Ảo và thật - đưa Facebook lên sân khấu kịch

(VOV5)- Không hẳn là phát kiến mang tính khai phá, nhưng “Ảo và thật” của đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực có lẽ là vở kịch đầu tiên tiếp cận thẳng những vấn đề đang đặt ra của mạng xã hội, nhất là Facebook. “Ảo và thật” công diễn lần đầu tối 26/1/2014 và tiếp tục biểu diễn phục vụ khán giả trong dịp Tết nguyên đán Giáp Ngọ từ ngày 31/1-9/2/2014 tại sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, Q.3, TPHCM.

Nghe nội dung chi tiết tại đây:



Internet, mạng xã hội và Facebook, những yếu tố đang trở thành một phần tất yếu của cuộc sống hiện đại. Chúng đang chi phối lên con người với đủ những mặt tốt, xấu vô cùng phong phú, đa dạng. Thực tế này hẳn ai cũng cảm nhận được.

Đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực có lần chia sẻ, bản thân anh cũng là người “nghiện” Facebook. Mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên anh làm là cầm chiếc điện thoại di động để xem có gì mới sau một giấc ngủ. Anh bảo, thực khó hình dung cuộc sống của anh sẽ thế nào nếu một ngày kia Facebook và Internet không còn.


Ảo và thật - đưa Facebook lên sân khấu kịch - ảnh 1
Kim Khánh trở lại sân khấu kịch sau thời gian dài vắng bóng - Ảnh: Nhật Linh/khampha.vn

Sự thật, ở một phương diện đáng kể, mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng đang tạo ra những giá trị sống rất tích cực. Nó giúp con người kết nối với nhau thật dễ dàng. Có những người suốt bao lâu bặt vô âm tín, bỗng một ngày được Facebook mang đến thật gần bên ta.

Có cảm giác, cả thế giới trở thành một cái làng nho nhỏ mà chuyện xảy ra đầu làng, trong phút chốc, cuối làng đã biết. Chuyện hôi bia ở tận Biên Hòa (Đồng Nai) mà trong khoảnh khắc đã nhận về những phản hồi quyết liệt từ tận đẩu tận đâu bên trời tây. Chuyện mất tích của một em bé tại Q.7 (TPHCM), nhờ bức vẽ chân dung của một họa sỹ, đã được giải quyết chóng vánh, qua mạng xã hội cũng được lan tỏa với tốc độ tia chớp, v.v.. và v.v...

Tuy nhiên, đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực cũng nhận thấy, bên cạnh những giá trị tích cực và tuyệt vời của Facebook, cũng lại có quá nhiều vấn đề nảy sinh đáng suy nghĩ. Là đạo diễn sân khấu, anh nhận ra, trên Facebook, người ta đang “diễn” quá nhiều.

Đàn ông muốn chứng tỏ mình là người “sành điệu chơi hàng hiệu”, phụ nữ muốn chứng tỏ là mẫu người đảm đang, yêu chồng, thương con, “biết nấu ăn ngon, lại còn tinh tế”, người già thích thể hiện những ưu tư về xã hội, chính trị, người trẻ bị cuốn vào phong trào “show hàng thanh niên nghiêm túc”, v.v...

Tất cả những chuyện đó đã và đang trở thành cơn bão lốc, cuốn rất nhiều người ngày càng sa vào thế giới ảo. Ở đó, họ vẽ mình theo ý muốn trong mắt người khác. Dễ dãi, đơn giản và... lung linh. Thoải mái phán xét, đánh giá người khác. Thoải mái thể hiện những giá trị ảo để rồi cũng nhận về những phản hồi cũng... ảo không kém.

Và ý tưởng ấy đã được dồn nén lại trong một kịch bản thú vị: “Ảo và thật” của Vương Huyền Cơ và được đạo diễn Nguyễn Thành Chánh Trực dàn dựng rất sinh động.

Hài hước và triết lý nhẹ nhàng

Với một ê-kíp diễn viên nhiều gương mặt quen thuộc: NSUT Lê Bình, NSUT Công Ninh, Kim Khánh, Hùng Thuận,... vở kịch “Ảo và thật” chiếm được cảm tình của người xem vì phong cách biểu diễn nghiêm túc và chuyên nghiệp.

Chọn đề tài hiện đại là ảnh hưởng của Facebook lên cuộc sống con người, có cảm giác, cả đạo diễn và diễn viên đều như thấy mình trong kịch. Trải nghiệm trong vở diễn phần nào cũng là những suy tư, trải nghiệm của chính họ trong cuộc sống thực.

Có lẽ vì thế mà NSUT Công Ninh đã tỏ ra rất hài lòng sau vở diễn.

Diễn viên trẻ Hùng Thuận, cậu bé An trong phim “Đất rừng Phương Nam” năm xưa, đã thể hiện vai diễn của mình rất thành công. Có thể thấy, việc một người trẻ nói về những chuyện rất gần gũi với giới trẻ cũng là lợi thế để Hùng Thuận làm tốt hơn công việc của anh.

Lần đầu tiên góp mặt ở sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, nghệ sỹ Kim Khánh cho biết chị rất thích vai diễn. Trong vở, chị đã thể hiện thành công vai một cô gái giang hồ được cảm hóa trước tấm lòng nhân hậu của ông già Tư Tình, tìm lại được tiếng nói thiên lương sau những lọc lừa, xảo trá.

Ý thức tiếp cận các vấn đề thời sự nóng hổi liên quan tới mạng xã hội Facebook đã trở thành yếu tố hấp dẫn thuyết phục của vở kịch. Khán giả được xem, được ngẫm nghĩ về những vấn đề đang diễn ra của đời sống qua những câu chuyện thời sự như hôi bia, bắt cóc trẻ em, không yêu đòi lại quà,... Và qua hơi thở của ngôn ngữ đương đại là “over” (quá), là “add friend” (kết bạn), là “status” (tình trạng), là “tường” (trang chủ facebook), là message (tin nhắn), v.v...

Những trận cười rộ lên từng đợt sảng khoái, vui vẻ và cả những cảnh huống lắng lòng trước bất hạnh, khổ đau đã làm nên các cung bậc cảm xúc khác nhau của một vở kịch. Hài mà không nhảm. Hài nhưng vẫn có tính tư tưởng, tính triết lý, có thể thấy, đó đang là xu hướng thị hiếu thẩm mỹ nổi bật tại các sân khấu ở TPHCM hiện nay./.

Phản hồi

Các tin/bài khác