Văn hóa tín ngưỡng của người Khơ Mú

(VOV5) - Cũng như nhiều dân tộc khác, việc thờ cúng tổ tiên của người Khơ Mú là phong tục không thể thiếu.


Người Khơ Mú ở Việt Nam có rất nhiều lễ hội như: lễ cúng ma bản, cúng tổ tiên, lễ đón mẹ lúa,cúng cầu mùa, lễ hội mừng măng mọc. Trong đó, lễ cúng tổ tiên và cúng cầu mùa được coi là những phong tục mang đậm nét sinh hoạt văn hóa hấp dẫn trong tín ngưỡng của người Khơ Mú.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:



Cũng như nhiều dân tộc khác, việc thờ cúng tổ tiên của người Khơ Mú là phong tục không thể thiếu. Trong đó, các nghi lễ thờ cúng tổ tiên trong dịp lễ Tết thể hiện nét văn hóa độc đáo của đồng bào. Do những điều kiện giao thoa với các nền văn hóa các dân tộc khác, nhà sàn của người Khơ Mú gần giống với nhà sàn của người dân tộc Thái. Tuy nhiên vẫn có nét khác biệt, đó là nơi thờ phụng trong ngôi nhà. Dù là nhà có 3 hay 5 gian thì gian đầu hồi luôn dùng để dành riêng để thờ tổ tiên ông bà, gọi là nơi thờ ma nhà. Khu vực thứ hai là bếp để thờ ma bếp. Nơi thờ ma bếp cũng là nơi nấu ăn, nấu cỗ cúng, nấu thức ăn hàng ngày, nơi gia đình ăn uống, tiếp anh em, khách mỗi khi có sự kiện quan trọng.


Văn hóa tín ngưỡng của người Khơ Mú - ảnh 1
Bàn thờ của người Khơ-mú. Ảnh: vov4.vov.vn



Nhìn chung, việc thờ cúng của người Khơ Mú  là nhằm cầu mong cho mọi điều lành, nhưng theo quan niệm tín ngưỡng của đồng bào đôi khi các ma, các thần giận giữ cũng có thể gây tại họa, vì thế người Khơ Mú tổ chức nghi lễ cúng còn để bày tỏ sự tôn kính và thể hiện mong ước của mình. Ông Lương Văn Bình dân tộc Khơ Mú cho biết: Việc thờ cúng để cầu cho con cháu, gia đình mạnh khỏe không gặp hoạn nạn, rủi ro, gặp những cái đáng lo, đáng ngại. Thường thường năm mới cúng 2 con gà để kinh báo tổ tiên để sang năm mới ông bà phù hộ cho


Theo tập quán của người Khơ Mú, để làm lễ cúng cho ngày Tết, nhà nào cũng phải có 2 con gà , một con để cúng tiễn năm cũ, kính cáo với tổ tiên về tình hình nhà cửa, con cái của gia chủ trong năm qua. Một con gà khác dùng để cúng đón năm mới, cầu một năm mạnh khỏe, làm ăn phát đạt.. Khi làm lễ tất cả mọi người trong gia đình phải có mặt đầy đủ. Theo phong tục, người ta bôi một chút máu gà lên đầu gối mỗi người với ý nghĩa cầu xin cho mọi người được bình an mạnh khỏe, học hành, làm ăn phát đạt. Trong lễ cúng dịp cuối năm, người Khơ Mú cũng chuẩn bị hai vò rượu cần để tiễn năm cũ, đón năm mới. Trong quan niện của người Khơ Mú, ngày Tết là ngày gặp gỡ. Khu vực thờ phụng trong nhà chính là nơi các vị tiên tổ nối tới con cháu bằng tâm linh giao cảm. Phong tục thờ cúng của người Khơ Mú  là dịp con cháu bày tỏ sự hiếu nghĩa, biết ơn tiên tổ, làng bản, gia đình.


Ông Lữ Văn Hợi, dân tộc Khơ Mú cho biết: Khi mà mình sinh ra, bố mẹ dặn phải làm lễ cúng thì đừng có bỏ phong tục này, phải làm theo. Nếu không làm theo thì bố mẹ phạt, trời phạt …Phong tục này có từ lâu đời rồi, cứ một năm làm một lần làm lễ cúng vào dịp cuối năm. Làm lễ cúng này để bỏ năm cũ đón năm mới.

Văn hóa tín ngưỡng của người Khơ Mú - ảnh 2
Lễ hội cầu mùa. Ảnh: cvdvn.net



Ngoài thờ cúng tổ tiên, dòng họ và ma bếp trong nhà, người Khơ Mú còn cúng một số thần và ma khác  như: cúng thần núi, thần rừng, thần khe suối để có nước làm ruộng, có gỗ làm nhà. Cúng ma rẫy để cầu mùa màng tốt tươi . Cúng ma để xua đuổi bệnh tật, cúng ma cho người đi xa gặp nhiều may mắn…


Trong các nghi lễ cầu cúng, lễ hội cúng cầu mùa của người Khơ Mú mang giá trị văn hóa phi vật thể độc đáo. Cũng như nhiều dân tộc anh em khác, người Khơ Mú quan niệm, vạn vật có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như trời, đất, nương, rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống và sản xuất của con người. Lễ hội cung cầu mùa phản ánh niềm tin vào các thế lực siêu nhiên của người Khơ Mú thuở sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp. Lễ hội cung cầu mùa  gồm 5 phần: phần lễ cúng ma nhà, tổ tiên - rượu cần; phần lễ tôn vinh cây lúa cây khoai sọ; phần lễ cầu mưa; lễ chọc lỗ tra hạt; cuối cùng là các trò chơi dân gian mừng lễ hội... Trong phần lễ thường có các tiết mục múa tra hạt (tiếng Khơ Mú gọi là “Tẹ chư moi”), múa đao, múa đuổi chim, múa Cá lượn (Tẹ cạ grang), thổi Pilưmblang, nhạc cụ độc đáo của dân tộc Khơ Mú được thổi theo giọng tơm, múa mừng lúa mới; lễ hội cầu mưa; lễ chọc lỗ, tra hạt. Sau phần lễ là các trò chơi dân gian dân tộc. Lễ hội cúng cầu mùa là nghi thức để nhớ ơn người xưa đã biết tìm cây lúa, cây hoa màu và thể hiện quan niệm cây lúa cây hoa màu cũng có hồn, có thần. Lễ hội được tổ chức uy nghiêm, trang trọng phản ánh niềm tin của đồng bào vào thiên nhiên, trời, đất, nương rẫy đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống đầy đủ. 


Những phong tục tín ngưỡng của người Khơ Mú mang đậm ý nghĩa triết lý sâu sắc. Đó là tôn trọng, bảo vệ thiên nhiên, biết ơn công lao của ông bà tổ tiên gây dựng cuộc sống, để từ đây nét đẹp văn hóa tinh thần của người Khơ Mú sẽ được phát huy trong đời sống mới.

Tin liên quan

Phản hồi

Các tin/bài khác