Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Hội thảo “Châu Âu - Việt Nam về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên” vừa diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội, với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong ngành cùng bàn luận về xu hướng phát triển của văn học thiếu nhi ở châu Âu và Việt Nam, đã cho thấy một bức tranh tổng quan về tình hình xuất bản sách văn học thiếu nhi ở trong nước.
Ông Wilfried Eckstein Viện trưởng Viện Goethe Hà Nội phát biểu đề dẫn tại hội thảo. - Ảnh: Linh Chi |
Trong mảng sách thanh thiếu nhi, sách dịch vẫn có sức hút lớn với bạn đọc, và vì thế chiếm thị phần lớn, Theo bà Trần Lê Thùy Linh, biên tập viên văn học, Trưởng phòng thiếu nhi của Công ty văn hóa và truyền thông Nhã Nam cho biết, thì từ năm 2010 đến nay tại Việt Nam, truyện tranh Nhật Bản, ít nhất về mặt phát hành vẫn đang chiếm ưu thế nhất.
Tuy nhiên những tác phẩm văn học thiếu nhi kinh điển, có sức sống lâu dài vẫn luôn không bao giờ lỗi “mốt”. Trong hơn một thập kỷ qua đã có rất nhiều tác phẩm thiếu nhi nước ngoài được giới thiệu đến thiếu nhi Việt Nam. Ngoài các tác phẩm kinh điển đã hết thời hạn bản quyền như chuyện cổ tích, công ty Nhã Nam đã mua bản quyền rất nhiều sách thiếu nhi xuất sắc của thế giới để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam.
Một số đầu sách thanh thiếu nhi nổi tiếng của nước ngoài được Công ty cổ phần văn hóa và truyền thông Nhã Nam tổ chức dịch và phát hành. - Ảnh: NN |
“Chúng tôi đã đem tới Việt Nam những Pippi Tất dài, Lại thằng nhóc Emil của Thụy Điển, Minion của Anh, Nhóc Nicolas của Pháp, Tottochan cô bé ngồi bên cửa sổ của Nhật. Các cô bé, cậu bé trong tác phẩm này đều là những nhân vật thiếu nhi có cá tính, có chính kiến độc đáo, sáng tạo. Chúng tôi nhận thấy rằng những nhân vật thiếu nhi đó đã thêm vào những hình mẫu mới so với những sự kỳ vọng quen thuộc của cha mẹ cũng như của xã hội Việt Nam nói chung về trẻ em. Ngoài hình mẫu con ngoan trò giỏi đó thì đã có thêm một số các lựa chọn khác như là những nhân vật trẻ em mà chúng tôi đã nhắc tới. Rất may mắn là các tác phẩm đó cũng được đón nhận rất nhiệt tình.” - Bà Thùy Linh khẳng định. Theo bà, chỉ riêng ở Nhã Nam, tổng số đầu sách thiếu nhi đã tăng từ 124 năm 2010 lên 924 vào năm 2020. Số đầu sách đang lưu hành là 776 đầu sách, chiếm 36% tổng số đầu sách đang có mặt trên thị trường của Nhã Nam.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Biên Tập NXB Trẻ cho biết, mảng sách dành cho thiếu nhi và thanh thiếu niên chiếm 40% doanh số của NXB Trẻ hiện nay. Chia sẻ 4 xu hướng xuất bản lớn về văn học thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Thành Nam cho rằng: Xu hướng đầu tiên, với các sáng tác cho thiếu nhi thành công của các tác giả có tên tuổi như Nguyễn Nhật Ánh. Thứ hai là xu hướng làm mới tác phẩm cũ có giá trị, tác phẩm bán chạy, trong đó có cả làm mới, kể lại truyện cổ tích. Xu hướng thứ ba là văn học kỳ ảo, dù không bán chạy. Xu hướng thứ tư, là thơ đồng dao, ca dao có minh họa đẹp, tạo điều kiện cho trẻ em tiếp cận với ngôn ngữ và văn hóa Việt.
