(VOV5) - Người Bố Y không thách cưới dựa vào điều kiện kinh tế gia đình nhà trai. Thay vào đó, họ dựa vào số sính lễ như lễ cưới bên nhà hàng xóm để làm chuẩn mực.
Khi những cơn gió lạnh đầu mùa bắt đầu thổi về vùng cao Tây Bắc Việt Nam, cũng là lúc những chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số bước vào mùa hò hẹn, nên vợ nên chồng. Nghi lễ cưới hỏi nên vợ nên chồng của người Bố Y có nét đặc sắc riêng. Quý vị và các bạn có thể thấy rõ điều này trong tục xin giảm đồ thách cưới và tục mẹ chồng thử lòng con dâu trong đám cưới của đôi trẻ người dân tộc Bố Y ở huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Tái hiện lễ cưới của đồng bào dân tộc Bố Y tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. -Ảnh Văn Hiến |
Khi đã quyết định đi đến lễ cưới, chàng trai cô gái người Bố Y phải trải qua một thủ tục quan trọng. Đó là tục nhà trai xin giảm đồ thách cưới của nhà gái. Đối với người Bố Y ở Mường Khương, việc thách cưới được thực hiện khi gia đình nhà trai cử đại diện là ông bà mối sang nói chuyện với gia đình nhà gái lần thứ hai. Lần gặp đầu tiên được coi là lễ ngỏ ý. Ông Gì Suy Sần và bà Lồ Lài Sửu, là ông mối, bà mối ở xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, cho biết: Ông Sần - Lên lần thứ hai thì nói chuyện là bố mẹ để ra được bao nhiêu, còn chuyện hàng hóa được bao nhiêu, thịt lợn bao nhiêu, rượu bao nhiêu thì họ sẽ nói ra. Một tạ lợn, sáu mươi lít rượu thì họ đã nói rõ rồi. Rồi còn vàng bạc, vòng tai, vòng cổ. Bây giờ thì chỉ nói bạc, vòng tai, vòng cổ và quần áo thôi. Họ sẽ nói, nói đủ để nhà trai chuẩn bị.
Bà Sửu- Gia đình nhà gái thì đã nhất trí về lễ cưới với gia đình nhà trai rồi, chỉ yêu cầu nhà gái bây giờ cần cái gì thì nói thách. Ví dụ con gái thì yêu cầu đồ trang sức, quần áo là bao nhiêu. Sau đến bố mẹ lại thách lợn, rượu. Chỉ có thịt lợn và rượu thôi. Tùy theo khách nhà mình đông hay ít. Nếu anh em nhà mình đông thì thách nhiều, anh em nhà mình ít thì thách ít.
Đoàn rước dâu trong đám cưới. -Ảnh VH |
Không giống như các dân tộc khác, người Bố Y ở Mường Khương không thách cưới dựa vào điều kiện kinh tế gia đình nhà trai. Thay vào đó, họ dựa vào số sính lễ như lễ cưới bên nhà hàng xóm để làm chuẩn mực. Nghĩa là nhà bên cạnh có con gái thách cưới bao nhiêu thì nhà mình cũng phải thách cưới bằng như vậy. Khi việc thách cưới đã hoàn tất cũng là lúc hai người mối về thưa lại với gia đình nhà trai. Đây cũng là lúc khó khăn với gia đình nhà trai. Ông Gì Suy Sần nói: "Lúc quay lại nói họ đòi bằng này bằng này. Ôi họ nói nặng quá rồi, không chịu được. Lại bảo thôi ông quay lại bảo với người ta rằng thách ít hơn một tý có được không. Có gia đình họ cũng bớt được một chút cho nhà trai. Họ nói ừ thôi sau này cũng là gia đình thôi mà. Lấy nhiều quá thì cũng khổ cho con gái. Thôi cũng bớt đi một chút. Có gia đình họ nói không. Tôi nói bao nhiêu là bao nhiêu thôi.
Thông thường tục thách cưới của người Bố Y ít khi được miễn giảm, nếu có cũng không nhiều nhặn gì. Bởi nhà gái cho rằng nếu chấp nhận việc giảm thách cưới cũng đồng nghĩa với việc giảm giá trị của con gái mình, rồi thiệt hơn với con gái hàng xóm, với anh em dòng họ. Việc không được giảm thách cưới đôi lúc cũng tạo nên những điều khá thú vị và việc vay mượn để đáp ứng việc thách cưới của nhà gái là đương nhiên với gia đình nhà trai.
Trong đám cưới, nhà trai phải chuẩn bị hai con ngựa, 1 con để chở cô dâu về nhà chồng và 1 con để thồ đồ đạc, trang phục của cô dâu. |
Khi việc thách cưới và lễ xin giảm thách cưới kết thúc thì cũng là lúc lễ cưới được bắt. Điều đặc biệt quan trọng trong lễ rước dâu của người Bố Y là đoàn đi rước dâu phải có ít nhất 8 người, trong có 2 người trung niên, hai chàng trai chưa vợ, hai cô gái chưa chồng và hai người có con nhỏ. Với người có con nhỏ phải có cả con trai lẫn con gái vì như thế thì sau này, đôi vợ chồng mới sẽ có con cháu đầy đàn.
Buổi sáng đầu tiên ở nhà chồng, mẹ chồng người Bố Y có tục thử lòng cô dâu. Bà Lồ Lài Sửu kể lại: "Sáng hôm sau, cô dâu phải dậy sớm để quét nhà quét cửa. Mẹ chồng thử lòng cô dâu bằng cách bỏ tiền vào các hốc nhà, xem cô dâu có quét nhà sạch không, có tìm thấy tiền không, được bao nhiêu thì đem về cho mẹ chồng, xem cô dâu có thật thà không, có sạch sẽ không. Ví dụ mình thả 10 nghìn, thì phải thu về 10 nghìn. Nếu thả 10 nghìn mà thu về 8 nghìn thì vẫn còn một góc nào đó chưa quét hoặc người con dâu đó không thật thà."
Cố nhiên, khi được mẹ chồng thử lòng như thế, hầu hết các cô dâu đều thực hiện đúng bổn phận là người phụ nữ thật thà, chăm chỉ, biết vun đắp cho gia đình, cho dòng họ nhà chồng.
Hiện dân tộc Bố Y có số dân rất ít. Ở Mường Khương, Lào Cai, họ sinh sống xen kẽ với các dân tộc khác, trong đó có người Nùng. Cho nên, văn hóa của người Bố Y đã có sự giao thoa hoặc bị đồng hóa. Đặc biệt, trước đây, người Bố Y chỉ kết hôn với người cùng dân tộc nhưng ngày nay, họ đã kết hôn với người ở nhiều dân tộc khác nên văn hóa và tập tục kết hôn vì vậy mà cũng không còn như xưa.