(VOV5) - Phong tục tang ma của người Lô Lô không chỉ mang tính chất tín ngưỡng, mà hàm chứa giá trị văn hóa, thể hiện đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ và tinh thần cộng đồng làng bản.
Tập quán của người Lô Lô khi bố mẹ qua đời, con cái trong nhà phải tổ chức lễ tang theo nghi thức truyền thống của dân tộc. Phong tục tang ma của người Lô Lô không chỉ mang tính chất tín ngưỡng, mà hàm chứa giá trị văn hóa, thể hiện đạo hiếu của con cái đối với cha mẹ và tinh thần cộng đồng làng bản.
Nghe âm thanh tại đây:
Người Lô Lô quan niệm cái chết không giống như nhiều dân tộc khác, họ cho rằng người chết là được về đoàn tụ với tổ tiên và bắt đầu một cuộc sống mới, nên họ không quá đau buồn khi trong gia đình có người chết. Đầu tiên gia chủ mời thầy cúng (thày mo) đến chủ trì và thực hiện các nghi lễ. Trong mâm cúng có thịt gà, xôi, rượu. Con gà trong mâm cúng mang ý nghĩa đưa đường người chết qua bao đèo cao, song rộng, suối dài để về mãi quê cha đất tổ ngày xưa. Họ hàng dân làng đến phúng viếng mang theo lương thực, thực phẩ để giúp gia đình làm đám. Ông Lò Di Páo thày cúng(thày mo) ở Lao Chải, Hà Giang, cho biết: Người chết mời thày thì phải có con gà để cúng, ngày chôn không có bò thì phải có con lợn. Khi có người mất, người Lô Lô trong bản đều kéo đến làm giúp nên gia chủ làm cơn mời bà con dân bản. Nghi lễ đám tang diễn ra đơn giản chỉ 2 hôm, sau các nghi lễ linh hồn được đưa lên bàn thờ là hết, chỉ đến rằm tháng bảy hay ngày giỗ mới cúng.
Trong các nghi lễ tang ma, trống đồng là dụng cụ không thể thiếu. Đối với người Lô Lô, trống đồng không chỉ là tài sản quý, mà còn là nhạc cụ sử dụng trong các nghi thức tín ngưỡng. Trống đồng biểu trưng cho linh hồn dân tộc Lô Lô, do vậy chỉ tộc trưởng hay người uy tín trong làng được giữ trống đồng và khi trong họ có người chết mới đem ra sử dụng. Một bộ trống đồng của người Lô Lô gồm 1 trống đực và 1 trống cái. Mỗi nhà giữ một chiếc. Trống cái to hơn trống đực và tiếng vang xa hơn. Người Lô Lô quan niệm rằng có tiếng trống đồng thì hồn người chết mới tìm được đường về với tổ tiên. Anh Lử Dỉ Diếng, dân tộc Lô Lô, cho biết: Bình thường trống đồng được cất giữ bằng cách chôn xuống đất, khi có đám tang mới được đào lên sử dụng. Đi mượn trống phải có con gà đĩa xôi để cúng tổ tiên. Đám tang xong đem đi trả cũng phải có các lễ vật để cúng tạ ơn tổ tiên.
Với quan niệm người chết sẽ bắt đầu một cuộc sống mới ở thế giới khác nên đám ma của người Lô Lô có nhiều lễ thức độc đáo, như hóa trang, nhảy múa, nhào lộn.. Tiếng trống đồng cất lên để gọi linh hồn về. Phụ nữ nhảy múa trong đám tang mặc những bộ trang phục và trang sức đẹp nhất để đưa tiễn người quá cố về với tổ tiên. Trống đồng cũng được gõ đệm nhịp cho các điệu múa nghi lễ dân gian trong các nghi lễ tang ma. Trong các đám tang của người Lô Lô, một việc không thể thiếu là lễ múa ma hay còn gọi là múa người rừng để tiễn hồn người chết về với tổ tiên. Để thực hiện nghi lễ này, gia đình người mất nhờ ít nhất bốn nam thanh niên vào rừng hóa trang thành người rừng, bằng cách lấy cây rừng quấn xung quanh người, chỉ để hở hai con mắt. Nam giới hóa trang phải là người chưa lập gia đình, phải biết những điệu múa của dân tộc và được mọi người gọi là người rừng. Người Lô Lô cho rằng, ngày xưa tổ tiên mình ăn vận như vậy cho nên phải hóa trang đúng thì tổ tiên mới biết mà nhận người chết về sống cùng ở thế giới tổ tiên. Đoàn người múa theo nhịp trống đồng mô phỏng những công đoạn trong sản xuất nông nghiệp như cấy lúa, trồng ngô, bẻ ngô, giã gạo, trồng lanh, dệt vải...
Chiếc trống đồng là dụng cụ không thể thiếu để làm "ma khô".( Nguồn Cảnh sát toàn cầu) |
Nghi thức để tang của người Lô Lô có một số nét khác biệt so với một số dân tộc khác như việc: con trai chỉ để tang bố không để tang mẹ, trong khi, con gái chỉ để tang mẹ, không để tang bố. Cách thức để tang của phụ nữ cũng rất đặc biệt, họ chỉ trùm chiếc áo lên đầu cho đến khi cải táng xong. Cũng có trường hợp con gái để tang mẹ bằng cách cắt một ít tóc cất vào nơi kín đáo, khi nào họ chết sẽ mang tóc đó chôn theo luôn.
Trải qua thời gian, những lễ thức tang ma của người Lô Lô đã thay đổi phù hợp với đời sống mới. Lễ múa ma với cách gọi mới là “múa người rừng” đã được đưa thành màn múa phục vụ khách du lịch khi đến với bản làng người Lô Lô. Điều này góp phần quảng bá phong tục tập quán của người Lô Lô và làm phong phú thêm bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.