(VOV5)- Vì sao những mối tình tưởng không có gì đẹp hơn thế trên đời, tưởng "sông có thể cạn núi có thể mòn" nhưng lòng người không dời đổi, vẫn lại thường đi tới những kết cục đổ vỡ chia lìa?
Khi người ta hỏi cố nhân:"Em làm sao còn thấy cái gầu mo trên miệng giếng-cái gáo dừa múc nước chè sôi", những vật dụng cùng cảnh đời thường nhật một thủa vô cùng quen thuộc của quê nghèo, thì cũng là lúc người ta biết tình xưa chỉ còn là kỷ niệm. Nhân tình đã thành cố nhân !
Kỷ niệm bao giờ chả đẹp. Vẻ đẹp của những mối tình dân dã thường chẳng có gì liên quan đến phố thị và đời sống thị dân nhiều xa hoa hào nhoáng đam mê những cũng lắm cạm bẫy lọc lừa. Vẻ đẹp tình quê gắn liền với cảnh trí và dấu ấn thôn dã ví như cái gầu mo nằm yên trên miệng giếng, cái gáo dừa chia san những bát chè xanh nóng hổi đậm đà tình nghĩa người quê! . Hay cái bát sứ men thô trên cái dần cái sàng bày làm mâm cơm, mâm cơm nhà nghèo thêm đạm bạc rau dưa tương cà mắm muối.
Sao lạ vậy. Không phải là trong nhung lụa ấm êm, trong tình yêu dư thừa tiền bạc, nhà rộng cửa cao mà thường thì dưới mái tranh nghèo của một thời xa vắng ấy, người ta thấy tình yêu lứa đôi mới dư vẻ trữ tình đằm thắm làm sao! Ca dao có những câu giản dị dễ thương "Cơm ăn một bát lưng lưng-Uống nước cầm chừng để dạ thương anh" ; "Giơ tay anh ngắt ngọn ngò-Thương em đứt ruột giả đò ngó lơ", "Chồng ta áo rách ta thương-Chồng người áo gấm xông hương mặc người"... Chàng trai thời hiện đại thất tình tự hỏi:
Em làm sao được bồi hồi với tờ thư trong trang sách
Tờ thư viết tay trên giấy mầu xanh
Thư viết dưới ngọn đèn dầu giữa đêm trăng hết
Mà rạng ngời những nét đinh ninh
Quả là thế. Ngày xưa, chưa xưa lắm, trông nét chữ là thấy người!. Không phải "tưởng người dưới nguyệt" như nàng Kiều với chàng Kim trong tiểu thuyết thơ cổ điển mà giản dị hơn, đời hơn, tưởng người ngồi viết dưới ngọn đèn dầu le lói lắt lay trong một đêm vắng trăng sao tăm tối. Trong bóng tối ấy "đêm tình nhân", sáng lên những dòng chữ trên trang giấy màu xanh khắc ghi những lời chân thật, những xác quyết minh bạch của trái tim không khác gì nàng Kiều và chàng Kim trong đêm thề nguyền dưới bóng nguyệt "đinh ninh hai miệng một lời song song". Em đã quên, tình đã hết nên làm sao em có thể bồi hồi nhớ những tờ thư!
Vì sao những mối tình tưởng không có gì đẹp hơn thế trên đời, tưởng "sông có thể cạn núi có thể mòn" nhưng lòng người không dời đổi, vẫn lại thường đi tới những kết cục đổ vỡ chia lìa?
Đời đã đổi đã thêm nhiều thứ mất
Như em với anh đây cũng lạc lìa nhau
Ừ mà người ta có thể lạc lìa nhau ngay trong một căn nhà, đâu cần chờ đến cảnh lạc lìa nhau trong những cơn binh lửa gây bão lốc thời cuộc, đẩy xa người góc bể kẻ chân trời. Bởi thế người xưa mới nói " hữu duyên thiên lý năng tương ngộ-vô duyên đối diện bất tương phùng". Lạc lìa nhau nên chi:
Căn nhà cũ tìm không ra dấu tích
Phố của em vừa đặt lại tên đường
Anh đứng trước sân nhà ai trồng hoa tiểu muội
Sao không một lần gặp lại một mùi hương ?
Hai trái tim đã lỗi nhịp đời; em đã quên những hình bóng xưa cũ quê nghèo. Cái gầu mo trên miệng giếng đã rơi, cái gáo dừa đong đầy nước chè tươi đã vỡ,cái bát sứ men thô đã vụn nát cùng năm tháng lầm than. Nếu đã vậy, thì dù đứng trước sân nhà em đi nữa, câu hỏi kia cũng hóa dư thừa với cố nhân, cũng chỉ là tiếng kêu thầm trong một mối duyên tình có người trai đơn phương gánh chịu. Làm sao còn tìm thấy mùi hương tình ái nơi địa đàng nhà người giữa thanh thiên bạch nhật, khi người ta đã nhất quyết "anh đi đàng anh tôi đàng tôi-tình nghĩa đôi ta có thế thôi" ! Người viết trang tạp cảm này thấy câu thơ kết thật lý thú :
Bụi cứ phủ vàng hoa ký ức
Là chút còn gửi gắm tới muôn sau
Thế mới biết tình nhân là có thực ở trên đời, tình người là vô tận!. Và chữ nghĩa dù không sáng tạo tân kỳ gì, điệu thơ cũng có phần xưa cũ như thơ ... lãng mạn tiền chiến cách nay trên bảy mươi năm. Không hiểu sao cái điệu thơ cổ xưa ấy vẫn lan truyền con sóng trữ tình sang người đọc. Mặc cho "bụi cứ phủ vàng hoa ký ức " ! Cảm ơn bạn viết Thiếu Khanh tôi chưa quen biết ngoài đời đã tìm được bài thơ "Chút còn trong ký ức" của tác giả Hoàng Lộc ./.