(VOV5) - Cùng với các dân tộc anh em sống trên dãy Trường Sơn hùng vỹ, đồng bào người Cor sống ở các huyện vùng cao tỉnh Quảng Ngãi cũng tưng bừng chào đón xuân sang.
Nhiều nhà ăn Tết to hơn mọi năm bởi lúa rẫy được mùa. Những ngày đầu xuân mới này, mời quí vị và các bạn cùng phóng viên Vinh Thông du xuân ở huyện miền núi Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi, nơi có đông người Cor sinh sống. Trước Tết Nguyên Đán, đồng bào Cor ở các huyện miền núi Trà Bồng, Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, vùng núi Trà My, tỉnh Quảng Nam và các khu vực lân cận tổ chức ăn Tết Ngã rạ truyền thống.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Khoảng cuối tháng 10, đầu tháng 11 Âm lịch hàng năm, khi cây lúa trên rẫy chín vàng, ngào ngạt hương thơm, các gia đình người Cor bắt đầu thu hoạch. Lúa, nếp gặt xong được bà con cất giữ trong nhà. Kết thúc vụ mùa, dân làng họp lại và định ngày tổ chức Tết Ngã rạ để tạ ơn ông bà tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho dân làng. Lễ Tết Ngả rạ (saaniq) gồm hai phần chính là lễ và hội.
Ngày đầu tiên, dân làng rủ nhau đi lấy lúa thiêng trên rẫy về làm lễ cúng thần. Già làng là người đi lấy lúa thiêng đầu tiên, sau đó các gia đình khác trong thôn, bản lần lượt lên rẫy lấy lúa thiêng... Buổi chiều, các chị, các mẹ quây quần bên nhau giã gạo nếp làm bánh lá đót, bánh lá tốp. Vừa làm, họ cùng nhau hát những làn điệu dân ca của dân tộc mình. Cánh trai tráng, đàn ông trong làng thì đan vỉ tre để bày lễ vật cúng. Không khí lễ hội rộn ràng, kéo dài thâu đêm suốt sáng. Chị Hồ Thị Lan, ở xã Già Giang huyện Trà Bồng phấn khởi: "Hôm nay bà con đi rẫy tranh thủ về ăn cơm sớm rồi lên làm bánh. Mọi người tập trung gói bánh chuẩn bị ngày mai làm lễ ăn Tết Ngã rạ."
Dân làng Thọ An thực hiện nghi thức cúng trời đất, thần linh nhân Tết Ngã rạ của đồng bào dân tộc Cor. Ảnh Thanh Tùng |
Ngày thứ hai, từ sáng tinh mơ, mọi người trong làng tất bật chuẩn bị lễ cúng. Đầu tiên là lễ cúng Nữ thần diễn ra vào 4 giờ sáng với lễ vật gồm chim, thú rừng, trầu rượu… được bày trên lá chuối rừng. Tiếp đến là Lễ cúng Nam thần với vật cúng là heo, gà còn sống. Cúng xong, vật cúng được đem đi giết mổ, luộc chín để làm lễ cúng tổng thể diễn ra sau đó với nghi lễ cúng các thần linh, ông bà, tổ tiên... Sau khi cúng xong, chủ nhà lấy lễ vật đã cúng cho người nhà ăn phép, mời bà con dân làng đến cùng nhau ăn uống, chúc nhau nhiều may mắn. Tối đến, các gia đình tập trung về nhà già làng để làm lễ cúng ma Ga-ru, người Cor gọi là “cúng đổi ma”. Các gia chủ mang theo các loại bánh trái và chân gà đã cúng của gia đình mình đến nhờ già làng xem quẻ tốt, xấu. Già làng sẽ cúng cầu xin thần linh phù hộ cho dân làng bội thu trong vụ mùa sau. Nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên cho biết: Sau nghi lễ Tết Ngã rạ mọi người đi dạo quanh làng, bản, đến từng nhà thăm hỏi, chúc tụng nhau, đôi khi còn được gia chủ mời dùng cơm lúa mới…
"Trong một mùa lao động, người ta sản xuất, làm lúa xong đâu vào đó rồi là người ta Ngã rạ. Ngã rạ là truyền thống gốc của người Cor. Cầu cho một năm mới an lành, sản xuất phát đạt hơn năm cũ." Kết thúc phần lễ, già trẻ, trai gái người Cor trong trang phục truyền thống đắm chìm trong không gian rộn ràng của ngày hội Tết Ngã rạ. Tất cả quây quần bên cây nêu cao vút, dựng giữa sân làng. Dân làng cùng nhau nhảy múa, hòa nhịp cùng tiếng trống, tiếng chiên rộn vang khắp núi rừng. Trai, gái trong làng ngân nga các làn điệu dân ca Xà ru, A giới. Xen kẽ trong phần hội của Tết Ngã rạ, là những cuộc tranh tài đẩy gậy, bắn nỏ, đấu chiêng... Màn đấu chiêng diễn ra sau cùng với phần so tài của chàng trai trẻ trong làng. Đến ngày cuối cùng của Tết Ngã rạ, người dân cùng nhau đi lao động phép trên nương, rẫy; ươm, tỉa những hạt giống đầu tiên trên đất mới, khởi đầu một năm mới với bao kỳ vọng về một vụ mùa no đủ.
Sản vật địa phương cúng tượng trưng cho trời đất, thổ thần… |
Nghi lễ của người Cor rất chú trọng đến phần nghi lễ mang nét riêng của từng địa phương, trong đó chú trọng đến tính nguyên khai của các vật cúng, lễ cúng… Ông Cao Văn Chư, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Địa phương đang nỗ lực bảo tồn văn hóa người Cor và các dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Một số lễ hội và cách thức tổ chức của dân tộc Cor, người ta cũng đã thay đổi. Đây là điều quan tâm của chính quyền địa phương và ngành văn hóa. Chúng ta làm thế nào có sự tiếp biến nhưng cái hồn cốt, của một dân tộc phải được thể hiện trong các lễ thức. Hiện tại, một điều chúng tôi băn khoăn nhất là phục dựng một ngôi nhà ở cổ truyền của người Cor. Bởi vì cái nhà ở chính là không gian văn hóa của một dân tộc, tất cả các lễ thức đều được thực hiện ở đây. Thế nhưng, đối với dân tộc Cor, nhà ở cổ truyền đã không được dựng 30, 40 năm nay rồi, trên toàn địa hạt. Chúng ta phục dựng ngôi nhà của người Cor để các thế hệ tiếp theo có không gian sinh hoạt để họ hiểu được tổ tiên của mình và nền văn hóa của dân tộc phong phú như thế nào.
Cũng như các dân tộc sống ở khu vực Trường Sơn - Tây Nguyên, Lễ Ngã rạ, Lễ Saaniq của người Cor phản ánh tín ngưỡng thờ Thần Lúa. Đây là nét văn hóa độc đáo của người Cor. Đây còn là dịp cháu con, dân làng quây quần bên nhau, truyền cho nhau ngọn lửa, cùng gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.