Tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu có gần 9.000 hộ với 25.700 nhân khẩu thuộc 38 dân tộc thiểu số, chiếm tỷ lệ 2,3% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh chủ yếu là các dân tộc: Hoa, Khmer, Tày, Nùng, Châu ro… sống xen kẽ với đồng bào Kinh ở các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Thành phố Vũng Tàu.
Nhờ sự quan tâm, chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống của chính quyền địa phương, đồng bào các dân tộc trên địa bàn đã từng ngày vươn lên trong cuộc sống, đoàn kết xây dựng quê hương.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
"Nhà nước rất quan tâm đến đồng bào dân tộc, cho nhà, dê, bò, làm đường cho đi…thấy rất là tốt đẹp. Đồng bào chúng tôi cũng cố gắng phát triển làm ăn, nuôi bò, nuôi dê. Quan trọng là phải chịu khó mới phát triển kinh tế được.
Chồng thì làm công nhân, gia đình rất là khó khăn, nhà thì dột chỗ này chỗ kia. Chúng tôi cũng nhận được hỗ trợ từ nhà nước cho tiền, rồi anh em phụ thêm nên xây cho căn nhà, bây giờ đã ổn định."
Trên đây là 1 vài chia sẻ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Xuyên Mộc và Châu Đức, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Đổi thay trong cuộc sống của đồng bào có được từ sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền và sự nỗ lực góp phần của đồng bào dân tộc.
Ảnh minh họa: VOV |
Huyện Châu Đức, có hơn 2.220 hộ với gần 9.500 nhân khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc 13 dân tộc, như: Châu ro, Hoa, Nùng, Khmer, Mường, Tày, Thái, Chăm, H’Mong... Nhiều năm trước, nguồn thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi nhỏ lẻ. Một số hộ không có đất hoặc thiếu đất sản xuất, gặp nhiều khó khăn. Từ khi thực hiện Nghị quyết của tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu về Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển triển kinh tế- xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2022-2025, đến nay, hầu hết các gia đình vùng đồng bào đã có nhà ở kiên cố, sử dụng điện lưới trong sinh hoạt, sản xuất, được hỗ trợ cây, con giống và nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu…
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức, cho biết các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được lồng ghép với các nội dung, tiêu chí xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh trên địa bàn, nên thực hiện hiệu quả.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức. Ảnh: bariavungtau.gov,vn |
Đến nay, cuộc sống của đồng bào dân tộc thay đổi rõ rệt, chất lượng cuộc sống được nâng cao: "Chính quyền phải tiếp tục đeo bám để hỗ trợ đồng bào, vào cuộc cụ thể, đoàn thể nào phụ trách, đơn vị nào, chi bộ nào phụ trách lĩnh vực nào phải cụ thể, phải có trách nhiệm của trưởng làng. Tranh thủ sự hỗ trợ của Già làng, Trưởng bản, những người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số thì ý thức của đồng bào sẽ tiếp tục chuyển biến tích cực. "
Xác định việc thực hiện tốt chính sách dân tộc chính là đẩy nhanh phát triển kinh tế- xã hội, ổn định an ninh chính trị, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã vận dụng đầy đủ các chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước vào thực tiễn địa phương.
Cùng với đó, tỉnh huy động mọi nguồn lực, lồng ghép nguồn vốn các chương trình, đề án, chính sách phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc, ưu tiên đầu tư những vùng đặc biệt khó khăn. Hằng năm, Bà Rịa- Vũng Tàu bố trí trên 200 tỷ đồng (hơn 8,6 triệu USD) để thực hiện hàng trăm công trình dân sinh cho vùng đồng bào dân tộc, như: kiên cố hóa đường giao thông, xây dựng các công trình điện trung thế, hạ thế, thủy lợi... Tỉnh cũng chi gần 25 tỷ đồng (hơn 1 triệu USD) mỗi năm để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số diện hộ nghèo xây mới và sửa chữa nhà cửa ở, lắp đặt điện, nước sinh hoạt, phát triển sản xuất… Đến nay, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu không còn thôn ấp có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là địa bàn đặc biệt khó khăn.
Thay vào đó, vùng có đông đồng bào đều đã đạt chuẩn nông thôn mới, có gần 100% hộ đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng điện lưới quốc gia, sử dụng nguồn nước đảm bảovệ sinh và có nhà ở bán kiên cố trở lên.
Ông Tòng Văn Chiến, ở huyện Xuyên Mộc, chia sẻ: "Điện nước trước đây không có, đường xá đi lại không có, hẹp lắm… bây giờ nhờ nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc chúng tôi rất mừng. Bây giờ đi lại thuận lợi thấy vui sướng lắm, phấn khởi lắm."
Nếu như đầu năm 2016, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có 1.467 hộ đồng bào dân tộc thiểu số diện nghèo thì đến nay chỉ còn 193 hộ. Tỉnh đặt mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững với tỷ lệ kéo giảm từ 4- 5% số hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm. Để đạt được mục tiêu trên, Bà Rịa- Vũng Tàu đang có kế hoạch tiếp tục chi ngân sách 222,5 tỷ đồng (hơn 9 triệu USD) triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển, tập trung vào lĩnh vực: y tế, thủy lợi, văn hóa, giáo dục, giao thông, nhà ở.
Ông Đỗ Đình Quốc, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, cho biết: "Tỉnh rất quan tâm triển khai nhiều chính sách dân tộc. Đến hết năm 2022, cơ bản không còn hộ nghèo chuẩn quốc gia trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đời sống của bà con cũng không ngừng nâng lên, cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, phục vụ đời sống".
Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu giai đoạn 2022-2025 phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đồng bào gấp ít nhất 2 lần so với năm 2020; giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3-5%, đến năm 2025 giảm còn dưới 2% theo chuẩn nghèo mới.