Tuy nhiên, trong những xu hướng đó, các tác phẩm phiêu lưu giả tưởng mặc dù thành công ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam lại chưa được đón nhận nhiều, là thông tin mà các diễn giả cho biết trong hội thảo. Như bà Trần Lê Thùy Linh cho biết: “Về chủ đề câu chuyện, chúng tôi nhận thấy các câu chuyện lấy bối cảnh thực tế, cho dù con người hay con vật được nhân cách hóa thì vẫn được lòng độc giả hơn so với các câu chuyện phiêu lưu, giả tưởng. Chúng tôi cũng dịch một số các tác phẩm mà nhân vật săn rồng hoặc là phiêu lưu... thì không được đón nhận nhiều như các tác phẩm về đời sống bình thường. Tác phẩm giả tưởng thường dành cho thanh thiếu niên, nhưng ngay cả những tác phẩm đó cũng cần một sự marketing nào đó để có được sự chú ý, chẳng hạn như tác phẩm có một bộ phim chuyển thể thành công thì mới được chẳng hạn.
Hay như ông Nguyễn Thành Nam cho biết: “Xu hướng tôi thấy từ năm 2010 đến nay ở mảng văn học, đó là văn học kỳ ảo. Thật ra văn học kỳ ảo hiện nay là một trận địa khá trống cho các sáng tác trong nước, bởi vì các sáng tác văn học kỳ ảo trong nước ở một chừng mực nào độc giả chưa tiếp nhận nhiều. Nếu nhìn nhận, có thể có bộ Chuyện xứ Lang Biang của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là có thể đứng được trên thị trường xuất bản. Chúng tôi cũng xuất bản những bộ văn học kỳ ảo như của nhà văn Bùi Chí Vinh với bộ Ngũ quái Sài Gòn, Những hiệp sĩ Zmen nhưng cuối cùng cũng thất bại. Nhưng chúng tôi nhận thấy đây là một xu hướng, một nhu cầu thực sự. Vì văn học kỳ ảo nước ngoài vẫn đứng được trên thị trường. Thí dụ như chúng tôi vẫn bán tốt những bộ như Harry Potter, Như Charlie Born, như Eragon.. nhưng trong nước lại không có những tác phẩm để đứng cân đối với những tác phẩm khoa học nước ngoài như vậy.”
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng phát biểu tại hội thảo. |
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên, Phó Giám đốc kiêm Tổng Biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng nhận xét văn học thiếu nhi Việt Nam thời gian gần đây có phần thưa thớt hơn so với giai đoạn trước, những chủ đề mới, thời sự như LGBT, bình đẳng giới, bảo vệ môi trường… chưa được khai thác nhiều trong sách văn học. Bà Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết: những tác giả sáng tác văn học thiếu nhi sung sức nhất vẫn là 7X-9X, lứa tác giả trẻ mặc dù có nhiều ý tưởng phá cách nhưng phong cách sáng tác lại chịu ảnh hưởng quá nhiều bởi phương Tây nên độ tiếp cận với công chúng Việt Nam chưa cao.
"Hiện tại các tác giả trong nước vẫn chủ yếu là viết theo lối hiện thực, phản ánh cuộc sống của bạn đọc thanh thiếu nhi qua những câu chuyện gia đình, trên lớp, tình bạn, tình yêu. Song rất nhiều tác giả đã tìm được những lát cắt mới mẻ trong cuộc sống để khai thác và phát triển, lựa chọn cách kể vui tươi, lạc quan, không nặng tính giáo điều. Tôi nghĩ đây là một điểm mới. Có thể kể đến các tác phẩm viết về trẻ khuyết tật tự kỷ của nhà văn Kim Hòa, Ngọc Linh là hai tác giả thuộc thế hệ 8 x. Mặc dù viết về một đối tượng bạn đọc khá đặc biệt, tuy nhiên chúng ta thấy các tác phẩm này đều không bi lụy hay thương cảm mà luôn tràn ngập sự vui tươi, trong trẻo và lạc quan.
Một số tác phẩm trong Tủ sách văn học tuổi mới lớn của NXB Kim Đồng |
Các thế hệ 9 x và Gen Z thì có ưu thế về ngoại ngữ và công nghệ, được tiếp xúc với truyện và phim ảnh nước ngoài, nên đã có nhiều sự tìm tòi và thử nghiệm cho các đề tài giả tưởng hay là khoa học viễn tưởng, thậm chí còn viết bằng tiếng Anh, sau đó mới dịch lại sang tiếng Việt. Tuy nhiên, các tác phẩm này chịu ảnh hưởng nhiều của phong cách và bối cảnh phương Tây. Với những tác giả trẻ này, mặc dù chúng tôi cũng rất khuyến khích, động viên song dường như lựa chọn viết lách cũng chỉ là một thú vui nên nhiều cây viết cũng chưa xác định thực sự sẽ trở thành một người viết chuyên nghiệp. Gần đây các tác phẩm tiểu thuyết hay là bộ truyện của các tác giả trong nước có vẻ như ngày một vắng bóng ở mảng sách thiếu nhi mà chủ yếu vẫn chỉ dừng ở thể loại truyện ngắn, tản văn và du ký." - Bà Quỳnh Liên nói.
