(VOV5) - Miếng vải đỏ treo trên ngọn cây nêu xua đuổi ma quỷ, tượng trưng cho nhiều màu sắc trong cuộc sống của dân tộc Mường.
Hằng năm, khi hoa đào điểm tô sắc hồng, hoa mơ phủ trắng khắp núi rừng phía Bắc, là lúc báo hiệu một mùa xuân mới đang đến. Thời điểm này, bà con người Mường ở Thanh Hóa đã thu hoạch xong mùa màng và nghỉ ngơi chờ mùa gieo hạt mới… Đây cũng là lúc bà con tạm gác công việc để chuẩn bị đón Tết năm mới và dựng Nêu chính là việc quan trọng đầu tiên với bản người Mường.
Nghe âm thanh phóng sự tại đây:
Đồng bào dân tộc Mường ở Thanh Hóa truyền cho con cháu rằng xa xưa, tổ tiên người Mường đã biết nương tựa vào thiên nhiên, sống hòa hợp cùng thiên nhiên để tìm đất cấy trồng, gieo hạt, làm nên cái ăn cái mặc; biết tìm lửa làm nên bếp, tìm cột để dựng nhà, tìm rượu khi vui buồn có bạn; tìm lời hay kết thành câu hát cho nên lửa nên đôi, nên Mường nên bạn. Ghen tức con người, ma quỷ đã về phá hoại mùa màng, gây lũ lụt, hạn hán.
Cây nêu được dựng lên cao vút giao thoa cùng Trời và Đất. Ảnh:suckhoe&doisong |
Thương bà con chịu nhiều khổ, Mẹ Vua, mà bà con đất Mường hay gọi là Phật của người Mường, đã tập hợp dân bản, tìm cách đánh đuổi lũ quỷ mà ác độc. Theo phép của mẹ vua, dân Mường cắm cây Nêu đánh dấu lãnh thổ để giữ đất giữ Mường. Trên mỗi ngọn cây Nêu để treo áo của Phật và bóng chiếc áo tỏa đến đâu là đất của Phật dành cho loài người sinh sống.
Từ đó, hằng năm cứ vào ngày 28 tháng chạp (tháng 12 Âm lịch), người Mường lại làm lễ lên nêu để ghi nhớ công ơn của mẹ vua, và để xua đi cái xấu của năm cũ và đón cái tốt lành trong năm mới. Anh Phạm Văn Thống, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, và ông Bùi Hồng Nhi, ở xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Cứ đến dịp cuối năm, chuẩn bị đến Tết âm lịch, khoảng 25-26 tháng Chạp, bà con nhân dân sẽ đi tảo mộ và sau đó là dựng cây nêu để báo hiệu cho tổ tiên, báo hiệu cho anh, em, làng xóm, bà con nhân dân, biết để cùng về chung vui với gia đình, quê hương.
Miếng vải đỏ treo trên ngọn cây nêu xua đuổi ma quỷ, tượng trưng cho nhiều màu sắc trong cuộc sống của dân tộc Mường. "Từ khi sử thi đẻ đất, đẻ nước sinh ra đất Mường, bản thân người Mường đã có cây Nêu để khẳng định chủ quyền, khẳng định đây là đất của mình. Từ đó, khi Tết đến, Xuân về thì người Mường dựng cây Nêu để xua đuổi những tàn ác quỷ để thông tin cho tổ tiên biết là chuẩn bị Tết rồi. Xin mời tổ tiên về để ăn Tết cùng với con cháu."
Người Mường khi làm lễ dựng cây Nêu luôn có cả cộng đồng cùng tham gia. Ảnh Báo Sức khỏe và đời sống |
Với người Mường có cây Nêu là có Tết, là lời hiệu triệu anh em gần, xa về vui Tết với gia đình. Cứ 25 tháng chạp, bà con cử người vào rừng chọn những cây tre lồ ô thật đẹp về làm Nêu.
Bà Phạm Thị Bảo, người Mường ở xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: "Trước khi làm thì dân làng phải cứ một người đàn ông làm ăn giỏi, con cái đầy đủ, giỏi giang… để đi tìm cây về làm Nêu cho bản làng. Chọn như vậy để cả năm dân làng được ăn nên làm ra, gặp nhiều may mắn. Cây Nêu cao từ 7-9 mét. Dựng cây Nêu xong thì cúng cầu trời, cầu đất, cho thuận buồm xuôi gió; thuận nắng, thuận mưa, cho dân làng khỏe mạnh để làm ăn phát đạt, phát tài. Đầu của cây Nêu phải có lá, có cành, xum xuê và buộc các dải bằng vải tượng trưng cho 4 mùa tốt tươi."
Ông Bùi Hồng Nhi, ở xã Ngọc Sơn, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Ngọn Nêu được buộc dây vải 4 màu xanh, đỏ, tím, vàng tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông: "Đồng bào Mường đan một cái rổ hay còn gọi là “cao rao” tượng trưng cho mặt trời, mặt trăng, để treo trên cây Nêu. Và có những dây vải xanh, đỏ, tím, vàng, để xua đuổi tà ma và để báo hiệu cho tổ tiên biết đây là ngày Tết, mời tổ tiên về để vui Tết cùng con cháu."
Anh Bùi Văn Thọ, Cán bộ Trung tâm văn hóa điện ảnh tỉnh Thanh Hóa, cho biết trong lễ dựng cây Nêu, nam, nữ thanh niên sẽ cùng tắm cho cây và mời “Bà máy”, người phụ nữ có uy tín nhất trong làng, đến làm lễ cho cây Nêu: "Sau khi cây Nêu được dựng, bà con sẽ làm lễ cúng và xin trời đất chứng giám. Sau đó, tiếng cồng chiêng nổi lên và mọi người cùng hòa vào âm thanh của cồng chiêng và múa, hát để cùng chào mừng 1 năm mới, cầu mong cho 1 năm mạnh khỏe, xua đuổi tà ma và đem lại sự no ấm."
Người Mường khi làm lễ dựng cây Nêu luôn có cả cộng đồng cùng tham gia. Khi xưa, dân bản phải tập trung dựng cây Nêu ở nhà trưởng bản trước rồi mới được lên Nêu ở nhà mình. Ngày nay, bà con dựng cây Nêu tại Nhà văn hóa để già, trẻ, gái, trai cùng tụ hội, vui chơi. Bà Phạm Thị Bảo cho biết thêm: "Làng quê tôi vẫn được gìn giữ từ xưa đến nay. Ngoài dịp Tết, hằng năm vào tháng giêng (tháng 1 Âm lịch), tháng 3, tháng 7 và dịp lễ hội lại dựng cây Nêu ở đầu làng hay trung tâm làng. Đồng bào Mường đặt rất nhiều niềm tin, dựng cây Nêu ở đâu là ma quỷ đã được xua đuổi."
Tết của người Mường bắt đầu khi dựng xong cây Nêu và từ đây bản làng rộng tiếng chiêng, trống đón màu Xuân mới. Đồng bào tin tưởng, gửi gắm vào cây Nêu những ước vọng bắt đầu 1 năm với những điều tốt đẹp và cùng vui đón Xuân sang.