Dân tộc Hà Nhì hiện có hơn 21.700 người, cư trú chủ yếu ở các tỉnh Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai và một số tỉnh dọc biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào. Người Hà Nhì hiện nay đã định cư, mỗi bản có khi đông tới 60 hộ. Đồng bào Hà Nhì thường chọn nơi cư trú ở những thung lũng lưng chừng núi, nơi có nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Có lẽ bởi vậy những bản làng của người Hà Nhì thường có phong cảnh đẹp. Nhà nghiên cứu văn hoá dân tộc Lâm Bá Nam cho biết: “Người Hà Nhì là tộc người ở phía Bắc chuyển xuống Việt Nam từ vài trăm năm nay. Họ thường sống ở các miền núi cao ở Việt Nam và là dân tộc có các sắc thái văn hoá rất độc đáo. Trong đó có trang phục. Về lễ hội của người Hà Nhì thường gắn với rừng thể hiện sự thích ứng của đồng bào với thiên nhiên và môi trường”.
|
Phụ nữ Hà Nhì đen duyên dáng với mái tóc giả. Ảnh: Internet |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Bản làng của người Hà Nhì có những nét rất đặc biệt. Người Hà Nhì xây nhà tựa lưng vào đồi núi và hướng cửa về phía thung lũng để của cải trong nhà bao giờ cũng đầy đặn. Nhìn từ xa những ngôi nhà trông như hình cây nấm, nối nhau mọc lúp xúp bên sườn núi, làm cho những bản làng nhỏ bé của đồng bào đẹp như một bức tranh. Nhà ở người Hà Nhì là loại nhà trình tường xây bằng đất nện, phù hợp với điều kiện thời tiết ở miền núi cao. Trong những ngôi nhà ấy, con người sống thoải mái, vào mùa đông thì ấm, còn vào mùa hè thì mát.
Ông Nguyễn Hữu Sơn, cán bộ Sở Văn hoá thông tin tỉnh Lai Châu, cho biết: “Người Hà Nhì có một di sản văn hoá nổi bật, khác với nhiều dân tộc khác chính là ngôi nhà trình tường. Ngôi nhà vừa là nơi cư ngụ của các gia đình, vừa là tổ ấm của cả cộng đồng. Mỗi nóc nhà là một đơn vị kinh tế, nhưng mỗi ngôi nhà lại thể hiện sự ứng xử độc đáo với môi trường xung quanh. Chỉ cần nghiên cứu ngôi nhà cũng có thể khám phá nhiều nét văn hoá độc đáo của người Hà Nhì”.
Người Hà Nhì là một trong những dân tộc có truyền thống khai khẩn ruộng bậc thang và đào mương đắp đập lấy nước. Trong sản xuất nông nghiệp, người Hà Nhì chủ yếu trồng lúa, làm ruộng, nhưng cũng có nơi làm nương rẫy. Đồng bào thường dùng trâu bò cày kéo và làm vườn cạnh nhà. Người Hà Nhì rất giỏi trồng trọt, chăn nuôi và có nghề thủ công phát triển, nổi bật là đan lát, dệt vải và nhuộm màu. Mặc dù ngày nay giao lưu kinh tế thuận lợi, nhưng phần lớn đồng bào Hà Nhì vẫn tự túc vải mặc. Phụ nữ Hà Nhì chăm chỉ và giỏi việc canh cửi tằm tơ nên tự đảm nhận mọi công đoạn dệt vải, se tơ cho đến lúc làm ra sản phẩm quần áo. Bởi vậy, dân tộc Hà Nhì là một trong những dân tộc có những bộ trang phục truyền thống đẹp mắt, khác với nhiều dân tộc khác. Đây cũng là đặc điểm dễ nhận biết dân tộc Hà Nhì so với các dân tộc khác.
Dân tộc Hà Nhì có nền văn hóa lâu đời, đậm đà bản sắc dân tộc. Những lễ hội như: Lễ Tết “Khu già già”, lễ hội cúng thần rừng, lễ hội Trùm chăn...của người Hà Nhì hết sức độc đáo, mang tính nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gần gũi, gắn bó của con người đối với thiên nhiên. Trong đó, Tết "khu già già" là lễ hội lớn và lâu đời nhất của người Hà Nhì. Lễ hội mang ý nghĩa cầu xin các vị thần phù hộ cho mùa màng tốt tươi, người yên, vật thịnh. Lễ hội này cũng thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng. Ông Lâm Bá Nam cho biết thêm: “Lễ hội Khu già già là lễ hội gắn liền với quá trình lịch sử văn hoá của người Hà Nhì. Với người dân vùng núi cao các lễ hội thường mang ý nghĩa cầu mùa vạn vật sinh sôi nảy nở và lễ hội này thể hiện tính phồn thực trong văn hoá. Mặt khác nó thể hiện tính câu kết cộng đồng trong việc bảo tồn văn hoá dân tộc”.
Trong đời sống tinh thần, người Hà Nhì cũng có nhiều bài hát, nhiều điệu múa, nhiều loại nhạc cụ và nhiều tác phẩm văn học dân gian. Hát có hát ru con, hát đối đáp, hát mời rượu, hát đưa ma, hát chào khách, hát mừng nhà mới. Người Hà Nhì cũng có kho tàng văn học phong phú với các câu truyện cổ tích, thần thoại, trường ca, ca dao, tục ngữ.
Hiện nay, dù đời sống văn hóa của người Hà Nhì có sự giao thoa với nhiều nền văn hoá của các dân tộc khác, nhưng những phong tục tập quán và những nét văn hóa truyền thống độc đáo vẫn được người Hà Nhì trân trọng, gìn giữ.