyền nhưng nổi bật nhất là lễ hội Cầu mưa. Theo ông Lò Sỹ Páo: "Khi hạn hán đến tháng 3 không mưa sẽ tổ chức Lễ hội Cầu Mưa. Lễ hội do tất cả người dân đóng góp thì mới cầu được bởi nó là nguyện vọng của cả xóm. Có những năm thì cả người Lô Lô và các dân tộc khác cũng làm lễ Cầu Mưa, bởi mưa xuống là cả vùng được hưởng".
|
Những bộ trang phục truyền thống của người Lô Lô luôn được truyền từ mẹ sang con |
Trang phục của dân tộc Lô Lô là một trong những bộ trang phục độc đáo, đa dạng sắc màu và cầu kỳ hoa văn trang trí. Trang phục của nam giới là quần đen với áo đen thân dài đến trên đầu gối, xẻ tà hai bên, cài cúc bên nách phải. Trên đầu thường chít khăn, dắt mối khăn phía sau gáy. Với Phụ nữ Lô Lô Đen, họ mặc áo cổ vuông chui đầu có các mảng hoa văn hình chim vòng quanh thân áo. Tay áo rộng được ghép bằng nhiều vòng vải màu khác nhau. áo kết hợp với váy và mảnh vải hình chữ nhật dài chùm phía sau hông, xà cạp quấn chân... Phụ nữ Lô Lô Hoa lại mặc áo cánh cổ tròn, xẻ ngực. Tay áo được ghép bằng các vòng vải màu khác nhau. Khác với nhóm Lô Lô Đen, phụ nữ Lô Lô Hoa lại mặc quần ống trang trí hoa văn. Chị Lùng Thị Minh, thôn Sảng Pả A, Thị trấn Mèo Vạc, cho biết: Dù có điểm khác nhau nhưng bộ trang phục nữ giới của hai nhóm này đều rất đẹp, được làm rất công phu, trang trí các loại hoa văn như: Hoa văn hình tam giác, hình vuông, hình quả thảo quả… Bộ trang phục nữ Lô Lô được kết hợp với những đồ trang sức bằng bạc, nhôm. Cũng theo chị Minh: "Dân tộc Lô Lô có trang phục rất khó làm, chăm chỉ thì 2,3 năm mới xong. Màu đỏ đầu tiên, rồi đến màu trắng màu hồng. Quần của nam giới và nữ giới giống nhau, chỉ khác là quần nam giới chỉ dùng thắt lưng, không có yếm phía sau như nữ giới".
Từ xa xưa người Lô Lô đã có chữ viết riêng và thường được viết trên da thú, gỗ. Ngoài ra, đồng bào Lô Lô còn có vốn văn hoá dân gian phong phú, thể hiện qua những điệu múa, làn điệu dân ca, truyện cổ tích. Những câu chuyện cổ tích thể hiện sinh động quan niệm của dân tộc trước các hiện tượng thiên nhiên và xã hội cùng những bài ca, tiếng hát ca ngợi tình yêu, cuộc sống, thiên nhiên, đến nay vẫn được giữ gìn và đóng góp vào kho tàng văn học dân gian Việt Nam.