(VOV5) - Trong đời sống của người dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều ở miền Tây Quảng Bình thì các làn điệu dân ca, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc đóng một vai trò quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân.
Là dân tộc sống lâu đời trên vùng núi cao ở tỉnh Quảng Bình, người dân Bru - Vân Kiều có nền văn hóa phong phú, đặc biệt đồng bào đã tạo ra nhiều điệu hát, điệu múa, sáng tạo nhiều loại nhạc cụ đặc trưng của cộng đồng dân tộc mình. Hiện nay, đồng bào Bru - Vân Kiều còn lưu giữ được một số loại nhạc cụ như: khèn bè, đàn ta lư, thanh la, chiêng, kèn... Trong đó, phổ biến nhất là cây sáo của bà con Vân Kiều.
|
Tiếng sáo Pi bên dòng thác. Ảnh: Internet |
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Trong đời sống của người dân tộc thiểu số Bru – Vân Kiều ở miền Tây Quảng Bình thì các làn điệu dân ca, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc đóng một vai trò quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân. Người Bru Vân kiều coi trọng các giá trị văn hóa và ở mỗi loại hình nghệ thuật lại có một chủ thể không gian diễn xướng riêng. Có những loại nhạc cụ chỉ được dùng trong các nghi thức cúng lễ, có loại chuyên biểu diễn trong những dịp hội hè, giao duyên. Ở bản Khe Cát, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, già làng Hồ Ai là người còn nắm giữ nhiều nhất những loại hình văn hóa truyền thống độc đáo và đặc sắc của người Bru-Vân Kiều. Ông cũng là người tài hoa nhất trong việc chế tác và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống như: Chiêng, sáo khơ-lui, sáo sui, sáo pi, đàn pơ-lựa, đàn tính-tùng... Già Hồ Ai cho biết: "Sáo Pi làm bằng tre, là loại sáo để thổi trong lễ cúng tế, đặc biệt là lễ cúng cầu hồn. Nó thể hiện sự trang trọng linh thiêng của các thấy mo. Sáo Pi, sáo Sui, chiêng, trống là biểu hiện tín ngưỡng thiêng nên chỉ được dùng trong các nghi thức cúng tế, không được dùng trong các hội hè".
Giữa không gian của núi rừng đại ngàn, âm thanh của tiếng Sáo Pi lúc thì du dương, lúc lại trầm bổng như mở cánh cửa nội tâm của người Bru – Vân Kiều. Tiếng sáo cùng với niềm tin, tính ngưỡng và các giá trị văn hoá khác làm nên sợi dây bền chặt kết nối những người con của núi rừng sinh sống giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.
Trong số các cây sáo của người Bru - Vân Kiều, còn phải kể tới Sáo Khui. Với bà con Vân Kiều, đây là loại sáo để biểu đạt nhân tình thế thái về quan hệ xã hội, dòng tộc, làng bản. Qua tiếng Sáo Khui, người Bru - Vân Kiều như muốn giãi bày những điều thầm kín trong lòng mà chỉ trong các cuộc giao lưu người nghe mới hiểu một cách thấu đáo cái lý và cái tình. Sáo Khui đã tồn tại và gắn bó bao đời nay trong tập quán sinh hoạt của người dân tộc Vân Kiều, được sử dụng rất nhiều trong các lễ hội.
Theo phong tục, chỉ các bậc trung niên Bru - Vân Kiều mới được thổi cây Sáo Khui và cũng chỉ có người đàn ông mới được sử dụng. Ông Hồ Văn Thương, bậc cao niên người Bru - Vân Kiều, kể: "Trước đây, mùa lúa chín, đàn ông phải đi trông coi rẫy. Chẳng biết làm gì, ngồi buồn nên tìm ống nứa khoét lỗ thổi cho vui. Tiếng vang mà lại hay nên cũng đỡ buồn. Từ rẫy này mà nghe được sáo rẫy bên kia, chuyện trò với nhau bằng tiếng sáo".
Để làm được một chiếc Sáo Khui có âm thanh hay phải mất rất nhiều công đoạn. Công đoạn tìm và chặt nứa rất quan trọng. Nứa làm Sáo Khui là những cây nứa già có ống dài, thân lại không quá dày để âm thanh phát ra được hay. Khi đã tìm được cây có thể dùng để làm sáo, người Bru - Vân Kiều ở Quảng Bình còn chọn ngày, thường là ngày trăng sáng, khoảng 15, 16 âm lịch, để chặt cây. Và trước khi chặt, bà con sẽ hò một bài vì họ quan niệm rằng khi hò như vậy, cây sáo làm ra sẽ có âm thanh hay hơn… Người Vân Kiều phơi khô cây nứa trên dàn bếp từ 1 đến 2 tháng rồi mới làm sáo. Người ta dùng dùi sắt nung đỏ để khoét lỗ để tạo âm thanh cho sáo.
Ngoài Sáo Pi, Sáo Khui, người Vân Kiều còn có những loại sáo khác như: Sáo Teril để thanh niên hát giao duyên, Sáo Khơ lui để biểu diễn khi hát hát đám cưới...
Từ nhiều năm qua, bà con Bru - Vân Kiều đã gửi gắm những tư tưởng, tâm hồn, tình cảm của mình qua những lời ca, tiếng hát từ những điệu nhạc truyền thống. Những âm thanh lúc trầm, lúc bổng, lúc thánh thót của các cây sáo, đàn, chiêng, trống... vẫn mãi ngân vang, thể hiện nét văn hóa độc đáo của người Bru - Vân Kiều giữa đại ngàn Trường Sơn.