(VOV5) - Con gái dân tộc Nùng, ngay từ khi còn bé đã được bà, được mẹ dạy cho cách trồng bông, dệt vải, thêu lanh, se sợi.
Theo phong tục truyền thống của dân tộc Nùng, con gái lớn trong nhà mà không biết dệt vải, khâu áo, may váy thì cũng không dễ lấy được chồng. Phong tục này ngày nay vẫn được đồng bào dân tộc Nùng nhiều nơi duy trì nhằm gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc mình.
|
Một người Nùng ở Lạng Sơn bên tấm thổ cẩm theo nhiều hoa văn hình hoa lá, mặt trời. Ảnh:vnexpress.net |
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Việc may, thêu thùa lên các bộ trang phục được phụ nữ Nùng rất coi trọng. Nhìn vào đường kim, mũi chỉ là có thể biết được cô gái đó có khéo léo đảm đang hay không. Khi về nhà chồng, các cô gái Nùng mang theo chăn gối tự làm , coi đó là “của hồi môn” cho hạnh phúc lứa đôi. Tất cả các trang phục, hoạt tiết hoa văn trang trí đều được thêu tay trên nền vải chàm truyền thống. Dù có sự phân nhánh ở các địa phương khác nhau, nhưng phần lớn người dân tộc Nùng đều tự may trang phục cho mình. Bà Nông Thị Hoa, dân tộc Nùng ở huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, cho biết: “Trước đây theo truyền thống, người dân tự trồng bông, đến mùa thu hoạch thì đem về phơi khô rồi mang ra se sợi rồi dệt vải. Mọi công việc đều do phụ nữ làm. Giờ thì ngoài chợ người ta bán nhiều chỉ, nên mua về để dệt. Nhưng để làm vải chàm mất nhiều công lắm”.
Người Nùng ở miền núi phía Bắc thường dệt vải Diềm bâu nhuộm lá chàm để may trang phục. Tuy nhiên mỗi chi nhánh người Nùng lại có cách may, trang trí thêm bớt các hoạ tiết, tạo nên những nét riêng trên các bộ trang phục. Sau khi dệt vải trên khung gỗ, người Nùng thu hái cây chàm về ngâm vào chum nước, sau đó hòa ít vôi, nhân hạt đào phai giã nát tạo thành thứ dung dịch hỗn hợp màu xanh lam đậm, khi ngâm vải vào để tạo ra vải màu chàm ưng ý.
Nếu công đoạn làm vải chàm cầu kỳ, tốn nhiều công sức thì công đoạn may, thêu thùa trên các bộ trang phục cũng đòi hỏi kỹ thuật cầu kỳ, tỉ mỉ. Thông thường phụ nữ nhóm Nùng Phàn Slình khi thêu không sử dụng khung thêu. Người nào thêu càng chắc tay, thì màu thêu càng bền, thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. Những hoạ tiết mà phụ nữ Nùng thích thêu lên các bộ trang phục và các tấm vải trang trí là những hình lá, mặt trời. Hoạ tiết thổ cẩm được thêu nhiều màu chỉ và thêu riêng thành từng màu. Bởi vậy các bộ trang phục thêu thường trông đơn giản, nhưng vẫn thể hiện sự tinh tế. Trên những chiếc áo chàm, những chiếc khuy cái áo luôn được làm thủ công và cũng là công đoạn mất nhiều thời gian nhất. Thường phải tốn 3 ngày mới xong hàng khuy đều đặn và đẹp mắt. Phần lớn những chiếc vỏ gối, khăn cũng được thêu hoạ tiết trang trí, đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ. Một vuông vải chàm có thể may váy, may áo, làm mặt gối, mặt chăn, làm khăn đội đầu. Có lẽ bởi vậy, các bộ trang phục của dân tộc Nùng trông giản dị nhưng trang nhã, làm tôn vẻ đẹp của người phụ nữ. Hoạ sỹ Đào Thị Tuyến, có sở thích sưu tập trang phục các dân tộc, cho biết: “Không biết từ bao giờ, vải chàm đã tạo nên nét duyên dáng trong trang phục của người con gái dân tộc Nùng, làm thăng hoa hương sắc thổ cẩm. Những họa tiết thổ cẩm với sắc màu rực rỡ, được khéo léo thêu trên nền sắc chàm dung dị đã tạo nên cái “hồn” của mỗi trang phục, mà chỉ cần nhìn vào vuông vải cũng có thể nhận ra được nét tinh hoa văn hóa của từng nhóm dân tộc, từng vùng miền”.
Ông Lương Văn Thiết cán bộ nghiên cứu văn hóa tộc Nùng thuộc Bảo tàng Dân tộc học Việt nam cho biết: Từ ngày mở cửa hội nhập hàng hoá phong phú từ các nước đưa vào thị trường Việt nam, thanh niên dân tộc nói chung, trong đó có dân tộc Nùng đã dần thay thế bộ quần áo truyền thống bằng các loại quần áo thời trang hiện đại. Trước xu thế nghề dệt vải, may trang phục truyền thống có nguy cơ mai một, bà con dân tộc Nùng ở tỉnh Lạng Sơn đã lập ra các câu lạc bộ, những xưởng làm nghề may trang phục truyền thống bán cho khách du lịch và đây cũng là cách bà con dân tộc Nùng giữ lại bản sắc truyền thống của dân tộc mình.