TS Giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho rằng các tác giả viết văn học thiếu nhi Việt Nam có thể học hỏi và phá cách hơn, tưởng tượng nhiều hơn, để có nhiều nhân vật thú vị và đáng nhớ như trong văn học nước ngoài. Cũng theo bà, khi cùng chung sức lan toả văn hóa đọc, nhất là với độc giả trẻ, sẽ giúp cho văn học thiếu nhi Việt Nam có nhiều bước tiến mới, như kinh nghiệm từ Câu lạc bộ Đọc sách cùng con: "Nhu cầu đọc sách lúc ban đầu là chúng tôi khơi gợi cho các em nhưng sau đó nó sẽ ở lại bền vững với các em, thông qua những kỹ năng mà các em đã thực hiện. Xây dựng các cộng đồng đọc sách bé nhỏ đấy để khuyến khích tạo động lực đọc sách."
Một góc khán phòng hội thảo |
Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết, hiện trong nước có nhiều nỗ lực thúc đẩy văn học thiếu nhi Việt Nam, như giải thưởng Văn học Dế Mèn, kế hoạch thành lập Quỹ Văn học Thiếu Nhi, vận động sáng tác trẻ và sáng tác cho thiếu nhi, thực hiện phát tặng sách miễn phí cho trẻ em vùng sâu vùng xa…Theo nhà thơ Trần Đăng Khoa, Hội Nhà văn Việt Nam ủng hộ và mong muốn dòng văn học thiếu nhi mỗi ngày một phát triển mạnh hơn.
Các nhà xuất bản đã và đang tìm cách khuyến khích các cây viết trẻ dấn thân, khai thác các đề tài mới hơn, phù hợp thị hiếu. Mong muốn có một con đường dài hơi hơn, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng biên tập NXB Phụ nữ đề xuất: "Ở đây có nhà xuất bản Kim Đồng, Trẻ cũng như các nhà xuất bản khác, hoặc công ty Nhã Nam... chúng ta nên cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái. Làm thế nào để các tác giả Việt sẽ cùng nhau sáng tác cho thiếu nhi. Hiện nay rất manh mún, người ta viết bằng nghề tay trái, thích thì viết chứ không có một chiến lược dài hơi trong việc viết cho thiếu nhi của Việt Nam. Điều này Hội Nhà văn Việt Nam có quan tâm nhưng cách làm của Hội hơi cũ.
Chúng tôi muốn cách làm trẻ trung và cập nhật với các bạn trẻ hiện nay. Nên mình phải có một hệ sinh thái về tác giả viết cho thiếu nhi. Đồng thời với đó chúng ta phải xây dựng một cộng đồng bạn đọc thiếu nhi của Việt Nam. Ngoài ra, cùng với tác giả là người lớn thì chúng tôi cũng muốn xây dựng đội ngũ tác giả trẻ em viết cho chính mình."
Buổi hội thảo còn có sự tham dự và chia sẻ ý kiến về văn học thiếu nhi tại Châu Âu, từ các chuyên gia như TS Bjorn Sundmark, Đại học Malmo, Thụy Điển, bà Georgina Segarra Ros từ Nhà xuất bản Gemser, Tây Ban Nha, bà Cinzia Grieco, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM kiêm Tổng lãnh sự Italy tại TP.HCM và GSTS Jana Mikota, Đại học Siegen, Đức. Những thông tin về xu hướng chung của văn học thiếu nhi tại châu Âu như khai thác các chủ đề mang tính thời sự như môi trường, đa dạng sắc tộc, quyền con người, quyền trẻ em, bình đẳng giới…sẽ được chúng tôi thông tin tới quý vị trong một tạp chí văn nghệ gần nhất.
"Khi cùng chung sức lan toả văn hóa đọc, nhất là với độc giả trẻ, sẽ giúp cho văn học thiếu nhi Việt Nam có nhiều bước tiến mới" - TS Nguyễn Thụy Anh.