(VOV5) - Người La Ha rất coi trọng lễ cúng cơm mới, một nghi lễ để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, thổ công thổ địa đã phù hộ, đã “trông nom” nương rẫy để có một vụ mùa bội thu.
La Ha dân tộc thiếu số sinh sống chủ yếu ở miền Tây Bắc Việt Nam. Cuộc sống của người La Ha hoàn toàn dựa vào nông nghiệp, từ đó đã hình thành nên một tập quán sinh sống, tín ngưỡng và bản sắc văn hóa gắn liền với quá trình lao động sản xuất và một trong những phong tục độc đáo đó là tục cúng cơm mới.
Người La Ha - Ảnh minh họa
|
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Cũng như một số dân tộc khác, người La Ha rất coi trọng lễ cúng cơm mới, một nghi lễ để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn của con cháu với ông bà, tổ tiên, thổ công thổ địa đã phù hộ, đã “trông nom” nương rẫy để có một vụ mùa bội thu. Mừng cho một năm được mùa, con cháu cũng cầu mong sang năm ông bà, tổ tiên tiếp tục phù hộ cho được mùa bội thu. Ông Quàng Văn Chung, một người con dân tộc La Ha, ở bản Nà Tạy xã Pi Toong, huyện Mường La cho biết: "Đến mùa gặt hái, cây lúa đã chín vàng, gia đình, con cháu vụ này ăn nên làm ra, mùa màng tốt tươi, nên con cháu làm lễ cúng cơm mới mời ông bà tổ tiên đến chung vui cùng con cháu, anh em họ hàng và cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu dồi dào sức khoẻ, làm ăn được như mong muốn”.
Theo ông Lò Văn Đôi, người La Ha ở xã Nặm Ét, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La: Từ nhỏ ông đã được tham gia làm lễ cúng cơm mới cùng gia đình. Khoảng tháng 9, tháng 10 dương lịch khi cây lúa trên nương ngả màu vàng, gia chủ sẽ chọn ngày lành và người mẹ hoặc con dâu trưởng trong nhà sẽ đi cắt lúa mang về làm lễ cơm mới. Thường thì bà con chọn lúa nếp còn xanh để làm cốm. Còn khi lúa chín hơn, bà con cắt về đồ xôi cho hạt thóc nứt rồi đem phơi nắng. Bà con phơi vừa nắng nếu quá nắng đem giã gạo sẽ bị nát, ăn không ngon.
Trước khi lấy lúa trên nương về làm lễ cơm mới, bà con phải làm lễ cúng lúa mới trước. Đồ lễ gồm có một con gà, một con vịt, một con lợn, một chum rượu cần, 2 chai rượu trắng. Ngoài ra còn có xôi và đồ ăn, thức uống phục vụ con cháu đến giúp gia đình thu hoạch lúa. Tất cả đồ cúng được làm chín từ nhà, rồi bà con mang lên nương đặt tại một vị trí nào đó ở góc nương và mời ông mo đến cúng. Ông mo cúng gọi thổ công thổ địa tại nương trồng lúa lên ăn, và cầu mong cho mùa gặt hái bội thu, thóc lúa đầy bồ.
Ngày xưa làm nương lúa, khi lúa trên nương chín vàng, chuẩn bị gặt lúa, gia đình chuẩn bị con gà, con vịt để tế thổ công, tô địa ở nương lúa. Nếu không làm sợ mùa màng sẽ không được như mong muốn. Con gà cúng cho ma nương phù hộ cho mình gặt hái, cúng xong mới được gặt lúa.
Sau khi cúng lúa mới xong, bà con chuẩn bị lễ cúng cơm mới. Mâm lễ gồm một con gà, một chum rượu cần, rượu trắng con cá, măng rau, hoa quả và nông sản phụ do mình làm ra để thờ cúng và báo cáo với tổ tiên mong ông bà, tổ tiên đến chứng kiến, phù hộ cho con cháu.
Trong mâm cúng không thể thiếu “ Na mẫu” tức là cốm làm từ lúa nếp non, “Mạ cong” tức là gạo giã từ thóc xôi chín đem phơi, để cúng tổ tiên. Chuẩn bị xong bà con đặt tất cả lên mâm đặt ngay giữa nhà sàn, ông mo được chủ nhà mời đến làm lễ cúng cơm mới cho gia đình.
Bà con quan niệm khi lúa chín đến mùa thu hoạch, chủ nhà phải là người ăn cơm mới trước, nếu không cây lúa sẽ không tốt và sẽ không được mùa. Ông Lò Văn Đôi ở xã Nặm Ét huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết thêm: "Tục cúng cơm mới đến nay gia đình tôi vẫn giữ, lúa nếp chín, người mẹ hoặc con dâu cả trong nhà có trách nhiệm đi gặt lúa về làm cơm mới. Mời ông bà, tổ tiên đến ăn và báo cáo với tổ tiên là con cháu sẽ thu hoạch lúa về...".
Ngày nay, do diện tích nương rẫy thu hẹp, bà con La Ha ở Sơn La không còn duy trì lễ cúng lúa mới trên nương, chỉ thực hiện nghi lễ cúng cơm mới. Nghi lễ này không chỉ giới hạn trong gia đình, mà bà con con mời anh em họ hàng, thông gia, bạn bè đến chung vui, thắt thặt tình đoàn kết, xây dựng bản mường ấm no, hạnh phúc.