Nghệ thuật làm nỏ và bắn nỏ của người Cơ Tu

(VOV5) - Người Cơ Tu gọi nỏ gỗ là nỏ thần kỳ, theo tiếng Cơ Tu là chiếc Pa’nanh. Trải qua bao biến thiên, người Cơ Tu vẫn giữ những bí truyền về kỹ thuật làm nỏ và hàng ngày rèn luyện tay bắn. Hiện thôn Bhờ Hôồng 1, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang là nơi sản sinh ra nhiều xạ thủ về môn bắn nỏ và cũng là nơi còn lưu truyền nghệ thuật làm nỏ của tỉnh Quảng Nam. 

Nghe chi tiết tại đây:

                                                                         




Bao đời nay, chiếc nỏ gỗ theo người Cơ Tu lên núi, băng rừng sắn thú bắn chim, nuôi sống họ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chiếc nỏ gỗ còn là vũ khí chiến đấu giữ buôn làng. Các bậc cao niên trong làng Bhờ Hôồng 1 truyền lại, chiếc nỏ với người Cơ Tu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nên khi ra khỏi nhà nỏ luôn được đeo bên người. Anh Bhriu Bút kể: Cha ông ngày trước cha ông dùng nỏ để bắn thú vật, chiến đấu. Nỏ dùng để bắn thú như heo rừng, các loại thú to. Còn trong chiến đấu, nghe cha ông kể, nỏ bắn cách khoảng 20m đến 25 m,không phát ra tiếng động nên địch không phát hiện ra người bắn đứng ở chỗ nào. Khi đã bôi thuốc vào đầu mũi tên bắn là trúng thì không có cách nào chữa. Đó là sự độc đáo của nỏ. Bây giờ nhà nước cấm không săn bắt nên giờ chỉ bắn để đi thi. 

 

Nghệ thuật làm nỏ và bắn nỏ của người Cơ Tu - ảnh 1
Anh Bhriu Bút với chiếc nỏ tự làm

 

Mũi tên được dân làng Cơ Tu làm từ thân cây lồ ô. Người Cơ tu dùng mũi tên được tẩm độc dược lấy từ nhựa của một loại cây rừng mà chỉ có ở vùng núi cao phía tây Quảng Nam. Khi nào cần đến, người Cơ Tu lại băng rừng, trèo đèo lội suối hàng chục cây số lên đó chặt về, rồi vót nhọn để chế tạo nên loại vũ khí độc nhất vô nhị này. Còn chế tác phần nỏ là cả một nghệ thuật. Anh Bhriu Bê, cho biết: Cái nỏ của người dân tộc Cơ Tu, từ bao đời nay đã được tổ tiên người Cơ Tu làm rồi. Cách làm nỏ được truyền từ đời này sang đời kia. Để làm được cây nỏ rất khó. Cái khó đầu tiên là tìm cây để làm. Cây phải lên rừng kiếm. Loại cây làm nỏ không nhiều như những cây gỗ khác. Có khi đi 2 đến 3 ngày mới tìm được. Đến khi về nhà phải  hơ nóng vào lửa rồi cạo, uốn. Nếu người không biết làm sẽ bị gẫy, bắn không được chuẩn xác. Nói chung làm nỏ rất khó ít người làm được, còn bắn nỏ thì hiện nhiều người biết.

 

Nghệ thuật làm nỏ và bắn nỏ của người Cơ Tu - ảnh 2
Nỏ còn dùng làm vật trang trí


Không hạ được thú dữ, không bắn chết được hàng trăm kẻ thù như lớp cha ông mình, nhưng các xạ thủ ở thôn Bhờ Hôồng 1 ngày nay thể hiện đẳng cấp của mình bằng  nhiều giải thưởng từ các hội thi bắn nỏ cấp tỉnh, cấp quốc gia. Tiêu biểu như Bhriu Thiện có hơn 10 lần giành vị trí số một trong hội thi bắn nỏ cấp tỉnh. Hay như Bhriu Bê, Bhriu Bút cũng đều là những xạ thủ bắn nỏ nổi tiếng ở tỉnh Quảng Nam. Bhriu Bút cho biết bắn nỏ đòi hỏi phải có kỹ thuật và cũng phải rèn luyện rất nhiều. Anh Bhriu Bút giới thiệu:  Lúc đầu thấy bố tập bắn nỏ,đi theo, thấy thích nên bố đã hướng dẫn cho cách bắn Bắn nỏ khó chuẩn như bắn súng vì súng còn có đường ngắm. Cách đây gần 10 năm tôi bắt đầu tham gia các hội thao.


Những xạ thủ như Bhriu Bút, Bhriu Bê hàng ngày tập luyện tay cơ đều đặn và vào giờ cố định trong ngày. Thường là họ tập ở những bãi đất trống cách xa làng, ít người đi lại để đảm bảo an toàn. Do là bắn ngoài trời nên các xạ thủ đều phải tranh thủ tập lúc mát. Bhriu Bê cho biết: Tập bắn nỏ thường vào buổi chiều khoảng 4 đến 5 giờ. Bắn nỏ vào buổi nắng không được vì không khí nóng, nỏ sẽ không chịu được và khi bắn sẽ bị gãy.


Cả Bhriu Bút và Bhriu Bê cho biết thời gian này họ đang tập trung rèn luyện để chuẩn bị cho kỳ hội thao sắp diễn ra ở tỉnh. Ngày xưa chiếc nỏ gỗ dùng để đánh giặc giữ làng còn bây giờ với người Cơ tu bắn nỏ là một môn thể thao truyền thống  vừa giúp gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc, vừa giáo dục con cháu tự hào về cội nguồn dân tộc./.

 

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác