Nghi lễ mừng lúa mới của người Raglai

(VOV5) - Trong các nghi lễ, lễ hội liên quan đến đời người và cây trồng, lễ hội ăn mừng lúa mới ( hay con gọi là Tết đầu lúa) là một trong những lễ hội lớn nhất của người Raglai. Lễ hội mừng lúa mới chỉ diễn ra sau khi lúa đã được thu hoạch, đưa về kho và người Raglai tổ chức nghi lễ để tạ ơn trời đất, tổ tiên đã ban cho vụ mùa bội thu. 


Nghi lễ mừng lúa mới của người Raglai - ảnh 1



Nghe nội dung chi tiết tại đây:


Trong cuộc sống, người Raglai tin rằng: trong thế giới tự nhiên có nhiều vị thần và trong các nghi lễ liên quan tới đời người, tới cây lúa mẹ, thì Giàng ( trời) chính là hồn lúa mẹ, là đức siêu nhiên tối cao có sức mạnh tác động  đến sản xuất và cuộc sống của họ. Tết đầu lúa hay nghi lễ mừng lúa mới của bà con Raglai gắn với tập tục đón rước Giàng, đón hồn lúa từ rẫy về ăn Tết cùng gia đình và cầu mong hồn lúa phù hộ giúp đỡ gia đình  một năm dồi dào sức khoẻ, làm ăn khấm khá hơn. Theo các già làng Raglai, nghi lễ này hình thành từ lâu đời và người Raglai tổ chức lễ nghi này biểu sự biết ơn “ hồn lúa” đã sinh sôi nảy nở, ban lương thực nuôi sống con người. Ông Mấu Quốc Tiến, nhà nghiên cứu dân tộc Raglai, cho biết: “Người Raglai rất coi trong việc sản xuất nông nghiệp và nghi lễ mừng lúa mới là không thể thiếu trong cuộc sống của đồng bào Raglai. Mục đích của nghi lễ mừng lúa mới là cầu mong thần linh ban cho mưa thuận gió hoà, mùa màng được bội thu. Người Raglai thường tổ chức nghi lễ mừng lúa mới mang tính chất đại gia đình cũng là để bày tỏ biết ơn bà con trong cộng đồng Pa- lây( buôn làng) đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình họ trong sản xuất, thu hoạch vụ mùa trong năm”.

Hàng năm, cứ vào khoảng tháng 3, tháng 4 dương lịch, khi tiếng sấm vang lên với quan niệm bắt đầu khai thông đất trời, âm dương giao hòa, cây cối đâm chồi nảy lộc thì người Raglai lại tổ chức làm lễ mừng lúa mới. Để chuẩn bị cho nghi lễ quan trọng nhất trong năm,  phụ nữ thì chuẩn bị đồ cúng lễ, đàn ông thì làm cây nêu, sửa sang lại nhà cửa đón ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới. Không khí đón mừng lúa mới rộn ràng khắp khu làng, trong mỗi nhà sàn của người Raglai. Khác với một số dân tộc Tây Nguyên khác, nghi lễ mừng lúa mới của người Raglai bắt buộc phải có con gà, gạo, thóc, ngô, trầu cau và rượu cần. Đây là những lễ vật, con cháu Raglai dâng lên báo với tổ tiên thành quả một năm lao động vất vả và cầu xin tổ tiên phù hộ cho mùa màng năm mới làm ăn khấm khá hơn, gia đình mạnh khỏe. Lễ cúng hồn lúa được diễn ra dưới cây nêu. Người Raglai cho rằng cây nêu chính là ngôi nhà của thần lúa, chính vì vậy mỗi khi tổ chức  nghi lễ mừng lúa thì cả pa - lây( buôn làng) đều dồn hết tâm sức trang trí cây nêu thật đẹp với mong muốn thần lúa sẽ phù hộ bà con làm ăn được mùa. Trong lễ cúng thần lúa, thầy cúng luôn có bài hát khấn.Trong đó lời khấn có câu : «  Ơ Giàng, năm cũ đã qua năm mới đã đến, nhờ ơn Giàng mà bà con mạnh khoẻ, có cái ăn cái mặc. Xin Giàng chứng giám và hưởng lễ ».  Sau khi thầy cúng đã dâng lời cầu khấn sức khoẻ, bình an, mùa màng bội thu, những bát rượu được người Raglai chuyền tay nhau uống cạn. Rượu phải cạn thì người trong gia đình mới khỏe mạnh, cuộc sống mới hạnh phúc. Sau khi xong các nghi lễ cầu cúng là đến phần hội, lúc này rượu cần được mở, những tiếng hát hòa nhịp trong tiếng chiêng Mã la rộn ràng, mọi người cùng tham gia cuộc vui diễn ra thâu đêm. Tất cả các dòng tộc đều tổ chức và coi lễ mừng lúa mới là lễ hội đầu năm. Già làng Măng Khe, dân tộc Raglai, cho biết: “Mỗi nhà mỗi làm, rồi tập trung cả làng về ăn. Lễ hội này để cho con cháu dân làng làm gì được nấy, làm lúa có lúa, làm đậu có đậu. Mình biết ơn ông bà, thì ông bà cũng cho mình cái ăn. Tất cả từ lễ hội này ông bà cho cái ăn và mãi mãi là mùa xuân".
      

Một điểm rất đặc biệt không thể không nhắc đến trong lễ hội mừng lúa mới của người Raglai, đó là lửa. Ngoài các lễ vật, trên mâm lễ cúng phải có lửa. Nếu tiếng khèn bầu, Mã La được xem như lời mời bà con dân bản đến chung vui cùng gia đình thì lửa được xem là “vật thiêng” mời ông bà, tổ tiên về ăn mừng lúa mới. Sau một năm làm lụng vất vả, đồng bào có dịp quây quần bên nhau trong các sinh hoạt cộng đồng như: thi làm cây nêu, nấu cơm lam, giã gạo, làm rượu cần, bắn nỏ, biểu diễn nhạc cụ dân tộc…Lễ hội còn là dịp để bà con trong dòng tộc nội, ngoại ở các nơi tụ hội về gặp mặt, thăm hỏi nhau. Mâu thuẫn trong gia tộc, dòng tộc đều được hòa giải khi mọi người cùng uống chung một ché rượu cần cúng tổ tiên, từ đó gắn kết thêm tinh thần đoàn kết trong cộng đồng./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác