(VOV5) - Các sản phẩm này có kiểu hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị đẹp đẽ, không lẫn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác và mang sự riêng biệt của người phụ nữ Mông
Tối 3/3, tỉnh Điện Biên tổ chức lễ công nhận nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông, tại xã Sa Lông, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông (ngành Mông hoa) là loại hình tri thức dân gian, nghệ thuật dân gian đặc sắc, lưu giữ kỹ thuật vẽ hoa văn bằng sáp ong, dệt và thêu hoa văn trên trang phục truyền thống. Các sản phẩm này có kiểu hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị đẹp đẽ, không lẫn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác và mang sự riêng biệt của người phụ nữ Mông.
Phụ nữ xã Sa Lông thi thêu hoa văn trên trang phục truyền thống. Ảnh: Theo báo Nhân dân |
Ông Chang A Lử, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, cho biết: “Đây là sự kiện chính trị, văn hóa xã hội quan trọng của địa phương nên bà con rất phấn khởi và mong muốn Nhà nước tiếp tục quan tâm để bà con tiếp tục thực hiện tốt việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Tới đây, huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Bộ văn hóa thể thao du lịch, Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên công nhận thêm một số di sản, loại hình nghệ thuật khác để đưa vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.”
Việc công nhận nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia giúp tỉnh Điện Biên đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch trải niệm trong thời gian tới.