Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Trong bối cảnh sáp nhập báo chí cũng như sự thu hẹp “diện tích” của văn chương trên báo và tạp chí hiện nay, một số ấn phẩm chuyên đề văn chương vẫn ra đời, tồn tại, “đến hẹn lại lên”, nhận được sự quan tâm của bạn đọc, công chúng. Xuất xứ, tinh thần và nội dung của các ấn phẩm này ra sao? Đóng vai trò thế nào trong chuyển động của nhịp sống văn chương?
Ngọn nguồn
Sự nở rộ của các cây bút cũng như phong trào sáng tác văn học những năm gần đây là tiền đề quan trọng về nội dung để các “chủ bút” mạnh dạn mở ra những diễn đàn, những ấn phẩm văn chương. Bên cạnh đó, không thể không kể đến sự cổ vũ, quan tâm, đón đọc của công chúng, bạn đọc, các nhà thơ, nhà văn. Nhờ đó, các ấn phẩm tuần tự in ấn, ra mắt.
Nhà phê bình văn học Nguyên An có cách nhìn thấu đáo, toàn cảnh về xuất xứ của các chuyên đề này. Theo ông nếu liệt kê ra thì sẽ thấy hiện nay trên địa bàn Hà Nội có vài chục tạp chí, "về giấy phép xuất bản gọi là sách nhưng cấu trúc như một tờ tạp chí, phản ánh cái mới trong hoạt động báo chí và xuất bản của ta. Nếu không có ngọn gió đổi mới của Đảng và Nhà nước thì chắc chắn những tờ ẩn danh tạp chí như thế không ra được. Ở Hà Nội thì có rất nhiều CLB VHNT nhưng hoạt động tự phát. Tờ “Dặm ngàn Đất Việt” trong khuôn khổ hoạt động của công ty Đất Việt làm được việc vượt trội. Tất nhiên so với tờ “Đọc và viết” của NXB Hội Nhà văn chất lượng khoa học chưa bằng nhưng có ưu điểm là tập hợp rộng rãi, tác động vào phong trào"
Ngược về quá khứ, PGS.TS Trần Hoài Anh viện dẫn sự tồn tại và công năng của tạp chí Sáng tạo xuất bản số đầu tiên cách đây đã 65 năm. Từ đó sự xuất hiện của các ấn phẩm văn chương trong bối cảnh sáng tác đang dần bão hòa sẽ mang lại những sự đánh giá chất lượng, công bằng.
Ông đánh giá "tạp chí Sáng tạo của nhóm Sáng tạo là một tạp chí luôn luôn chấp nhận sự sáng tạo, phải đổi mới, có những sáng kiến mới. Chính tạp chí này đã góp phần để cho công chúng nhìn lại một số hiện tượng văn học tiền chiến, thơ ca, tiểu thuyết tiền chiến, đặc biệt của Tự lực văn đoàn. Và cái khát vọng ấy đối với văn chương là cần thiết. Sự xuất hiện hàng loạt những tạp chí có xu hướng đổi mới hiện nay là rất cần thiết vì văn chương không đổi mới là tự giết lấy mình và nhà văn không sáng tạo, không có cái mới là nhà văn tự chôn mình trong “nghĩa trang văn chương”.
...Và dấu ấn
Với sự “đỡ đầu” của NXB Hội Nhà văn, hơn 2 năm qua, chuyên đề “Viết và đọc” đã tạo được những hiệu ứng tốt với bạn đọc, công chúng. Dày dặn về nội dung, đầu tư về mặt trình bày, Ban biên tập “Viết và đọc” thể hiện sự kỳ công, tâm huyết trong việc tuyển chọn bài vở, sáng tác. Tiêu chí văn chương vì con người, hướng tới cái đẹp vượt qua những khuôn mẫu giáo điều, cứng nhắc, “Viết và đọc” đã dung hòa được được tôn chỉ giá trị ban đầu mà chủ biên, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đưa ra.
Số đầu tiên của Viết và đọc đã xuất hiện mùa thu năm 2018 và trong lá thư mở đầu của số đầu tiên, nhà văn Nguyễn Quang Thiều có viết về tinh thần cũng như mục tiêu “Viết và đọc” sẽ đi tới. Ông kể về một câu chuyện rằng một bộ phim giả tưởng Mỹ nói về những người kể chuyện của thế gian. "Đó là những người khi cất tiếng để nói về những điều tốt đẹp của con người trên thế gian này và một thế lực hắc ám tìm cách để những người đó không còn kể chuyện được nữa. Và khi những người kể chuyện về những điều tốt đẹp trên thế gian thì trái đất sẽ ngừng quay, bóng tối sẽ trùm phủ và thế lực hắc ám ấy sẽ thống trị thế giới. Nhưng những người kể chuyện đã đi khắp thế gian, họ nối tiếp nhau, từng người từng người một để cất tiếng về vẻ đẹp của văn hóa, thiên nhiên, nhân tính con người.
Chính vì thế, “Viết và đọc” giống như một ngôi nhà nhỏ dựng lên để các nhà văn, nhà thơ, các nhà báo, các trí thức, bạn đọc bước vào đó cất tiếng kể về những câu chuyện tốt đẹp về con người và gửi đi thông điệp. BBT cho ra đời ấn phẩm nhằm giới thiệu những tác phẩm tốt nhất về nghệ thuật, nội dung, mang tính nhân văn cao nhất để mỗi một nhà văn, mỗi một nhà báo hay trí thức, độc giả ngồi xuống đặt bút viết cho “Viết và đọc” là họ đã nghĩ tới những điều tốt đẹp cho con người. Thông điệp lớn nhất mà “Viết và đọc” đi theo là thông điệp về con người."
Đến nay ấn phẩm “Viết và đọc” do Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khởi xướng thực hiện đã sắp kỷ niệm tròn 3 năm ra mắt độc giả với tuần tự các chuyên đề theo mùa. Chừng ấy thời gian đủ để hiện hình phong cách cũng như có những ghi nhận nhất định. Nhiều người làm nghề có chuyên môn đánh gía cao về chất lượng của ấn phẩm văn chương được đầu tư về cả nội dung và hình thức thể hiện.
Theo nhà thơ Phan Hoàng: “Viết và đọc” là một trong những diễn đàn văn học tôi cho rằng đáng đọc nhất hiện nay. Tôi là một trong những người tham gia đầu tiên từ góp ý về nội dung, thậm chí góp ý về vấn đề tài chính cho đến bây giờ. Ấn phẩm này có ý nghĩa tạo động lực sáng tác, đặc biệt là hướng tới các bạn trẻ. Còn với Nhà Phê bình văn học Đỗ Ngọc Yên Ấn phẩm “Viết và đọc” cứ 3 tháng một số là một trong những điểm nhấn. Đó là một trong những sách văn chương theo đúng nghĩa - Chỉ là sáng tác, dịch thuật, phê bình văn chương, trò chuyện với các nhà văn, nhà thơ trong nước và quốc tế. Thuần túy nó là văn chương và sự cố gắng của BBT “Viết và đọc” rất đáng ghi nhận."
Râm ran trong giới thạo tin rằng nhờ có sự hỗ trợ của mạnh thường quân, NXB Hội Nhà văn mới phát hành được “Viết và Đọc” với số lượng vài nghìn bản in, phát hành toàn quốc với chiết khấu và nhuận bút mơ ước. Âu cũng là điều đáng mừng, cùng với chất lượng văn chương.
Cùng một địa chỉ “đỡ đầu” là NXB Hội Nhà văn, ấn phẩm “Văn +” của của CLB Văn học Trẻ, Hội Nhà văn Hà Nội đã ra mắt số đầu tiên chủ đề “Trên đôi cánh tưởng tượng” và đã chuẩn bị đưa đi nhà in mắt số thứ hai mang tên “Tràn viền”, nội dung số thứ 3 cũng đã xong xuôi. Ngoài hai trang bìa cá tính, ấn tượng do các họa sĩ trẻ thực hiện, tên chủ đề đã nói lên phần nào nội dung của các ấn phẩm này. Với đội ngũ thực hiện là một nhóm các nhà văn, nhà thơ trẻ nhiệt huyết, tuy chưa thực sự dày dặn, quy mô, bài bản như ấn phẩm “Viết và Đọc” nhưng “Văn +” cũng đã phần nào củng cố niềm tin rằng còn rất nhiều người trẻ đam mê sáng tác và giàu tinh thần sáng tạo, vượt lên trên những ranh giới và định kiến.
Một trong những người thực hiện Văn +, nhà văn Nguyễn Vinh Huỳnh chia sẻ đội ngũ thực hiện Văn + lực lượng nòng cốt là Ban chấp hành của CLB Văn học trẻ Hà Nội: "Trong xu thế thời đại 4.0 việc đa dạng hóa các hình thức sáng tác và các xu hướng, diễn đàn rất rộng mở, các tác giả mong muốn được trình diễn, xuất bản những tác phẩm của mình trên diễn đàn nhất định. CLB cũng mong muốn có một ấn phẩm chất lượng và đặc biệt thể hiện được những tác phẩm có tìm tòi, sáng tạo, độc đáo mà có thể khó có thể xuất hiện trên các ấn phẩm khác."
Tham gia CLB Văn học trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội, nhà thơ trẻ Khúc Hồng Thiện đọc tờ Văn + và có những nhận xét về các cây bút có sáng tác được in ấn trong ấn phẩm này. Theo anh "rõ ràng trong “Văn +” đã thấy xuất hiện một số tác giả có cả những tác giả đã có tên tuổi nhưng mà cũng có những tác giả mới xuất hiện. Tuy nhiên, với góc độ của người làm báo, nhà thơ Khúc Hồng Thiện quan tâm và trông đợi nhiều hơn ở góc độ báo chí. BBT “Văn +” thực sự tâm huyết, vừa là tâm huyết với sự hình thành CLB Văn học trẻ và đây giống như là cái ấn phẩm ngôn luận của CLB hoàn toàn chững chạc và đứng được."
Nhà văn và cuộc sống: chặng đường dài
Cũng là người thường xuyên ủng hộ các hoạt động của CLB Văn học trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội, Nhà thơ, họa sĩ Lê Tiến Vượng cho rằng bên cạnh những mặt đáng ghi nhận thì "công việc biên tập ấn phẩm chuyên đề văn chương cần có sự kỹ lưỡng, xem xét ở nhiều chiều kích khác nhau. Văn + mang hơi thở của các nhà văn, các nhà thơ, các bạn sinh viên trẻ để thể hiện tác phẩm, triết lý, quan niệm về nghệ thuật của mình. Chỉ có điều khi mà những ấn phẩm khác nhau, mang hơi thở khác nhau mà chung giấy phép một nhà xuất bản thì NXB sẽ phải có một đội ngũ biên tập, những người mà có thể thẩm định hoặc là xem xét các tác phẩm mang hơi thở của thời đại."
Nếu kể về tuổi đời, “Dặm ngàn Đất Việt” của Công ty cổ phần Văn hóa Đất Việt với hơn 10 năm phát hành đã cho thấy sự bền bỉ với văn chương. Và cũng thêm một lần nữa cho thấy hoàn toàn có những phát hiện chuyên nghiệp trong sáng tác phong trào, các câu lạc bộ. Sự góp mặt của các nhà thơ, nhà văn tên tuổi đều đặn trên các số “Dặm ngàn Đất Việt” cùng với những cái tên mới từ các địa phương đã cho thấy sự hài hòa, rộng mở, một đội ngũ đông đảo những người sáng tác và mến chuộng văn chương.
Được biết kinh phí thực hiện “Dặm ngàn Đất Việt” là từ nguồn phát hành và một phần là kinh phí hoạt động của Công ty cổ phần Văn hóa Đất Việt. Bởi theo nhà thơ Nguyễn Thế Kiên, cũng là người điều hành ấn phẩm này, mục đích của công ty là là tạo ra một thương hiệu văn chương đích thực. “Dặm ngàn Đất Việt” là ấn phẩm anh rất tâm đắc và xây dựng được một thương hiệu như hôm nay. Mặc dù chưa lớn nhưng đây là nơi mà hội tụ rất nhiều cây bút, các nhà văn đương đại hiện nay. Trước hết là họ tôn trọng tác phẩm của họ và khi họ gửi đến để biết rằng đây không phải là tạp chí mà là một chuyên đề về văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là thơ và văn. Bạn đọc gặp ở trong này những cây bút đang khá nổi, cả thế hệ trước đây và cả các cây bút hôm nay. Tôn chỉ của BBT “Dặm ngàn Đất Việt” là đây không phải là một chuyên đề chạy theo thị trường.
Vẫn biết rằng để cho ra đời một ấn phẩm văn chương trong thời buổi “thóc cao gạo kém”, xảy ra dịch bệnh chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn. Nhưng không vì thế mà dễ dãi về mặt tuyển chọn tác phẩm.
Theo nhà thơ, họa sĩ Lê Tiến Vượng, trách nhiệm nặng nề đặt lên vai những người viết, những người biên tập các ấn phẩm này. Các ấn phẩm văn học có tính chất cập nhật, update thời thế, thời cuộc chưa mạnh mẽ, chưa rõ ràng. Chính vì thế đọc một số ấn phẩm cũng chưa thấy cái gì đậm đà hoặc dấu ấn gì lắm mặc dù ấn phẩm đó cũng có rất nhiều cây viết, có kinh nghiệm, là người nổi tiếng. Tính truyền thống vẫn đậm đà, chưa có bứt phá mạnh mẽ, chưa mang hơi thở cuộc sống rõ nét. Đọc vẫn giống các tạp chí Văn nghệ quân đội, Văn nghệ công an hay là tạp chí bình thường khác. Những ấn phẩm ấy cần khúc chiết, cô đọng hơn.
Gần đây nhất, tạp chí “Nhà văn và cuộc sống” số 2 đã đến tay bạn đọc. Mặc dù hình thức chưa thực sự ấn tượng nhưng ấn phẩm thuộc Hội Nhà văn Việt Nam cũng quy tụ được nhiều cây bút có tên tuổi. Ngay từ số đầu tiên, tạp chí này cũng đã phát động cuộc thi viết “Chân dung cuộc sống” kéo dài 2 năm với và được “treo thưởng” giá trị.
Sự xuất hiện và ra đời, tiếp nối của các ấn phẩm chuyên đề đã cho thấy giá trị, chỗ đứng của văn chương trong cuộc sống bộn bề. Đó là sự chung sức của những người yêu văn chương, yêu cái đẹp. Làm hay và làm tới nơi tới chốn, cách này hay cách khác, các ấn phẩm sẽ hình thành, đến và đọng lại được những ấn tượng với bạn đọc, công chúng. Và nói như PGS.TS Trần Hoài Anh, đó là điều cần thiết để hướng tới một nền văn học hiện đại. Trong đời sống văn học hiện nay, đặc biệt là từ sau thời kỳ đổi mới, với một cái nhìn cởi mở dân chủ của công cuộc đổi mới của Đảng, tôi cho rằng sự xuất hiện của một số ấn phẩm đã mở ra một cái nhìn nhiều chiều, giới thiệu những hiện tượng văn học Mở, những hiện tượng văn học nước ngoài, những hiện tượng văn học đã qua dưới một cái nhìn mở. Sự xuất hiện của các ấn phẩm ấy là cần thiết để góp phần làm hiện đại hóa nền văn học, làm văn học gần với công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ cũng như các nhà nghiên cứu có khả năng tìm tòi những cái mới trong quá trình khám phá các hiện tượng văn học.