Người Giáy ở Lào Cai

(VOV5) - Người Giáy hiện cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu và Cao Bằng. Với số dân trên 38.000 người, người Giáy còn có nhiều tên gọi khác như Dẳng, Pâu Thìn, Xạ. Cũng giống như một vài dân tộc thuộc nhóm Tày- Thái, người Giáy làm ruộng nước là chính và chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm.

Người Giáy ở Lào Cai - ảnh 1
Lễ hội Roóng Poọc hay còn gọi là lễ hội xuống đồng, là một lễ hội cầu mùa độc đáo được tổ chức vào tháng Giêng Âm lịch hàng năm của đồng bào dân tộc Giáy. Cảnh dâng lễ vật cúng thần linh của đồng bào Giáy ở xã Quang Kim, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai - Ảnh: An Kiên/ VOV-Tây Bắc

Ở Lào Cai, người Giáy sống ở bản Tả Van Giáy, xã Tả Van, huyện Sapa. Bản Tả Van Giáy nằm bình yên dưới thung lũng Mường Hoa, tựa lưng vào dãy Hoàng Liên Sơn. Bản Tả Van Giáy có hơn 140 hộ dân. Nhà của người Giáy được dựng bên cạnh triền dốc thoai thoải theo ruộng bậc thang, càng làm cho cảnh quan thêm thơ mộng. Nhà của người Giáy có cả nhà sàn và nhà đất, với gian giữa là nơi trang nghiêm để đặt bàn thờ tổ tiên và tiếp khách. Ông Hoàng Mục, người cao tuổi trong bản Tả Van, cho biết đến nay người Giáy vẫn sống trong những ngôi nhà truyền thống của dân tộc. Ở Tả Van, những ngôi nhà có tuổi đời từ 80 đến 100 tuổi như nhà ông Hoàng Mục còn rất ít: Ngày xưa lúc làm cái nhà này tôi chưa được sinh ra, nhà có từ thời bố tôi. Bố tôi sinh năm 1910, năm 1930 ông dựng cái nhà này. Tôi là con út thì lại được ở ngôi nhà này. ở đây nhà làm mới hết , nhà nào lâu thì chỉ đến 30-40 năm. Nhà người Giáy có chiều cao tính từ nền đất nên xà ngang , ngày xưa người ta chỉ làm 1,8m trở lại. Còn chiều rộng làm khoảng 9, 10m. So với người Mông từ nền tới xà xuống rất thấp có nhiều nhà phải đi khom người còn nhà người Giáy thì làm phải đi thoải mái, không chạm đầu. Nhà có 3 gian. Hai gian bên cạnh nhỏ hơn gian giữa. Tiếp khách thì ở gian giữa.

Người Giáy ở Lào Cai - ảnh 2
Cũng giống như các dân tộc khác thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái, người Giáy thường cư trú ở các thung lũng, nơi có nhiều điều kiện làm ruộng nước. Cảnh quan quê hương thường trù phú được vẻ đẹp trữ tình. Ảnh: vov4.vov.vn

Phụ nữ Giáy ở Sapa thường chỉ ở nhà làm ruộng, chăm sóc gia đình chứ không đi bán hàng thổ cẩm cho khách du lịch như phụ nữ Dao đỏ hay Mông. Công việc của họ chỉ quanh quẩn nơi bản làng. Thời gian rảnh thì họ ngồi bên máy khâu may quần áo cho cả gia đình. Bộ quần áo của phụ nữ người Giáy so với các dân tộc khác trông đơn giản, ít thêu thùa, chỉ có các băng vải màu viền quanh cổ và vạt áo. Bà Lục Thị Tá cho biết bộ trang phục của phụ nữ Giáy bao đời nay không thay đổi: Ngày xưa cũng đã mặc thế rồi, bà nội tôi bảo áo mặc thì chọn màu xanh, màu hồng. Thời còn thanh niên mặc màu hồng, người già có tuổi mặc màu xanh và đen. Thích những màu đó mà. Quần áo tôi mua hoặc các con may cho, mua vải để các con may cho, tự may hết, có máy khâu. Ngày xưa khâu tay bây giờ có máy khâu.

Trang phục của phụ nữ Giáy ở Lào Cai cũng khác ở Lai Châu, Hà Giang, Phụ nữ Giáy mặc quần bằng vải lụa, sa tanh màu đen nhưng cạp quần dùng vải màu đỏ và khâu luồn dây thắt lưng.  Áo của phụ nữ có nhiều màu nhưng lại không có màu trắng. Áo dài cài khuy vải hoặc khuy bạc ở nách bên phải. Cổ đứng, viền vải khác màu ở vạt cài khuy, viền tay áo. Ngày nay, đa số các cô gái Giáy mặc áo viền cổ, viền tay áo và cả tà áo với nhiều loại màu. Các đường viền trước đây được phân biệt giữa già và trẻ bằng đường viền: to là dành cho người già, còn người trẻ thì viền áo nhỏ. Trang phục của nam giới cũng đơn giản. Nam cũng mặc quần vải bông màu đen, áo ngắn màu đen, cài khuy vải trước ngực, đầu đội khăn vải bông nhuộm chàm. Anh Hoàng Chinh ở bản Tả Van Giáy cho biết nam giới đi học, đi làm không mặc đồ truyền thống như nữ giới nhưng không vì thế mà họ quên đi những văn hóa truyền thống của dân tộc: Do thời tiết và khí hậu không mặc được vì trang phục truyền thống mỏng nên lạnh lắm. Chúng tôi vẫn mặc những ngày Tết. Con gái thì mặc hết còn con trai dịp lễ Tết mới mặc. Bây giờ do xã hội phát triển thì đó cũng bình thường, mình không thể giữ mãi được. Tuy nhiên mình vẫn giữ truyền thống nhưng vẫn phải theo sự phát triển của xã hội.

Tết là dịp để anh Chinh cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa thể hiện những bộ đồ truyền thống. Họ vui mừng và tự hào khi được khoác trên người bộ trang phục của người Giáy. Rồi ngày Tết cũng là dịp họ được trổ tài nấu những món ăn đặc trưng của dân tộc mình: Món ăn đặc trưng của dân tộc thì làm cầu kỳ lắm. Làm một món cũng phải mất nửa ngày thì mới ngon được như món khâu nhục, thịt nướng. Thịt nướng làm theo truyền thống thì nướng cả con. Con gì cũng nướng cả con. Chỉ có dịp Tết, lễ cưới, ngày lễ lớn thì mới làm chứ ngày bình thường thì không làm.

Người Giáy còn có những món ăn dân dã như bánh bỏng hay bánh giày, bánh phở... Những món ăn này được phụ nữ Giáy làm hàng ngày. Cũng có nhiều người làm các loại bánh này bán kiếm thêm tiền trang trải cho sinh hoạt của gia đình./.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác