(VOV5) - Đặc trưng kiến trúc rõ nét nhất của nhà mồ Cơ Tu là các họa tiết có màu sắc sặc sỡ, nóc nhà mồ có tạc tượng đầu trâu và sơn dương, các mái che có tượng đầu gà, kỳ nhông.
Trong đời sống của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Nam Đông (Thừa Thiên Huế), nhà mồ là một trong những công trình kiến trúc thể hiện tín ngưỡng dân gian đặc trưng. Trong đó, chế tác và điêu khắc tượng nhà mồ cũng là nét văn hóa tâm linh độc đáo, mang đậm bản sắc dân tộc.
Nghe âm thanh bài viết tai đây:
Trong ý niệm của đồng bào Cơ Tu, nhà mồ là nơi để người đã mất trú ngụ. Hồn của những người chết sẽ hóa thành thần giúp đỡ cho dân làng đoàn kết và gặp nhiều điều lành, mùa màng bội thu, sức khỏe dồi dào. Trong nhà mồ có đầy đủ các vật dụng như người con sống.
Xã Thượng Long, huyện Nam Đông, Thừa Thiên Huế, là một trong những nơi còn lưu giữ được văn hóa về nhà mồ và tượng nhà mồ của đồng bào Cơ Tu.Tục làm nhà mồ là tín ngưỡng dân gian hướng về cội nguồn, tổ tiên của người dân Cơ Tu. Kiến trúc nhà mồ được xây dựng bằng hình chữ nhật hoặc hình vuông, có chạm khắc nhiều hoa văn, phần trên có mái che, quanh các trụ được chạm khắc những con vật quen thuộc trong đời sống của đồng bào Cơ Tu như chim, rắn, kỳ đà... Riêng cỗ quan tài bằng gỗ có hình dạng như một chiếc thuyền độc mộc, trên đó được chạm khắc những hoa văn độc đáo và không thể thiếu biểu tượng đầu trâu.
Nhà mồ và mái khắc hình ảnh con trâu theo kiểu truyền thống của người dân tộc Cơ Tu.
- Ảnh: doisongphapluat.com |
Cùng với đó, tạc tượng nhà mồ cũng tái hiện một cách đầy đủ nhất toàn bộ đời sống văn hóa của đồng bào Cơ Tu. Trong quan niệm của đồng bào Cơ Tu bao đời nay, khi một người về với thế giới bên kia thì họ phải mang những tập tục, văn hóa của đồng bào mình đi theo. Vì thế, nhiều người trước khi mất thường căn dặn con cháu tạc tượng gỗ để đặt lên quan tài.
Nói về phong tục đặt tượng tại nhà mồ của đồng bào Cơ Tu, nghệ nhân Phạm Văn Tin, ở Thượng Nhật, Nam Đông, Thừa Thiên Huế, chia sẻ: Sau khi đưa quan tài đặt vào nhà mồ thì gia chủ sẽ làm lễ đặt mâm bằng gỗ, có 4 bức tượng nhà mồ ở 4 góc ngay phía trên quan tài, nhằm thể hiện lòng biết ơn của người sống với người đã mất.
Đặc trưng kiến trúc rõ nét nhất của nhà mồ Cơ Tu là các họa tiết có màu sắc sặc sỡ, nóc nhà mồ có tạc tượng đầu trâu và sơn dương, các mái che có tượng đầu gà, kỳ nhông. Quan tài được điêu khắc mô phỏng theo hình tượng con trâu, tượng trưng cho sức mạnh và sự no đủ.
Nghệ nhân đang thực hiện khâu chạm trổ đầu trâu để dựng nhà mồ cho người quá cố.
- Nguồn:doisongphapluat.com |
Nhà mồ của đàn ông và đàn bà có sự khác nhau: "Đàn bà khi mất chỉ có được đầu lợn thôi. Các loại đầu thủ các thì dành cho đàn ông. Nhưng nét vẽ trên quan tài đều được vẽ rất tỉ mỉ cẩn thận không được nét nọ chồng chéo lên nét kia."
Để tạc tượng nhà mồ, phải tìm loại gỗ đẹp, tốt và đẽo lấy phần lõi. Ngoài ra, những hoa văn, họa tiết màu sắc khác nhau trên tượng, đều được lấy từ tự nhiên như màu của lá cây, hay từ những viên đá màu được tìm ở bờ sông, bờ suối đem về giã mịn.
Việc chế tác tượng nhà mồ của đồng bào Cơ Tu ở huyện Nam Đông cũng hết sức độc đáo, với nhiều bức tượng khác nhau. Ngoài những bức tượng thể hiện cảm xúc đau buồn khi người thân ra đi mãi mãi, thì tượng nhà mồ còn được chế tác thành những hình thù thể hiện nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Cơ Tu như người đàn ông đánh trống, thổi kèn, người phụ nữ múa điệu múa truyền thống...
Theo ông Lê Nhữ Sửu, Trưởng phòng văn hóa Thông tin huyện Nam Đồng, Thừa Thiên Huế, Nhà mồ và tạc tượng nhà mồ phản ánh đời sống xã hội, tín ngưỡng dân gian truyền trống của đồng bào dân tộc Cơ Tu. Thế nhưng, hiện đồng bào Cờ Tu có kinh nghiệm tạc tượng không nhiều, hơn nữa, để làm một nhà mồ truyền thống phải tốn nhiều công sức và kinh phí, cộng thêm sự giao thoa văn hóa khiến cho việc tạc tượng nhà mồ của đồng bào Cơ Tu trên địa bàn hiện không còn giữ được nguyên bản. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã lập nhiều phương án để gìn giữ nét văn hóa truyền thống này của người Cơ Tu.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc phục hồi nhà mồ và tượng nhà mồ, nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống trong đời sống tâm linh bao đời nay của người Cơ Tu. "Nét văn hóa truyền thống độc đáo này của đồng bào Cơ Tu đang được chúng tôi bảo tồn và phát huy. Việc phục dựng và lưu giữ văn hóa truyền thống nhà mồ của đồng bào Cơ Tu phải thể hiện được rõ đời sống tâm linh của người còn sống với người đã khuất."
Sự khác nhau về văn hóa của mỗi vùng, sự tài hoa của người nghệ sỹ điêu khắc đã tạo nên sự đa dạng của nhà mồ Cơ Tu. Việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật điêu khắc nhà mồ đang được tỉnh Thừa Thiên Huế đặt ra. Điều này không chỉ lưu lại nét văn hóa truyền thống giàu bản sắc của người Cơ Tu dọc dãy Trường Sơn mà còn mở ra những hướng đi mới trong phát triển du lịch tâm linh ở vùng cao tỉnh Thừa Thiên Huế.