Văn hóa truyền thống của người Kinh

(VOV5) - Trong nền văn hóa phong phú và đa dạng của các dân tộc Việt Nam, văn hóa của người Kinh có những nét đặc sắc trong sinh hoạt, tín ngưỡng, hội hè... Phóng viên VOV5 mời quý vị tham quan khu trưng bày giới thiệu về người Việt tại Bảo tàng Dân tộc học.


Văn hóa truyền thống của người Kinh - ảnh 1


Nghe âm thanh tại đây:



Khu vực giới thiệu người Việt tại Bảo tàng Dân tộc học chỉ là gian trưng bày chừng 20m2 tại bảo tàng Dân tộc học. Với không gian nhỏ nhưng cách sắp xếp khéo léo, cô đọng của những người làm bảo tàng cũng đủ giới thiệu cho du khách khái quát về một dân tộc chiếm số đông trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chị Hoàng Minh Nguyệt, cán bộ phòng Giáo dục, Bảo tàng dân tộc học giới thiệu: “Nói đến người Việt là nói đến văn minh lúa nước, văn minh xóm làng. Với người Việt làng là đơn vị hành chính, cũng là trung tâm văn hóa kinh tế, chính trị xã hội”.


Văn hóa truyền thống của người Kinh - ảnh 2
Với người Việt làng là đơn vị hành chính, cũng là trung tâm văn hóa kinh tế, chính trị xã hội

Từ xa xưa, người Việt sớm tụ cư trong các Làng hay còn gọi là Chạ. Làng là một từ Nôm dùng để chỉ đơn vị tụ cư truyền thống của người Việt ở nông thôn, có địa giới xác định, có đường làng, ngõ xóm, các công trình thờ cúng riêng. Mỗi làng Việt thường có 2 tên. Tên Nôm hay tên Việt cố thường gắn với từ Kẻ, đi kèm với một từ Nôm khác, thường khó xác định chính xác ngữ nghĩa như Kẻ Noi, Kẻ Gối, kẻ Ngà... được dùng trong giao tiếp hàng ngày. Tên chữ hay tên Hán - Việt dùng trong văn bản hành chính, được phiên âm từ tên Nôm như Kẻ Noi là Cổ Nhuế, Kẻ Gối là Tân Hội, Kẻ Ngà là Miêu Nha. Các làng của người Việt thường nằm ở vùng đất thấp,  gần sông suối. Chính vì thế mà nghề truyền thống của người Việt là trồng lúa nước và đánh bắt cá. Chị Hoàng Minh Nguyệt cho biết: “Việt Nam với điều kiện địa hình rất thuận lợi, hơn 3000km bờ biển. Có nhiều kênh ngòi, kênh rạch, vì thế nghề đánh bắt cá rất phát triển. Kéo theo đó, nghề sản xuất những ngư cụ cũng phát triển theo. Đó là những chiếc đó dùng để bắt cá. Dụng cụ đánh bắt này có ở hầu hết các vùng miền của người Việt, đặc biệt là vùng gần sông suối. Ngoài ra còn có những dụng cụ bắt cua, lươn”.


Văn hóa truyền thống của người Kinh - ảnh 3
Những chiếc đó dùng để bắt cá

Cùng với các dụng cụ đánh bắt cá, bảo tàng cũng dành không gian để giới thiệu về các nghề thủ công truyền thống của người Việt như nghề làm nón, nghề đúc đồng, nghề gốm, nghề sơn mài.

Văn hóa truyền thống của người Kinh - ảnh 4
Khu giới thiệu Làng Chuông với nghề làm nón

Nhà ở của người Việt được bố trí hài hòa với khung cảnh tự nhiên và chú trọng tới các  yếu tố của điều kiện thiên nhiên như thế đất, thế nước của từng vùng. Vùng trung du khác với đồng bằng và vùng ven biển, đồng chiêm lại khác nhau. Tùy từng vùng mà người Việt dựng cho mình một ngôi nhà phù hợp nhưng vẫn mang những nét giống nhau. Chị Vũ Thị Thanh Tâm, cán bộ phòng nghiên cứu sưu tầm ban Văn hóa VN, Bảo tàng Dân tộc học, cho biết: “Thông thường nhà của người Việt có nhà chính, nhà ngang, nhà bếp, có nơi chăn nuôi gia súc, có một khu vườn, và chiếc sân rộng. Riêng ngôi nhà Việt ở bảo tàng có chiếc sân rộng vì đây là gia đình giàu có vì họ dùng sân để phơi thóc. Tại bảo tàng cũng đã xây dựng một khu vườn thuốc nam. Ở các khu nhà việt người dân thường trồng cây thuốc vừa làm rau ăn, vừa làm thuốc. Tại đây có xây dựng một bể nước mưa. Bể nước này lấy nước từ mái nhà theo ống luồng dẫn nước đi vào bể”.


Văn hóa truyền thống của người Kinh - ảnh 5
Bàn thờ gia tiên của người Việt

Trong mỗi ngôi nhà của người Việt thì gian chính thường được đặt bàn thờ gia tiên. Đây cũng là một tín ngưỡng thờ cúng độc đáo của người Việt. Chị Nguyệt giới thiệu về ban thờ của một gia đình trưởng họ: “Phía trong cùng có ngai. Ngai để sắc phong, nếu gia đình ai được vua ban thì sẽ để đó. Phía giữa để đĩa hoa quả. Phía bên ngoài để các lễ vật khác. Trên ban thờ người Việt bao giờ cũng hội tụ 5 yếu tố. Kim mộc thủy hỏa thổ. Chiếc lư hương tượng trưng cho hành kim, đồ gỗ tượng trưng cho hành mộc, nước và rượu tượng trưng cho hành thủy, đèn nến tượng trưng cho hành hỏa, lọ lục bình, bát hương tượng trưng cho hành thổ”.


Trong không gian trưng bày của bảo tàng, giới thiệu tới du khách về tục thờ mẫu của người Việt. Mẫu là mẹ. Người mẹ có vai trò rất quan trọng trong mỗi gia đình VN. Ba bức tượng được trưng bày ở đây tượng trưng cho 3 vị mẫu cai quản 3 vùng miền khác nhau. Mẫu ở giữa là Thiên Tiên là cai quản vùng trời, mẫu bên trái là Thượng Ngàn cai quản vùng rừng núi, mẫu bên phải là Thoải cai quản vùng đất và nước.


Trong tín ngưỡng tâm linh, người Việt tin rằng có thể giao tiếp với thần linh, thông qua một người trung gian là các ông đồng hoặc bà đồng. Họ cũng chính là những người tạo ra nghệ thuật hát chầu văn rất độc đáo. Mục đích của buổi lên đồng là nhằm cầu mong cho cộng đồng một cuộc sống ấm no hạnh phúc./.
Tin liên quan

Phản hồi

Lan anh

Quá hay

Đinh Quang Tuấn

Hay quá! Rất cảm ơn những người đã làm bài thuyết minh này

Trần Thu Hà

Hay quá!Rất có ích ạ!

phan thu

tks anh chi nhiều lắm! nhờ anh chị mà em làm được bài tập của mình.

phan thanh

hay quá! tks nhiều nha.

Các tin/bài khác