(VOV5) - Hai năm trở lại đây, những chương trình của Liên đoàn xiếc TW ngày một hấp dẫn người xem.
Nghe âm thanh bài viết tại đây:
Nghệ thuật xiếc hiện đại xuất hiện trên thế giới vào nửa cuối thế kỷ 18 và xuất hiện muộn hơn tại Việt Nam, vào khoảng thế kỷ 19. Ngay từ khi có mặt, xiếc là loại hình nghệ thuật ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều tầng lớp công chúng đương thời vì tính mới lạ, mạo hiểm và hấp dẫn. Nếu như ở một vài thập kỷ trước, khi chưa nở rộ các phương tiện nghe nhìn và loại hình giải trí, xiếc Việt “hữu xạ tự nhiên hương” vẫn là một món ăn tinh thần phổ biến thì giờ đây để giành được thị phần khán giả, xiếc Việt vấp phải nhiều nhọc nhằn hơn.
Đơn cử nếu như nhiều năm trước, công việc truyền thông, quảng bá, tiếp thị các chương trình xiếc dài hơi chưa được chú trọng. Nhận ra được điều đó, Liên đoàn xiếc Việt Nam đã có một bộ phận hoạch định bài bản chiến lược truyền thông. Mới đây liên đoàn xiếc TW đã tổ chức thành công hội nghị khách hàng mà tại đây tất cả cùng lắng nghe nhận xét về các chương trình biểu diễn của đơn vị đồng thời trao đổi với khách hàng về việc thực hiện các hợp đồng biểu diễn.
Một chương trình xiếc của Liên đoàn xiếc TW. |
NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam chia sẻ: “Vừa rồi lần đầu tiên chúng tôi tổ chức thành công một hội nghị khách hàng và rất may mắn được sự ủng hộ của rất nhiều các đơn vị, tour lữ hành. Chúng tôi cũng đưa ra những kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn, thời điểm trong một năm.
Liên đoàn xiếc Việt Nam sẽ có những chương trình cụ thể. Ví dụ như chương trình 1/6 phục vụ suốt dịp hè cho thiếu nhi. Sắp tới có chương trình 2/9, rồi chương trình Trung thu, Noel… Chúng tôi đã hoạch định hết và lên kịch bản chi tiết các nội dung của chương trình. Và khi có những sản phẩm chuẩn bị, chúng tôi liên hệ với bên truyền thông. Khách hàng có cơ hội sớm hơn tiếp cận nội dung chương trình để chào hàng, kết nối với các tour du lịch”
Cùng với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ở lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật ảnh hưởng của công nghệ thông tin có tác động rất lớn tới sở thích và thị hiếu của khán giả. Những cái tên như Phiên chợ Ba Tư, Làng tôi, Sơn Tinh Thủy Tinh, Đám cưới chuột… đều là những chương trình áp dụng công nghệ 4.0 với chất lượng nghệ thuật cao và mang tính hội nhập.
Chia sẻ về điều này, NSƯT Tống Toàn Thắng cho rằng thế hệ xiếc Việt ngày nay rất may mắn vì đang được tiếp cận và hưởng thụ công nghệ một cách đầy đủ và toàn diện. Anh tâm sự: “Chúng tôi có xu hướng chuyển đổi và tiếp cận nhiều hơn nữa về công nghệ 4.0 bằng cách hiện đại hóa, sử dụng công nghệ trong nghệ thuật. Hiện nay nhiều đoàn xiếc đã áp dụng công nghệ này nhiều rồi nhưng chúng ta vẫn còn dè dặt và hạn chế hơn. Thứ nhất là về đầu tư, khi công nghệ 4.0 áp dụng vào thì chúng ta phải đầu tư nhiều hơn và tinh túy hơn, đòi hỏi người đạo diễn phải làm hợp lý và nâng tầm nghệ thuật lên cao.
Cũng phải chia sẻ thêm, sắp tới chúng tôi đầu tư thêm màn hình biểu diễn nghệ thuật xiếc tương tác, các công nghệ về điều khiển từ xa, để hỗ trợ rất nhiều cho phần đạo cụ của xiếc. Có nhiều cái chúng ta không thể tưởng tượng được thì công nghệ 4.0 đã làm được, tạo thêm sự hấp dẫn nữa cho khán giả. Đặc biệt với bộ môn nghệ thuật xiếc, không gian rất rộng, công nghệ đó sẽ tác động rất nhiều cho thị giác của khán giả khi thưởng thức”.
Trong quá trình chuyển mình phát triển, xiếc Việt gặp không it khó khăn mà điều đáng phải kể đến là nguồn nhân lực. Tuổi nghề đặc thù của diễn viên xiếc thường không dài, đặc biệt diễn viên xiếc thường hay gặp vấn đề về sức khỏe dẫn đến thiếu hụt diễn viên. Việc tuyển được diễn viên xiếc hàng năm cũng có giới hạn. Vì vậy, vừa để nâng cao chất lượng và tận dụng được nguồn diễn viên xiếc sẵn có Liên đoàn xiếc TW đã chú trọng vào việc trang bị thêm các kĩ năng và kĩ thuật biểu diễn.
NSƯT Tống Toàn Thắng cho biết thêm: “Hiện nay chúng tôi đang có một cách tiếp cận nữa đó là phải trang bị cho nghệ sĩ thêm nhiều kĩ năng hơn nữa. Đơn thuần nghệ sĩ xiếc chuyên ngành nhào lộn chỉ biết về nhào lộn thôi nhưng bây giờ để đảm bảo chương trình có tính giải trí kĩ thuật và mang tính tổng hợp hơn, chúng tôi đưa ra những kế hoạch là tăng cường cho các nghệ sĩ kĩ năng thêm về sân khấu, diễn xuất, múa, âm nhạc.
Bây giờ không chỉ đơn lẻ là một tiết mục xiếc nữa mà chúng tôi nâng tầm lên dựa vào những kĩ năng và kĩ thuật mà diễn viên đã có. Chúng tôi tạo ra những sản phẩm xiếc trong đó yếu tố tổng hợp lớn. Và điều quan trọng nhất là tạo ra được yếu tố thỏa mãn thị hiếu khán giả cũng như sự mong muốn của khán giả đến nghệ thuật xiếc để thưởng thức xiếc không còn chỉ là truyền thống mà còn là tính giải trí cao”.
Vượt qua những khó khăn thực tế, có thể thấy rõ ràng những thành quả của xiếc Việt hiện nay là không còn là những trò diễn đơn lẻ mà các chương trình đều được xây dựng công phu, kỹ lưỡng, có kịch bản tổng thể, thống nhất từ nội dung, âm nhạc, trang phục. Với những nỗ lực để chuyển mình đó, tin rằng giấc mơ nâng tầm xiếc Việt ra thế giới có lẽ sẽ không còn quá xa vời.