(VOV5) - Theo quan niệm truyền thống của người Mường, Tết không bắt đầu vào ngày 23 tháng Chạp, ngày cúng ông Công, ông Táo như người Việt. Ngày xuân của người Mường thực sự bắt đầu từ ngày 27 tháng Chạp. Ngày này, khắp các bản làng của người Mường ở Hòa Bình rộn ràng âm thành của Tết.
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Xóm Ải, xã Phong Phú, huyện Tân Lạc, Hòa Bình, nơi tập trung sinh sống của người Mường Bi hôm nay, nhà nào cũng rộn rã tiếng nói cười. Ngày 27 tháng Chạp, người dân nghỉ việc đồng áng để ở nhà lo sắm sanh, chuẩn bị đón Tết cổ truyền.
Người Mường rất coi trọng không gian thờ cúng tổ tiên vì vậy bàn thờ thường được đặt ở vị trí trung tâm của ngôi nhà và là nơi linh thiêng, sang trọng nhất. Nơi đây cũng được người Mường tổ chức các nghi lễ và đón khách quý. Ngày Tết, bàn thờ tổ tiên thường là do người đàn ông trong gia đình tự tay trang hoàng. Ông Bùi Văn Khẩn, già làng xóm Ải, cẩn thận sắp xếp từng thứ trên bàn thờ đúng vị trí và lau sạch sẽ. Những việc này phải do đàn ông trong nhà bày hết. Nếu nhà không có đàn ông thì đàn bà mới làm. Bàn thờ phải có đèn, hương nhang. Đặt lại tăm, bát đũa, trầu cau, hoa quả.
Ba người con của ông Khẩn đi làm xa đều đã về đông đủ. Mỗi người một việc, con trai, con gái, con dâu, con rể, ai cũng hào hứng chuẩn bị làm cơm cúng tổ tiên và lau dọn nhà cửa. Riêng việc nấu nướng thì do những người phụ nữ trong gia đình đảm nhiệm. Vợ ông Khẩn cho biết hôm nay bà cùng các con gái, con dâu tập trung làm các món ăn để cúng tổ tiên. Đây cũng là dịp để bà dạy con cái hiểu về nếp nhà và phong tục cổ truyền của dân tộc: Chuẩn bị tết vất vả lắm, lấy lá rửa để gói bánh, sắp xếp nhà cửa để chỗ nào cũng phải sạch sẽ. Năm nay có con dâu về làm cùng nên cũng đỡ hơn. Tôi dạy con biết làm bánh trôi, bổ củi, quét dọn nhà cửa, làm đồ nếp.
Trong khi chờ vợ và con con sắp xếp mâm cơm để cúng tổ tiên, ông Khẩn ra vườn chặt cành đào đẹp nhất mang vào đặt trang trọng gần bàn thờ. Lọ hoa trên bàn thờ cũng tự tay ông chọn. Ông cho biết người Mường thường chọn những loại hoa có màu đỏ để trưng trong ngày tết vì màu đỏ mang đến cho họ sự may mắn. Mâm cơm cúng tổ tiên của người Mường cũng được gia đình ông làm đúng như phong tục truyền thống: Các món ăn phải để trên tàu lá chuối mà phải là tàu lá ngọn. Thịt thì cho vào lá gọi là lá mang ở bên trên. Tổ tiên ngày xưa chắc nghĩ là từ thuở nghèo khó không có đồ dùng như ngày nay nên phải dùng bằng lá. Đến giờ phong tục này vẫn còn. Tất cả các món ăn đều để trên lá, chỉ có bát canh là để trong bát.
Ngày 27 tháng Chạp mọi gia đình người Mường Bi ở xóm Ải đều chuẩn bị cơm để cúng tổ tiên. Tết đã gõ cửa từng nhà. Mỗi gia đình đều mổ lợn, làm cỗ mời anh em, bạn bè, hàng xóm sang chung vui. Người Mường quan niệm ăn thế nào thì thờ cúng thế đó nên trong mâm cỗ để cúng có đủ các món. Ông Bùi Văn Dựng, Trưởng xóm Ải, cho biết: Do điều kiện kinh tế khá giả nen bà con tổ chức sinh hoạt Tết rất đầy đủ. C ác hộ đều thịt lợn để ăn Tết. Sau đó là thịt gà và cá. Tổ chức ăn tết nhà nào cũng phải làm 4 đến 5 mâm cỗ.
Cùng với chuẩn bị rượu, thịt, bánh, người Mường Bi còn trồng một cây nêu trước cửa nhà. Nêu được làm bằng cây tre hoặc cây lành hanh, cũng thuộc họ nhà tre, nhưng thân nhỏ, đốt thưa, thẳng và rất cao. Ông Khẩn cho biết: Ngày 27 làm cây Nêu. Rồi đan một cái phên bé xíu bằng cái đĩa cắm lên các cửa vào nhà. Ý nghĩa là các ma tà không có lời mời không được đến. Khi ăn Tết xong cành Nêu này sẽ tự rơi xuống chứ không dỡ xuống.
Bây giờ đời sống kinh tế của người Mường Bi đã thay đổi nhưng nếp sống, tập tục ngày Tết vẫn được đồng bào giữ nguyên. Cùng với những hoạt động thăm hỏi chúc tụng gia đình, xóm giềng chính quyền địa phương còn tổ chức các sinh hoạt vui chơi cộng đồng cho bà con vào dịp xuân sang.
Sắc đào đỏ thắm đã chúm chím nở trên khắp núi rừng xóm Ải. Người dân Mường Bi đang đón một năm mới với ước vọng được mùa, sung túc cho cả năm./.