(VOV5) - Việc duy trì nghề dệt thổ cẩm đã giúp đồng bào Ba Na giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.
Từ nhiều năm nay, đồng bào dân tộc Ba Na ở xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, đã duy trì và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Từ lúc nghề dệt phân tán trong các hộ gia đình, đến nay được tổ chức thành Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm của xã Glar. Việc duy trì nghề dệt thổ cẩm đã giúp đồng bào Ba Na giữ gìn và phát huy những giá trị văn hoá đặc sắc của dân tộc mình.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Những khung cửi của các hộ gia đình đồng bào Ba Na ở xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai, tưởng như đã trôi vào quên lãng đã bắt đầu hoạt động trở lại. Từ hơn 10 năm nay, tranh thủ lúc không lên rẫy chăm sóc, thu hoạch cà phê, hồ tiêu, những người phụ nữ Ba Na ở đây lại quây quần bên nhau cùng se sợi, dệt vải. Những đôi bàn tay khéo léo của họ làm nên từng họa tiết hoa văn trên những bộ trang phục, khăn quàng cổ hay thắt lưng truyền thống của người Ba Na.
Bà Mlop, ở xã Glar, chia sẻ: Từ 20 năm trước bà đã lên ý tưởng gây dựng, khôi phục lại nghề dệt thổ cẩm. Với tâm huyết của bà, năm 2006, Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar ra đời. Ngày xưa, bà và chị em phụ nữ phải làm sợi dệt bằng bông trồng trong vườn và nhuộm sợi bằng rễ, lá cây, than củi, vỏ sò. Bây giờ có phẩm màu công nghiệp, chỉ bán sẵn, đỡ nhiều công sức của chị em. Sản phẩm do Hợp tác xã làm ra đẹp, bền và vẫn giữ nét truyền thống người Ba Na từ kiểu dáng trang phục đến hoa văn trang trí. Bà Mlop cho biết: Nghề dệt đã có từ lâu. Mẹ và chị tôi đều biết dệt… Có lúc nghề dệt đã gần mai một. Từ nhỏ tôi đã thích làm và từ năm 1990 đã làm để bán. Học lớp 4-5 tôi đã dệt thành thạo và biết kéo bông làm sợi. Giờ thì không làm bông mà mua len, sợi ở chợ.
Dệt thổ cẩm, nghề truyền thống của người Ba Na tại Gia Lai. Ảnh: Hồng Điệp/TTXVN
|
|
Thời điểm bà Mlop thành lập Hợp tác xã, xã Glar chỉ có ít hộ đồng bào còn dệt thổ cầm và sản phẩm chỉ để sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày và trong các lễ hội cộng đồng. Hợp tác xã chỉ có 40 thành viên là phụ nữ người Ba Na, và sản phẩm chủ yếu là khố, trang phục nam nữ, túi, ví... Bà Mlop cho biết thêm: Nghề dệt tính ra tiền cũng ít nhưng chị em rất yêu nghề. Lúc rảnh rỗi thì ai cũng làm. Tôi thì phụ trách đầu ra cho sản phẩm của chị em. Các sản phẩm chúng tôi bán nhiều nơi, từ các tỉnh xung quanh đến Thành phố Hồ Chí Minh, Nha Trang. Hiện đầu ra cho sản phẩm khá ổn định.
Hợp tác xã Nông nghiệp và Dệt thổ cẩm xã Glar thành công cũng là nhờ phong trào dệt thổ cẩm phát triển mạnh trong các hộ gia đình. Sau hơn 10 năm hoạt động, Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm Glar đã có hơn 300 thành viên. Với sự chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc, tay nghề của các thành viên ngày càng nâng lên, từ đó chất lượng các sản phẩm, đường nét hoa văn cho đến màu sắc cũng đa dạng, phong phú hơn. Chị Hngai, Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm xã Glar, chia sẻ: Tôi đã biết dệt từ ngày nhỏ, lớp 5, lớp 6 đã thêu và học lớp của cô Mlop, giờ tôi đã bắt đầu đi dạy cho các lớp. Ước mơ của tôi là mở thêm các lớp dạy cho đồng bào và sáng tại ra nhiều hoa văn cho các sản phẩm. Từ đó có thể giữ lại nét văn hóa của dân tộc mình. Tôi cũng sẽ cố gắng tìm lại những hoa văn trên trang phục của dân tộc Ba Na để có thể dệt lên những sản phẩm của mình.
|
Đến nay, Hợp tác xã đã mở các lớp tập huấn để truyền dạy nghề dệt và nâng cao tay nghề cho các thành viên. Qua 4 lớp, mỗi lớp học trong thời gian 3 tháng, Hợp tác xã đã đào tạo nghề dệt thổ cẩm cho 200 chị em và đảm bảo cho học viên nắm vững từ những kỹ thuật căn bản cho đến kỹ thuật nâng cao để tạo ra được những sản phẩm đa dạng hơn. Bà Mlop cho biết: Mấy năm nay nghề dệt rất phát triển. Học sinh nghỉ hè cũng tham gia dệt. Chúng tôi cũng dạy cho thế hệ trẻ, mỗi lớp khoảng 30 em. Thu nhập hiện nay thì tính theo sản phẩm. Rảnh rỗi thì các chị em làm vì nghề chủ yếu của bà con vẫn là trồng cà phê, hồ tiêu… Mỗi người trung bình thu nhập khoảng trên 3 triệu đồng/tháng.
Xã Glar hiện có hơn 10.000 người, trong đó có hơn 95% số dân là người dân tộc Ba Na. Sự phát triển nghề dệt thổ cẩm ở các buôn làng không chỉ giúp giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Ba Na, mà còn tạo sản phẩm hàng hóa, góp phần xóa đói - giảm nghèo cho bà con. Thời gian qua, tỉnh Gia Lai cũng tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi tay nghề dệt thổ cẩm từ cơ sở đến cấp tỉnh và hỗ trợ thành lập các hợp tác xã, câu lạc bộ dệt thổ cẩm, qua đó khuyến khích đồng bào dân tộc Ba Na tham gia hoạt động duy trì nghề dệt truyền thống lâu đời này.