(VOV5) - Những ngôi nhà trình tường của dân tộc Mông được dựng lên, vững chãi như thành lũy, đẹp, thoáng mát và lạ mắt, trở thành di sản của dân tộc này.
Nhà trình tường của người dân tộc Mông ở huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai có kiến trúc độc đáo, là sự kết hợp hài hòa giữa tường trình đất và bộ khung gỗ. Những ngôi nhà này cho thấy kỹ thuật xây nhà truyền thống của người Mông để thích nghi với địa hình hiểm trở và khí hậu khắc nghiệt ở vùng cao.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Nhà trình tường được làm từ những vật liệu có sẵn trong tự nhiên, như: đất sét, gỗ, tre, nứa. Ngôi nhà không có cốt thép nhưng vẫn vững chãi, an toàn. Ông Giàng A Tráng, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, kể: Nhà trình tường làm bằng đất, thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc Mông. Từ xa xưa, các cụ đã dựng nhà trình tường bằng đất.
Người Mông làm nhà vào tháng 10, tháng 11 âm lịch bởi khi đó mùa màng đã xong, có thời gian để dựng nhà. Theo phong tục, trước khi làm nhà, gia chủ phải chọn vị trí đất tốt, rồi làm lễ cúng thổ công, thổ địa rồi mới dựng nhà.
Ngôi nhà trình tường bằng đất ở thôn Mào Sao Phìn, xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Giàng Seo Pùa (VOV4) |
Ông Thào A Vần, ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, cho biết: "Dựng nhà cũng phải tính ngày. Chọn ngày tốt thì người ta mới khởi công làm nhà. Phải căn cứ tuổi của chủ nhà mà chọn ngày làm nhà, làm sao hợp tuổi thì mới khởi công. Rồi làm lễ cúng."
Chọn được đất dựng nhà xong thì gia chủ chọn hướng làm cửa nhà và nơi đặt bàn thờ tổ tiên. Ông Vàng A Lẻng, ở xã Sín Chéng, cho biết: "Khi san nền làm nhà thì người ta đã chọn hướng bàn thờ đặt ở đâu và cửa nhà quay về hướng nào. Người ta cắm sẵn cái que đánh dấu vào đó rồi mới trình tường làm nhà. Thông thường cửa nhà quay về hướng nào thì bàn thờ quay hướng đó."
Vào dịp lễ, Tết, tầng 2 của nhà trình tường trở thành nơi để mọi người dễ dàng xem các tiết mục văn nghệ được biểu diễn ở dưới sân. Ảnh: baoxaydung.com.vn |
Thiết kế nhà trình tường thường giống nhau, có 3 gian hoặc 5 gian. Phần lớn các ngôi nhà trình tường ở Si Ma Cai đều có quy mô nhỏ, hình chữ nhật. Tuy nhiên, vẫn có một số gia đình có điều kiện xây dựng ngôi nhà trình tường rộng lớn, bề thế. Các ngôi nhà này có 2 tầng và 3 gian, với nhiều phòng ở, phù hợp với gia đình có nhiều thế hệ cùng sinh sống. Đối với những ngôi nhà trình tường lớn, thẳng từ cổng chính vào sẽ là một sân rộng dùng để vui chơi, hoặc tổ chức các nghi lễ; phía trên là giếng trời để lấy ánh sáng và điều hòa không khí cho ngôi nhà.
Ở trong nhà trình tường, các phòng ngủ thường được bố trí dưới tầng 1, nằm sát với phòng khách. Gia đình nào có nhiều thế hệ chung sống mới thiết kế cả phòng ngủ trên tầng 2. Tầng 2 của nhà trình thường là nơi chứa lương thực, đồ đạc và thức ăn dự trữ cho gia cầm, gia súc. Vào dịp lễ, Tết, tầng 2 của nhà trình tường trở thành nơi để mọi người dễ dàng xem các tiết mục văn nghệ được biểu diễn ở dưới sân.
Ông Giàng A Giả, ở xã Sín Chéng, huyện Si Ma Cai, cho biết: "Nhà của người Mông thường có cửa chính và cửa phụ. Ngày xưa người ta hay dùng cửa phụ dành cho phụ nữ, khách vào nhà là phụ nữ thì đi qua cửa phụ đó. Gia đình thích đặt cửa phụ ở hướng nào cũng được."
Khung nhà trình tường được làm bằng gỗ, mái nhà lợp bằng ngói âm dương. Người Mông dùng ván gỗ ghép thành khuôn, đổ đất sét vào trong khuôn rồi dùng chày giã để tạo độ kết dính cho đất không rơi khi tháo khuôn. Những bức tường đất này dày từ 60 đến 70 cm, giúp nhà trình tường ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè.
Ông Giàng A Thào, ở xã Sín Chéng, cho biết: "Theo phong tục, trình tường làm nhà phải căng dây điều chỉnh sao cho tường 4 góc phải bằng nhau, sau khi trình lên không bị cong, vênh. Có 2 cái ván, mình đóng thành một cái khuôn để đổ đất vào."
Theo quan niệm của người Mông, làm nhà là việc lớn, hệ trọng. Do vậy, ngày về nhà mới là ngày đại sự của gia chủ. Ngày hôm đó, chủ nhà làm cỗ mừng nhà mới, mời họ hàng, hàng xóm tới chia vui. Mỗi người được chủ nhà mời mang theo chai rượu, bát gạo, bánh trái hoặc một ít tiền để mừng gia chủ. Mọi người ăn uống, trò chuyện rôm rả, cùng chúc gia chủ ăn nên làm ra, mạnh khỏe, hạnh phúc.
Bao đời nay, từ thế hệ này tới thế hệ khác, kỹ thuật làm nhà trình tường của người Mông đến nay đã đạt tới mức điêu luyện. Những ngôi nhà trình tường của dân tộc Mông được dựng lên, vững chãi như thành lũy, đẹp, thoáng mát và lạ mắt, trở thành di sản của dân tộc này.