(VOV5) - Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 được khởi động từ tháng 10 năm ngoái với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo.
Sáng nay (8/9), 12 giải pháp xuất sắc nhất đại diện cho 12 hạng mục giải thưởng có khả năng thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp tham gia Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023, được Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) phối hợp với Tập đoàn Meta vinh danh, tại Hà Nội. Đây là 1 trong những hoạt động hiện thực hóa “Sáng kiến Đổi mới sáng tạo Việt Nam” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng các sáng kiến được trao giải hôm nay là kết quả tích cực, thể hiện sự quan tâm của cộng đồng công nghệ đối với những vấn đề, thách thức lớn của xã hội. Điều này cho thấy nguồn lực trí tuệ và năng lực sáng tạo của người Việt là rất lớn và đáng tự hào: Việt Nam đang chủ trương cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát huy nguồn lực của con người Việt Nam. Hội đồng chuyên gia đã đánh giá hết sức công tâm, các giải pháp có hướng tiếp cận tổng thể, bền vững, hiệu quả trong thực thi và có lộ trình cho việc triển khai dài hạn. Đổi mới sáng tạo rất cần sự chung tay, đồng lòng của toàn xã hội. Tôi đề nghị cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, đưa vào sử dụng các giải pháp tiêu biểu được công bố hôm nay. Đây thực sự là các giải pháp phục vụ cho người Việt và xử lý các vấn đề rất cụ thể của doanh nghiệp và thị trường Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: VOV |
Chương trình Thách thức Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023 được khởi động từ tháng 10 năm ngoái với mục tiêu tìm kiếm các giải pháp đổi mới sáng tạo, giải quyết những thách thức quan trọng tầm quốc gia, hướng đến một Việt Nam phát triển thịnh vượng và bền vững. Với chủ đề “Đổi mới sáng tạo cùng doanh nghiệp chuyển đổi số, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, Chương trình đã thu hút 758 giải pháp công nghệ từ nhiều quốc gia, trong đó có nhiều giải pháp có khả năng áp dụng rộng rãi cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam, như: Sàn thương mại điện tử oneSME, Dịch vụ quản trị tổng thể cho Hộ kinh doanh cá thể - VNPT HKD, Tự động hóa quy trình với trợ lý robot ảo từ FPT akaBot, Nền tảng Quản trị Doanh nghiệp hợp nhất – MISA, Hệ sinh thái nông nghiệp 4.0 kết nối nông dân và các kênh bán hàng - Koina…
Được biết, tháng 10 tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Triển lãm quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024, quy tụ hàng trăm doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế, với hàng chục nghìn đại biểu tham dự.