(VOV5) - "Yếu tố đầu tiên của người nghệ sỹ cải lương là phải có giọng ca hay."
Nghe âm thanh bài viết và giọng ca cải lương Vương Hà - Hoàng Tùng tại đây:
NSND Vương Hà - Ảnh: Báo Nhân dân |
NSND Vương Hà và NSUT Hoàng Tùng là những gương mặt quen thuộc của cải lương miền Bắc. Dù thuộc hai thế hệ, nhưng giữa họ có một điểm chung, cùng dành cả thanh xuân gắn bó với Nhà hát cải lương Việt Nam. Tình yêu sân khấu, tình yêu cải lương đã ngấm vào máu, trở thành một phần không thể tách rời…
Sau nhiều năm được đào tạo bài bản về nghệ thuật Tuồng, ở tuổi đôi mươi, Vương Hà chuyển công tác về nhà hát cải lương Việt Nam để hai vợ chồng có điều kiện gần nhau hơn. Chị từng nghĩ mình bắt đầu với con số 0, còn thua kém cả những học viên của Nhà hát. Ấy vậy mà, bằng trí thông minh, bằng tài năng thiên phú, chị tự học, tự rèn luyện không ngừng. Học những bậc thầy trong nghề, học qua đồng nghiệp, học qua băng đĩa, và đặc biệt khổ luyện, tìm tòi cho mình một lối diễn xuất riêng, lặn sâu vào từng vai diễn. Có thể vừa bế con đứng bên cánh gà xem bạn diễn, vừa căn chỉnh về kỹ thuật diễn xuất. Khó khăn không ít, vậy mà chị đã vượt qua và nhanh chóng khẳng định mình trên sân khấu cải lương.
"Vương Hà nghĩ rằng yếu tố đầu tiên của người nghệ sỹ cải lương là phải có giọng ca hay. Ở tuồng thì anh có thể có một giọng khỏe, cộng với diễn xuất và vũ đạo, phục trang hỗ trợ. Còn ở cải lương, khi cất giọng lên phải được sự công nhận của khán giả, về cao độ về trưởng độ nhịp nhàng, chưa nói đến độ tinh tế trong từng câu hát, độ mùi mẫn sâu lắng trong cách thể hiện bài ca của người nghệ sĩ. Có như vậy thì người miền Nam người ta mới chịu." - Chị nói.
Khác với đàn chị Vương Hà, cải lương là tình yêu đầu đời của NSUT Hoàng Tùng. Ở tuổi 18, chàng trai Hà thành ngơ ngác, lạ lẫm, bối rối. Hiểu biết về bộ môn nghệ thuật còn quá ít ỏi, ngoại hình không nổi bật, giọng ca chưa tạo được nét riêng, càng không phải con nhà nòi. Thời điểm ấy, Nhà hát cải lương Việt Nam là nơi hội tụ của rất nhiều tên tuổi đã thành danh. Hoàng Tùng không tránh khỏi cảm giác hoài nghi bản thân mình. Và anh quyết định bỏ nghề. Năm 1992, anh rời Nhà hát. Khoảng thời gian đó, anh luôn cảm thấy chống chếnh, không thể làm được việc gì khác. Và anh hiểu, cải lương đã trở thành một phần máu thịt trong anh.
"Đối với cá nhân Hoàng Tùng, trong sự nghiệp làm nghề diễn viên cải lương thì thế mạnh lớn nhất chính là mình được các thầy cô chỉ dạy rất kỹ càng về cách ca trong diễn xuất và thể hiện tâm lý tình cảm nhân vật. Điều này rất dễ nhận thấy khi biểu diễn trên sân khấu, qua từng vai diễn, qua từng trích đoạn, qua từng lớp diễn. Ca một lớp mùi mẫn chưa chắc đã bằng mình đong đầy cảm xúc và tạo được dấu ấn trong lớp diễn ấy bằng cả ca cả diễn, và tất cả mọi yếu tố hỗ trợ mình xung quanh lớp diễn để tạo được vai diễn để đời - đó là điều quan trọng nhất đối với Hoàng Tùng." - Hoàng Tùng tâm sự.
Có lẽ qua nhiều vất vả nhọc nhằn, mới cảm nhận trọn vẹn và sâu sắc hơn hương vị của trái ngọt. Hoàng Tùng đã nhận được niềm yêu mến của khán giả, sự trân trọng của đồng nghiệp, bạn diễn. Và đặc biệt, khi anh cất lời ca, dù không quen mặt, không giới thiệu tên, người yêu cải lương có thể nhận ra ngay: NSUT Hoàng Tùng.
Ít khi được giao vai kép chính mà thường là những vai kép phụ, Hoàng Tùng không có nhiều cơ hội tỏa sáng như một số bạn diễn khác. Song anh đã kiên trì với lối đi hẹp của mình, rèn giũa về lời ca, về lối diễn, để làm sao mỗi khi nhập vai, dù là vai diễn nhỏ, anh cũng muốn sống trọn vẹn cùng nhân vật, lời ca từ trong lòng đi ra, từng cử chỉ từng ánh mắt nụ cười phải biểu đạt được nội tâm bên trong.
Nhớ lại những chặng đường đã qua, những giọt mồ hôi đã rơi trên sàn diễn, anh cảm thấy thật nhẹ nhõm: "Riêng ca cải lương đến bây giờ Hoàng Tùng vẫn phải học. Có những từ những âm, ví dụ khi mình thu trên Đài tiếng nói Việt Nam thì các bạn biết rồi là phát toàn quốc, bắt buộc phải ca giọng Nam. Có những từ tiếng Nam thì mình thuận. Có những từ vẫn hơi ngọng ngọng. Thì mình phải tập, đến bây giờ vẫn phải tập, để làm sao khán giả phía Nam cũng như khán giả toàn quốc nghe thì họ cũng không nhận ra điều ấy nhiều lắm, mặc dù có sự pha trộn nhưng họ chấp nhận được.
Đến bây giờ mình vẫn phải học. Còn buổi đầu thì thật sự là ngơ ngác, hoàn toàn không biết gì về sân khấu cải lương. Buổi đầu học mang tính chất a-ma-tơ, biết thế thôi. Nhưng để điều chỉnh nó thì phải vài năm, ít nhất phải đến 7- 8 năm sau thì Hoàng Tùng mới ngấm được cái gọi là cách nhả chữ cải lương – chưa nói đến hát nhé. Bởi vì khi mình nói ra, người ta bảo “à, cải lương” , và khi mình hát lên ngân rung, người ta bảo “à cải lương” chứ không lẫn lộn với loại hình nghệ thuật nào khác.”
Điều mà NSND Vương Hà tâm niệm, khi trải lòng mình trong từng lời ca từng vai diễn. “Ở ngoài đời Vương Hà chẳng có gì cầu kỳ đâu, cuộc sống đơn giản dễ hiểu, nhưng khi lên sân khấu thì bao nhiêu trau chuốt Vương Hà dồn hết vào các vai diễn”. Chị không chỉ ca cải lương theo giọng Nam mà còn ca theo giọng Bắc, bởi chị yêu vẻ đẹp tròn trịa của thanh âm đi cùng những dấu câu:
"Nếu mà diễn vở trên sân khấu thì Vương Hà thường nói giọng Bắc hát giọng Bắc. Nhưng khi vào miền Nam, có những bài tân cổ, Vương Hà vẫn thích hát giọng Nam hơn, bởi vì thổ ngữ của miền Nam khiến cho bài hát mềm mại sâu sắc hơn. Nhưng NSND Bạch Tuyết - người thầy của Vương Hà bên cải lương thì lại nói rằng người Bắc ca cải lương có sự thanh lịch. Điều ấy lý giải vì sao vai thị Tơ trong vở “Cây đàn huyền thoại”, khoảng năm 1998-1999, khi đưa vào diễn trong Sài Gòn gây được nhiều yếu tố lạ. Khán giả được chứng kiến diễn viên phục trang là áo mớ ba mớ bảy, nón quai thao, tóc vấn khăn đuôi gà và ca vọng cổ. Suốt cả vở diễn, khán giả như nuốt từng câu một, để xem xem “Trời ơi miền Bắc làm ăn kiểu giề”. Cải lương có gốc miền Nam nhưng mà vươn xa vươn cành ra đến miền Trung, miền Bắc. Mỗi tỉnh miền Bắc hiện nay đều có một đoàn cải lương. Thế mới biết rằng người miền Bắc người miền Trung yêu cải lương từ lâu lắm rồi”. - NSND Vương Hà chia sẻ.