Tháng 3 âm lịch hằng năm là thời điểm đồng bào dân tộc Dao tổ chức Tết thanh minh. Đây là một trong những Tết quan trọng của bà con cùng với Tết Nguyên đán và ngày Rằm tháng bảy (Âm lịch).
Dù Tết thanh minh của mỗi nhánh dân tộc Dao có những nét khác nhau, nhưng đều thể hiện việc con cháu tạ ơn, báo hiếu với tổ tiên và bậc sinh thành đã khuất, thông qua việc sửa sang các phần mộ và cúng cầu tổ tiên che chở, phù hộ cho con cháu có một cuộc sống an lành, mùa vụ bội thu.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Để chuẩn bị Tết thanh minh, các gia đình dòng họ người Dao Quần Chẹt (chủ yếu sinh sống ở các tỉnh Tuyên Quang, Hòa Bình, Vĩnh Phúc) tề tựu về nhà thờ Tổ. Trước ngày thanh minh, người đứng đầu dòng họ phải xem ngày tốt, tránh phạm phải những ngày kỵ của dòng họ đó, để tổ chức Tết. Sau khi chọn được ngày thì bắt buộc mời hai thầy cúng khác họ để cúng lên tổ tiên.
Mâm lễ cúng tổ tiên của đồng bào dân tộc Dao trong Tết Thanh minh.
Ảnh: Diễm Quỳnh |
Từng gia đình cũng chuẩn bị các lễ vật đa dạng như rượu, thịt lợn, gà, bánh dày... để cúng dâng tổ tiên. Trên bàn cúng của người Dao Quần Chẹt không thể thiếu hai loại tiền giấy, một là bản giấy trắng tượng trưng cho tiền bạc để chi tiêu, loại thứ hai là tiền giấy màu vàng tượng trưng cho kim loại quý là vàng. Người Dao Quần Chẹt cho rằng các phần mộ tổ cách đây hàng nghìn năm có thể đã thất lạc nhưng vẫn phải thờ, phải tri ân. Do con cháu không còn biết phần mộ ở đâu để đến tảo mộ, nên khi cúng, thầy cúng sẽ cho lượng tiền giấy các phần mộ nhiều hơn so với các lễ cúng khác, để tổ tiên có điều kiện thuê âm binh sửa sang phần mộ.
Ngoài tiền giấy, mỗi phần mộ có một giấy bản to cỡ 3 ngón tay, dài 50-60 cm, tượng trưng cho giấy đóng ngựa (giấy có hình con ngựa để cúng, tiếng dao gọi là “mầu tải tzấy”). Mỗi mộ phần sẽ được hưởng riêng giấy đó và chỉ cúng trong nhà.
Đồng bào Dao sử dụng giấy bản (giấy dó) để làm vàng mã cúng trong lễ Thanh minh. Ảnh: Diễm Quỳnh |
Theo phong tục của người Dao Quần Chẹt, cúng thanh minh là cúng cho toàn bộ những người đã khuất vậy nên cá, tôm trong lễ cúng càng nhiều càng ý nghĩa.
Ông Trịnh Tiến Xuân, ở khu Sơn Nga, xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ, cho biết: "Cúng thanh minh là dịp con cháu của dòng họ đó bày tỏ sự biết ơn, tri ân cho những người đã khuất, do vậy trong vật cúng phải có nhiều tôm, cá thể hiện sự phong phú, đa dạng, nhiều sắc thái của đầu sinh dành cho những người đã khuất. Do vậy, bà con lựa chọn tôm, cá có trong ao, hồ, sông, suối được làm sạch sẽ, chế biến đơn giản, có thể chiên, luộc, nướng rồi bày biện gọn gàng tươm tất là được. Sau khi cúng xong sẽ thành món ngon để con cháu thưởng thức."
Đối với người Dao Khâu ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, ngay từ những ngày đầu tháng ba âm lịch, các gia đình tất bật lo xây, đắp, sửa sang phần mộ cho những người đã khuất. Những người đàn ông Dao thì lo làm giấy cúng, mua những tờ giấy ngũ sắc cắt thành những lá cờ rồi đến ngày tảo mộ, con cháu buộc lên những cành cây, cắm lên trên mộ.Những người phụ nữ Dao thì ủ rượu, đồ xôi, giã bánh dày.
Khi các gia đình đã định ngày đi tảo mộ, thường thì vào đầu tháng ba âm lịch đến hết ngày 22 âm, họ mang theo cuốc, xẻng, dao liềm để cắt cỏ, sửa sang lại các ngôi mộ của tổ tiên thật sạch sẽ, gọn gàng. Sau đó, gia chủ bày các lễ vật cùng bánh lên phần mộ tổ tiên. Tảo mộ xong, họ đi thẳng về nhà, không tạt vào nhà người khác, những mong tổ tiên sẽ luôn phù trợ cho gia đình một năm mọi điều may mắn, sung túc, hạnh phúc.
Theo phong tục của người Dao Khâu, con gái vẫn được thờ cúng bố mẹ đẻ nhưng chỉ thờ một kiếp, còn người con trai thì thờ cúng tổ tiên mãi mãi. Vậy nên cứ vào dịp tết thanh minh, dù ai đi đâu, ở đâu nhưng đến tháng ba âm lịch hằng năm cũng gắng về với gia đình, cùng đi tảo mộ. Anh Chẻo Liều Pao, ở xã Phăng Xô Lin, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, cho biết: "Tháng ba âm lịch là dịp thanh minh của người Dao Khâu. Trong những ngày này là những ngày vui, râm ran tiếng nói cười, không khí ấm cúng đoàn tụ, gia đình lại có dịp quây quần, tưởng nhớ về tổ tiên cội nguồn với tấm lòng thành kính nhất. Thanh minh là một nét đẹp văn hóa mà con cháu luôn giữ tới muôn đời sau."
Trong khi đó, với đồng bảo Dao Tiền khăn trắng, theo truyền thuyết do họ chuyển cư xa nhất nên khi cha mất, họ không kịp về để chịu tang, vì thế người phụ nữ Dao Tiền suốt đời đội trên đầu khăn trắng để chịu tang cha. Đó cũng là lý do người dao Tiền khăn trắng không ra mộ tảo mộ như một số ngành Dao khác trong ngày thanh minh. Theo tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Cán bộ học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, khi chuẩn bị cho thời vụ mới, người Dao Tiền khăn trắng sẽ cảm tạ tổ tiên, cầu mong tổ tiên che chở phù hộ cho mùa màng bội thu, vạn vật tươi tốt, khỏe mạnh.
"Chính vì câu chuyện chịu tang cha cả đời, và câu chuyện không về chịu tang được, nên người Dao Tiền không tảo mộ mà chỉ thờ cúng thanh minh ở nhà. Trong cúng thanh minh thì đều có xôi đỏ đen,có bánh dày là những lễ vật chuyên chở các niềm tin của con người gửi gắm vào thế giới tâm linh cho những người đã khuất. Tết thanh minh còn là câu chuyện lịch tiết, bắt đầu sau thanh minh là trời trong sáng, bắt đầu mưa thuận gió hòa chuẩn bị cho mùa vụ mới bội thu."
Tết thanh minh mang nhiều ý nghĩa như vậy nên đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của cộng đồng người Dao. Dù sinh sống ở đâu, phong tục này luôn được duy trì từ đời này sang đời khác, nhắc nhở con cháu phải luôn tưởng nhớ tới cội nguồn, gắn kết tình thân trong gia đình, làng bản.