(VOV5) - Tục buộc chỉ cổ tay mang nhiều ý nghĩa là vậy nên đồng bào Thái Tây Bắc, từ già đến trẻ mọi người đều rất trân trọng.
Đồng bào Thái ở Tây Bắc Việt Nam có nhiều nét văn hóa, phong tục tập quán đặc sắc. Trong đó phải kể đến tục buộc chỉ cổ tay, một trong những nét văn hoá tâm linh mang đậm tính nhân văn được đồng bào duy trì từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Người Thái quan niệm rằng, mỗi con người gồm có hai phần là hồn và xác. Hồn hình thành trên mường trời do bà mụ thứ nhất (bà con gọi là me bảu) cho vào khuôn đốt thành khí, xác hình thành dưới trần gian do vật chất cấu thành theo hình hài do bà mụ thứ 2 (Bà con gọi là me nang) nặn ra. Hồn và xác kết hợp với nhau cùng song song tồn tại trong một thời gian nhất định, nếu xác mất hồn, hoặc hồn mất xác thì đều không còn sự sống. Hồn và xác rời khỏi nhau đều trở về với cội nguồn, hồn lên trời, còn xác thì xuống đất. Vì thế mà đồng bào mới có tục buộc chỉ vào cổ tay để giữ hồn ở lại với xác, để sự sống của con người được trường tồn.
Bà ngoại buộc chỉ cổ tay cho cháu. Ảnh: VOV |
Ông Cà Văn Chung, hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, TP Sơn La, tỉnh Sơn La, cho biết: "Người Thái cho rằng mỗi người có 80 hồn “ 30 khuôn mang nả, 50 khuôn mang lằng”. Tức là 30 hồn ở phía trước, 50 hồn ở phía sau, khi một số hồn này bay ra khỏi xác thì người sẽ sinh ốm đau, nếu bay hết thì sẽ chết, vì vậy người ta mới lấy chỉ buộc vào cổ tay để giữ hồn ở lại với xác, để đời sống tồn tại được lâu dài."
Ngày xưa, tại các bản làng người Thái, hàng năm đều tổ chức lễ buộc chỉ cổ tay gọi là “ Xú khuôn”. Ngày nay lễ này không được tổ chức thường xuyên nhưng tục buộc chỉ cổ tay thì vẫn được duy trì. Theo ông Tòng Văn Hịa, người cao tuổi ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La: Người ta thường buộc chỉ trong các dịp gọi hồn, lễ cúng ốm đau, cầu thọ cho các cụ già, buộc chỉ tay cho trẻ nhỏ mới sinh, hoặc khi gia đình có người chết:
Trẻ em người Thái ai cũng buộc chỉ tay. Ảnh: VOV |
"Buộc chỉ tay, hay là buộc vía, buộc hồn bởi khi người ốm đau, thường yếu bóng vía, nên phải buộc hồn, vía lại để không cho ma tà làm hại. Hoặc khi có người thân trong gia đình mất thì sợ hồn vía người đang sống theo người đã khuất về mường trời, để không cho hồn bay phách lạc, vừa buộc chỉ vào tay vừa căn dặn nhau rằng “buộc chặt, nắm chặt, ở nhà ăn cơm, trông nhà ăn cá…”. Ông Chung nói"
Buộc chỉ cổ tay không phải mê tín dị đoan, không bói toán, không nhất thiết phải làm lễ cúng, không tốn kém về thời gian cũng như vật chất và ai cũng có thể buộc được cho nhau kể cả lúc con người ta đang khỏe mạnh. Thường thì bố mẹ buộc cho con, thầy mo, thầy cúng buộc cho những người làm lễ, hoặc con cháu buộc cho ông bà cha mẹ lúc ốm đau, già yếu… với mong muốn người thân luôn được khỏe mạnh, bình an, thượng thọ. Tuy nhiên, chỉ buộc, cũng như lời khấn lúc buộc chỉ cho mỗi trường hợp, hoàn cảnh cụ thể sẽ khác nhau.
Ví dụ như khi làm lễ cúng đầy cữ cho trẻ thì thầy cúng sẽ dùng chỉ đỏ, hay chỉ đen hoặc cả chỉ đỏ, đen bện thành một sợi có màu sắc để buộc vào cổ tay, hay vào cổ cho bé, với lời khấn mong bé luôn khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Đối với người thường xuyên ốm đau, bệnh tật thì thầy cúng, cũng như anh em họ hàng thân thích đến dự lễ cúng, hay thăm hỏi thì sẽ cùng nhau buộc chỉ vào cổ tay cho người ốm, mỗi sợi chỉ buộc, mỗi lời cầu khấn của người khoẻ mạnh sẽ là nguồn động viên, an ủi tinh thần rất cần thiết đối với họ lúc này. Còn khi người thân có người mất thì anh em họ hàng, bạn bè thân hữu gần xa đến viếng chia buồn sẽ lấy sợi chỉ màu trắng trong khăn tang để buộc vào tay cho người thân của mình, cùng lời chia buồn sâu sắc nhất đối với người ở lại.
Bà Tòng Thị Binh, thầy cúng ở bản Mòng, xã Hua La, thành phố Sơn La cho biết thêm: "Buộc tay trái cho bền, buộc tay phải cho chặt, khấn cho khoẻ mạnh, lớn khôn, ma tà rủ chớ đi, buộc hồn, buộc vía ở nhà cùng con cháu. Chính vì thế, khi bị ốm đau, càng nhiều anh, em, họ hàng buộc cho thì người đó như được thêm nghị lực, trấn an tinh thần, sớm vượt qua ốm đau bệnh tật, hay lúc tang thương."
Tục buộc chỉ cổ tay mang nhiều ý nghĩa là vậy nên đồng bào Thái Tây Bắc, từ già đến trẻ mọi người đều rất trân trọng, coi đó như một tục lệ không thể thiếu trong đời sống tâm linh và được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác.