Người Nùng hát dân ca

(VOV5) - Hát dân ca là một trong những nét đẹp văn hoá của dân tộc Nùng. Từ xa xưa, người Nùng đã coi dân ca là phương tiện giao tiếp, lời tâm sự tỏ tình với người khác giới. Hát dân ca  là sự rung động của con tim, thể hiện tình cảm, nỗi lòng của mình với mọi người.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:


Người Nùng sống chủ yếu ở những vùng núi cao, gần gũi với thiên nhiên núi rừng. Đây là không gian lý tưởng để dân tộc Nùng bảo lưu, giữ gìn được nhiều giá trị văn hoá đặc sắc, trong đó có các làn điệu dân ca Nùng. Những làn điệu dân ca của dân tộc Nùng được hình thành từ quá trình lao động sản xuất, từ cuộc sống thường ngày, do vậy lời hát thể hiện tình cảm mộc mạc, dân dã, nói lên tâm trạng, cảm xúc của của người dân. Dân ca của người Nùng có nhiều thể loại: hát giao duyên, hát lượn, hát Sli giao lưu, hát kể...Mỗi nhóm Nùng địa phương như: Nùng Dín, Nùng An, Nùng Cháo, Nùng Phàn Slình... lại có cách hát, lối thể hiện nhấn nhá khác nhau và nội dung các bài hát vô cùng phong phú. Ông Nùng Phàn Sìn dân tộc Nùng, cho biết: "Những từ ngữ trong các bài hát dân ca thường có giá trị giáo dục và được lưu truyền từ đời trước cho đến đời sau. Tôi không được ai dạy cả, ngày trước nghe các cụ hát trong các lễ hội, tôi đi theo hát. Khi thấy tôi hát được rồi thì các cụ cho mình hát, từ đó mình nhớ lại cho đến bây giờ không bao giờ quên được. Trong lời các bài hát dân ca chứa đựng nhiều ý nghĩa về đạo đức của con người. Ở đó còn nói về kỹ thuật trong lao động sản xuất, ví dụ như khi gieo mạ, trồng lúa thì tay phải úp hay ngửa... từ đó dạy cho các thế hệ sau kỹ thuật trồng lúa như thế".

Người Nùng hát dân ca - ảnh 1
Ảnh minh họa:internet

Dân tộc Nùng không có chữ viết riêng, nên các bài hát dân ca được duy trì bằng cách truyền miệng từ thế hệ này nối tiếp thế kia. Cũng bởi vậy, các làn điệu dân ca  của người Nùng là sản phẩm của trí tuệ của nhiều tác giả và không ngừng được các thế hệ hoàn thiện, duy trì đến ngày nay. Mỗi bài hát qua thời gian lại được sáng tác thêm theo lối ứng khẩu càng làm phong phú thêm lời cho các bài hát dân ca. Chị Thèn Thị Hướng, người Nùng Dín, cho biết: “ Dân ca của người Nùng Dín chúng tôi học rất là khó khăn,  bởi vì không có chữ viết riêng, chỉ dạy truyền miệng từ các cụ sang đến đời con cháu. Ví dụ như ở chỗ chúng tôi thì các ông, các bà dạy chúng tôi hát từng từ một, chúng tôi mới biết hát”.


Cùng với một số dân tộc khác ở vùng miền núi phía Bắc, hát là Sli là một trong những thể loại dân ca đặc sắc của dân tộc Nùng. Nội dung của những làn điệu Sli phong phú và  hấp dẫn mang đậm dấu ấn văn hoá của đồng bào Nùng. Trong lời hát của dân ca Sli luôn có sự liên tưởng ví von thông qua những hình ảnh cụ thể  để nói lên tâm tình của con người. Lời hát dù có nói về thiên nhiên, cây cỏ, thì cuối cùng cũng nói về tình cảm, tâm trạng, ước vọng của con người. Hát Sli chủ yếu hát đối đáp giao duyên giữa thanh niên nam nữ, ca ngợi cảnh đẹp thiên nhiên, cuộc sống mới tươi đẹp ấm no, hạnh phúc. Họ hát ở nhiều nơi, tại chợ phiên, lễ hội xuân, gặp nhau trong lao động sản xuất, mừng nhà mới...Đặc điểm của hát Sli trong tất cả các nhóm Nùng là hát không cần có nhạc cụ đệm, không có vũ đạo kèm theo và có thể hát ở bất cứ lúc nào, chỗ nào, miễn là nơi đó có “đối tượng hát”. Tính trữ tình trong dân ca Sli thể hiện đời sống tình cảm phong phú của người Nùng. Hát Sli không chỉ là dịp khoe giọng hát, mà còn thể hiện khả năng, tài ứng đối trong mỗi câu hát.  Anh Hoàng Văn Pao, cán bộ văn hoá của tỉnh Lạng Sơn , cho biết: “Người Nùng hát Sli kể cả khi đi làm nương làm rẫy  hay có đám trai đi chợ về , hay đi đâu về thấy đám con gái đang làm ruộng thi cũng dừng lại hát Sli để đối đáp với nhau. Bản sắc của tiếng hát Sli là như thế”.


Văn hóa dân gian dân tộc Nùng phong phú về nội dung, đa dạng về thể loại. Trong kho tàng ấy, dân ca giữ vị trí trung tâm. Dân ca Nùng mượt mà, đằm thắm như tâm hồn, cốt cách của người Nùng, trong đó hát Sli là một trong những thể loại hay nhất trong kho tàng dân ca của dân tộc Nùng. Ngày nay, bản làng người Nùng có nhiều thay đổi, nhưng đồng bào vẫn nỗ lực giữ gìn các bài dân ca truyền thống của dân tộc mình để những làn điệu hát dân ca này vẫn mãi được lưu truyền trong các bản làng người Nùng nơi đây.
Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác