(VOV5)- Chữ Tết thuộc trong số những từ thuần Việt thông dụng nhất, biểu cảm nhất của ngôn ngữ Việt. Tết là cung đoạn thời gian an nhàn thư thái nhất của cư dân nông nghiệp chân lấm tay bùn cha truyền con nối. Nên ngày xưa, dù nghề nông lam lũ vất vả là vậy, các cụ nhà ta vẫn lấy “tháng giêng là tháng ăn chơi”.
|
Đi chơi Tết - Ảnh: Nguyễn Xuân Vinh/vnexpress.net |
Chơi Xuân, chơi Tết, hấp dẫn nam phụ lão ấu nhất vẫn là chơi hội. Hầu như làng nào cũng mở, mỗi làng một vẻ xuân yêu đời yêu người khác nhau. Đã thong dong vậy, lại có những ngày xum họp gia đình, gia tộc, thân hữu, ngoại trừ gia cảnh neo đơn ngặt nghèo quá, còn đại trà ai cũng cố gắng có mâm cao cỗ đầy so với thường nhật; trước là cũng kiếng tổ tiên, sau là quây quần Ăn Tết. Thế nên dân gian mới có câu “lỡm” thầy bói: “Số cô không giầu thì nghèo- Ba mươi Tết có thịt treo trong nhà !” Tổ tiên người Việt định cư vùng châu thổ sông Hồng,dựng nền văn minh lúa nước “con trâu đi trước cái cày theo sau”. Làm cái nghề khó nhọc “trông trời trông nắng trông mây”,” trông cho chân cứng đá mềm”, lịch sử trung cổ lắm địch họa, đạo tặc nội ngoại xâm, mà Tết đên được rảnh rang an nhàn cả tháng lại có ăn ngon hơn, mặc đẹp hơn, người dân Việt mong Tết là phải !. Họ thường mong cho mình cho người, mong cho con cháu gần xa quanh năm vui như Tết.
Giở lại sách vở lịch sử văn hóa, không phải quá xửa xưa, mà là cuối thế kỷ 19 thời vong quốc vào tay thực dân cũ thôi, giấy trắng mực đen vẫn ghi dân Việt mình “trình độ văn minh . . . sống” cơ khổ quá! Cuốn Việt Nam Sử Lược của cụ Trần Trọng Kim có đoạn nói về cái mặc “Cách ăn mặc thì chỉ có đồ vải đồ nâu, người nghèo khổ chỉ có manh áo cánh và thường thì đóng cái khố, có đi đâu mới mặc cái quần vải dài đến đầu gối. Người sung túc thì mới có vài cái áo nâu đen và vài cái quần hoặc nhuộm nâu hoặc để trắng, chứ không được mặc đồ gấm đồ vóc và đi giầy”. Đồ gấm đồ vóc và đi giầy là là phục sức của nhà gia thế, người quyền quý, đâu phải ai muốn dùng thì dùng. Nhà giàu nhờ hay lam hay làm hoặc ăn “hương hỏa mả dài”cha ông mà không phải nhà gia thế, cũng đâu có được chơi trèo mà ăn mặc gấm vóc se sua. Cái sự mặc liên quan đến bề ngoài, đến sĩ diện của con người mà đại trà ngày xưa người Việt sống thế, ở mức chất lượng “mặc” thế thì lấy đâu ra những cái Tết “ô tô, xe máy như nước” áo quần rực rỡ sắc màu hàng Tây có, hàng Việt có như thời a-còng.
Còn nói đến “cái sự ăn”. Câu cửa miệng của không ít người thuộc giai tầng trung lưu thời a-còng bây giờ là Chơi Tết chứ không phải Ăn Tết nữa . Nhất là Tết được nghỉ dài ngày như Tết con Dê này,số lượng người hướng về quê hương từ xa không chỉ có trên dưới sáu triệu bà con Việt Kiều khắp năm châu bốn biển mà lại có, chắc chắn thế, hàng ngàn gia đình khắp cả nước kéo nhau đi chơi Tết nước người thời hiện đại lắm địa danh du lịch nổi tiếng toàn cầu, hoặc “thường thường bậc trung” hơn thì cũng là khóa cổng khóa cửa đi chơi Tết Đà Lạt,Vũng Tàu, Nha Trang... Thậm chí với tuổi trẻ ưa phiêu bồng, phiêu lưu có thể ngược Sa Pa,Tam Đảo, Mẫu Sơn... hy vọng thấy tuyết rơi trằng trời non nước Việt nhiệt đới gió mùa vào cữ đầu Xuân dân tộc.
Chơi Tết đã và đang làm một bộ phận dân cư người Việt tự. . . chuyển biến phong tục Tết cố hữu hàng thiên niên kỷ. Mà chả cứ gì lớp người thuộc bộ phận ở diện trung lưu, ngay đại trà dân Việt thời a-còng, ngay bà con nông dân chân lấm tay bùn thời nào lo “đụng lợn” giết. . . Tết, lo giã giò, lo nồi bánh chưng thì bây giờ chuyện lo Tết cũng có vẻ dửng dưng lắm! Vì sao vậy ? Vì quanh năm chợ làng đại trà miền xuôi có đủ cả rồi, không thiếu thứ gì mà ngày xưa chỉ Tết mới có, mới được ăn, đầu bảng là thịt lợn giò chả, bánh chưng chẳng hạn. Đặc trưng Tết Việt gói gọn trong câu thành ngữ như câu đối “ thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ-cây nêu tràng pháo bánh chưng xanh” hỏi thời a-còng còn thứ gì được người Việt quan tâm nữa đây. Quanh năm cái Ăn không thiếu, thậm chí dư thừa, quả thật Tết thời a-còng mất đi phần nào rôm rả, xôn xao vui như ngày xưa.
Nào có xa xôi gì cho cam, mới thời “chống đế quốc to” thập kỷ sáu mươi, bảy mươi thế kỷ 20 sóng gió ba dòng thác cách mạng, vui nhất Tết làng ta là ngày hợp tác mổ lợn chia thịt cho xã viên. Chia định xuất đều tăm tắp từ miếng dồi, khúc lòng lợn dài chừng gang tay cho tới nước luộc lòng quê tôi gọi là nước xuýt-có lẽ húp vào miệng thấy ngon vị thịt, thấy nóng vì nhiệt nên uống vào phải xuýt xoa kêu ngon kêu ngọt, gọi là nước xuýt chăng. Sau khi các ông bố bà mẹ đã cười hể hả bưng lưng lưng rổ rá xương thịt về, mỗi xuất nhân khẩu từ ẵm ngửa trở lên bất kể nam phụ lão ấu, được chừng ba bốn lạng gì đó, đến lượt trẻ con các nhà mang bát chiết yêu, mang cạp lồng hay nồi đồng nhỡ, xoong nhôm ra lấy nước xuýt. Ấy là thời cái ăn cái mặc kể cả ngày vui nhất trong năm là Tết đại loại thế thôi. Nhưng vui lắm nhé cái thời cả nước đánh giặc,cả nước cùng nghèo , người người đâu đâu cũng hướng về một hướng là tiến tuyến lớn. Đã thế dân thường cán bộ bấy giờ sống đại loại “cá đối bằng đầu” như nhau cả, không giầu, nghèo, quan, dân, to, nhỏ, cao, thấp, sang, hèn nhất tự cách trùng như bây giờ. Niềm vui cộng cảm cộng đồng trong làng ngoài nước một thời giản dị mà sao gắn kết đồng tôn đồng tộc đồng chủng đồng bào người Việt đến thế. Ca từ “nhớ. . . chiều ba mươi Tết đường phố đông vui chờ đón tất niên hướng lên Ba Đình Hà Nội ơi. . .” cho đến nay vẫn lay động ký ức không chỉ riêng ai…./.